Chợ lưu động

14/10/2016, 08:18

BT - Với những vùng nông thôn cách nay khoảng hai mươi năm, hình ảnh những chiếc xe đạp cồng kềnh chở đủ thứ như một ngôi chợ thu nhỏ không phải là điều xa lạ. Những ngôi chợ di động ấy ruổi rong qua bao đường làng ngõ xóm giúp cho những bà nội trợ khỏi mất công đạp xe năm ba cây số để mua nhu yếu phẩm hàng ngày, từ rau thịt cá mắm đến sợi chỉ, xị dầu... khá tiện lợi.

Chị bán hàng cũng là người trong vùng, lấy việc buôn bán làm kế sinh nhai, vốn liếng không nhiều nên mỗi thứ một ít, thồ trên chiếc xe đạp dã chiến ông chồng "độ" riêng cho để phù hợp với việc chuyên chở. Người bán, người mua là chỗ quen biết cả nên mọi giao dịch cũng dễ dàng. Giá cả nâng lên chút đỉnh bù cho những guồng quay đôi chân chẳng ai phàn nàn gì, và dù là buôn bán nhỏ lẻ thế, nhưng hễ khi ai lỡ chưa có tiền thì cũng cười huề cho thiếu, và hơn thế nữa là khi gặp người neo thân đơn chiếc bữa đói bữa no, thì cũng gói ghém những gì còn sót lại cho không, chẳng so đo hơn thiệt điều gì.

         

Giờ đây thì đã nhiều lắm những chợ lớn, chợ nhỏ, sạp rau, quầy thịt ở từng xã, từng thôn. Vạt đất đầu xóm hay ngã ba đường làng đều thuận tiện để tụ họp, đáp ứng mọi nhu cầu của người mua, vậy nên hình ảnh những chiếc xe - chợ lưu động khuất lấp dần trong tâm trí mọi người, chỉ đến khi về một nơi thật xa nào đó mới tình cờ gặp lại.

Tôi đã gặp những ngôi chợ di động đó ở một số nơi, đó là một thôn nhiều đá sỏi ở vùng sâu huyện Bắc Bình, có khi tận trong rừng cao su ở Tánh Linh, lúc lại trên con đường uốn lượn quanh co núi đồi ở Hàm Thuận Bắc... có khác chăng, chiếc xe đạp năm xưa đã được thay thế bằng xe máy chở được nhiều hàng, lại cơ động hơn. Thêm nữa, giờ đây việc buôn bán cũng không phải theo tuyến đường quen thuộc như trước, vừa đi vừa rao để ai có nhu cầu thì mua, rồi tùy theo nhu cầu của khách mà chủ hàng dỡ từng món đồ xuống để chọn, nay đã có điện thoại di động, chỉ cần ba mươi giây dặn dò, hay chắc ăn hơn là chịu khó nhắn mấy dòng tin là dưa cà, bò heo gì đó đã được bỏ sẵn trong bịch, người bán chỉ việc đánh dấu trong đầu địa chỉ của nhà dì Hai, thím Ba, chị Bảy... là trực chỉ, tiện lợi hơn trước nhiều. Vậy đó, việc giao thương từ ngàn năm qua vẫn không đổi mục đích người bán - kẻ mua, và dẫu có ở đâu, tiện dụng thế nào chăng nữa thì vẫn còn sót lại những nét truyền thống, để cho ta nhớ nhớ, thương thương.

Thiên Thanh


Related articles

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chợ lưu động