Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch của Bình Thuận: Loay hoay tìm địa điểm

30/09/2016, 07:56

BT- Trung tâm đầu mối nông sản  phải  có điện lưới, nước sạch, hạ tầng viễn thông, nằm trên trục giao thông chính…

Giữa tháng 9/2016, cuộc họp bàn, lựa chọn vị trí để xây dựng trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch của tỉnh đã diễn ra, có sự tham gia của 3 sở: Nông nghiệp, Tài nguyên, Công Thương, TP. Phan Thiết cùng hai huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa xác định được vị trí nào có thể triển khai một trung tâm đầu mối thực sự. Nơi có thể nhất là tại TP. Phan Thiết thì không còn đất công, đủ rộng. Thêm nữa, cũng khó chủ động được mặt bằng để xây dựng, khi bây giờ đụng đến đền bù giải tỏa là mất thời gian rất dài. Điều đó sẽ khiến Bình Thuận tuột mất cơ hội tạo ra tiền đề để người tiêu dùng được tiếp cận nông sản sạch, thực phẩm sạch, bởi ít nhất đây là chương trình của tổ chức sản xuất kinh doanh năng động, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op). Trước đó, Saigon Co.op đã có công văn đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ giới thiệu các địa phương trong cả nước hiện đang có quỹ đất công hoặc có thể chủ động được mặt bằng để xây dựng các trung tâm đầu mối giao dịch nông sản thực phẩm sạch.

  Theo dự kiến, tiêu chuẩn của một trung tâm đầu mối mà theo Saigon Co.op đặt ra là có diện tích lớn, phải bảo đảm các hạng mục theo yêu cầu. Trước hết, phải xây dựng khu trung tâm kiểm định chất lượng nông sản thực phẩm trước khi cung cấp ra thị trường. Bên cạnh là các khu vực sơ chế, chế biến đóng gói và kho bảo quản hàng hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Rồi các trung tâm trung chuyển hàng hóa trong vùng, nhằm góp phần điều tiết hàng hóa, tránh tình trạng ứ đọng làm mất giá nông sản. Không chỉ thế, còn cần có các trung tâm giao dịch và đấu giá hàng nông sản, thu mua nông sản của các nông hộ, hợp tác xã trong vùng để phân phối ra thị trường trong nước và xuất khẩu. Phải có khu siêu thị bán lẻ hàng Việt Nam chất lượng cao kết hợp cho khách tham quan du lịch tại chỗ. Ngoài ra, còn có khu trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong sản xuất và bảo quản hàng nông sản… Với toàn cảnh hiện đại, tiên tiến như thế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật của trung tâm đầu mối phải đạt độ hoàn chỉnh như có điện lưới, nước sạch, hạ tầng viễn thông, nằm trên trục giao thông chính, mặt tiền đường quốc lộ hoặc có giao thông đường thủy thuận tiện. Trung tâm đầu mối này không quá xa khu vực trung tâm tỉnh, thành phố và gần vùng nguyên liệu nông, thủy sản chủ lực của vùng với thời gian hoạt động tối thiểu là 30 năm…

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dựa vào các tiêu chuẩn trên, trong cuộc họp rồi, các sở, ngành và 3 huyện, thành phố có tìm kiếm vị trí. Ở TP. Phan Thiết, phù hợp nhất nhất là cửa ngõ phía Nam, thứ hai là tại Ngã Hai (Hàm Thuận Nam) và cuối cùng là đoạn gần Khu công nghiệp Phan Thiết. Trước mắt tất cả đều thấy vướng đền bù.  

Bình Thuận, nơi có các vùng chuyên canh cây trồng nổi tiếng như thanh long, mủ trôm, nước mắm… và cũng là nơi phát triển du lịch, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm. Một khi có trung tâm đầu mối giao dịch nông sản thực phẩm sạch ở địa điểm thích hợp, có thêm sự tham gia của du khách thì thực sự sẽ tạo cầu nối xôm tụ giữa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh với du khách, kênh kết nối bao lâu nay ai cũng thấy nhưng chưa thể thực hiện. 

 Bích Nghị


Related articles

(0) Comments
Focus
Thông xe kỹ thuật tuyến Hàm Kiệm – Tiến Thành
BTO-Sáng nay, ngày 30/4 ông Nguyễn Hữu Trung – Giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bình Thuận, cho hay: Tuyến đường giao thông Hàm Kiệm – Tiến Thành đã thông xe kỹ thuật. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận khi đơn vị thi công đã tập trung nhân vật lực làm “3 ca 4 kíp” trong vòng 1 tháng từ lúc được giao mặt bằng khoảng 1,3 km - mặt bằng được giao ngày 29/3...
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch của Bình Thuận: Loay hoay tìm địa điểm