Bàn đạo hiếu trong mùa Vu Lan

16/08/2024, 05:10

Tháng bảy âm lịch, theo truyền thống Phật giáo còn gọi là tháng Vu Lan, dân gian gọi mùa báo hiếu, ngày lễ chính được tổ chức vào ngày rằm, mang nguồn gốc từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên (theo kinh Vu Lan bồn của Bắc tông).

Theo kinh, Mục Kiền Liên đã dùng thần thông nhãn huệ để tìm kiếm mẹ mình là bà Thanh Đề, ngài phát hiện bà đang phải chịu kiếp ngạ quỷ vì những nghiệp ác trước đây. Ngài đã cúng dường thức ăn cho mẹ, nhưng thức ăn biến thành lửa đỏ, không thể giúp bà. Sau đó, ngài quay về hỏi Đức Phật, và được chỉ dạy rằng cần có sự tham gia của chư tăng để hồi hướng công đức nhằm giải thoát cho mẹ. Từ đó, Lễ Vu Lan ra đời như một dịp để các tín đồ tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên, đồng thời thể hiện lòng tri ân và hiếu thảo. Trong ngày này, việc cúng dường, làm từ thiện và tham gia các nghi thức như “Bông hồng cài áo” cũng được thực hiện, nhằm nhắc nhở mọi người về tình nghĩa gia đình và trách nhiệm đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Lễ Vu Lan đã trở thành biểu tượng của đạo lý hiếu nghĩa trong văn hóa Việt Nam.

cai-ao.jpg

Từ xa xưa, đời sống văn hóa Việt Nam ảnh hưởng khá mạnh Nho giáo của Khổng gia, trong đó đề cao giá trị chữ hiếu, đạo hiếu. Trước đây ở miền Nam, nhiều gia đình vẫn lưu giữ tập sách “Nhị thập tứ hiếu” (kể về 24 tấm gương đại hiếu của Trung Hoa) trong kệ sách gia đình. Trong 7 lời khuyên của Khổng Tử lưu truyền đáng để hậu thế chúng ta suy ngẫm là: 1- Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích; 2- Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích; 3- Anh em không hòa, bạn bè vô ích; 4- Làm việc bất chính, đọc sách vô ích; 5- Làm trái lòng người, thông minh vô ích; 6- Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích; 7- Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.

Ở đây chỉ bàn lời khuyên thứ 2 của Khổng Tử: “Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích”. Ai cũng biết người Việt rất quan trọng việc thờ cúng. Hầu hết gia đình nào cũng dành vị trí trang trọng nhất trong nhà để lập bàn thờ, thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Không chỉ ngày tết, ngày lễ, kị giỗ mà ngay cả thường ngày bàn thờ luôn được các gia đình phụng sự hương khói quanh năm. Điều đó không chỉ là tập quán mà còn là nhu cầu đời sống tâm linh, thông qua đó còn giáo dục con cháu đạo hiếu nghĩa của đa số gia đình người Việt. Vì vậy, việc thờ cúng sẽ trở nên vô ích nếu ta bất hiếu với cha mẹ. Trong dân gian có câu vè rất thâm “Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi”, phê phán lúc sống đối xử tệ bạc với cha mẹ, người thân, lúc họ đã chết rồi thì cúng tế linh đình, rất phản cảm.

Trong lịch sử Việt Nam, chữ hiếu, đạo hiếu đã sớm được điều chỉnh trong những bộ cổ luật và vẫn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Hai Bộ cổ luật của các triều đại phong kiến Việt Nam còn lưu lại cho đến nay là Bộ luật Hồng Đức (triều Lê) và Bộ luật Gia Long (triều Nguyễn).

Cả hai bộ cổ luật này đều đã sớm pháp định về chữ hiếu. Luật Hồng Đức đã quy định bất hiếu là một “thập ác” (mười tội ác). “Bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo; nuôi nấng thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, vui chơi ăn mặc như thường; có tang ông bà, cha mẹ mà giấu không làm tang; nói dối là ông bà, cha mẹ đã chết”.

Theo đó, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng, vâng lời, bảo vệ ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt xử tội đồ làm khao đinh; con nuôi, con kế mà thất hiếu với cha nuôi, cha kế thì xử phạm tội trên một bậc và mất những tài sản đã chia.

Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài (đánh 90 trượng, thích vào mặt 8 chữ, bắt đeo xiềng hai vòng, đày đi làm việc ở xứ khác); đánh cha mẹ thì xử lưu châu xa (đánh 100 trượng, thích vào mặt 10 chữ, bắt đeo xiềng 3 vòng, đày đi làm việc ở các xứ); đánh bị thương thì xử thắt cổ… Con cháu không được kiện cáo ông bà, cha mẹ, trừ một số trường hợp được luật cho phép.

Luật Gia Long cũng có nhiều quy định điều chỉnh về chữ hiếu nhưng cũng xem bất hiếu là một trong “thập ác”. Theo luật này, các hành vi được xem là bất hiếu cũng gần giống như quy định của luật Hồng Đức. Các hành vi bị coi là bất hiếu, đều chịu các chế tài tương ứng, chẳng hạn: Đi làm quan bỏ mặc cha mẹ. Nếu có ông bà, cha mẹ tuổi đã 80 trở lên, có bệnh nặng lại không có con thứ hầu hạ mà bỏ mặc cứ đi làm quan, hoặc nói dối rằng ông bà, cha mẹ già ốm, phải tìm cách trở về quê quán để hầu hạ thì đều xử phạt 80 trượng, bắt về quê quán phụng dưỡng cha mẹ, khi nào xong, muốn quay lại chức quan thì chiếu theo chức cũ ban cho…

Với những quy định trên, cổ luật Việt Nam đã sớm luật hóa chữ hiếu, đưa chữ hiếu từ phạm trù đạo đức trở thành phạm trù pháp lý, định ra các chế tài nghiêm khắc để duy trì kỷ cương, hiếu nghĩa trong xã hội.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam luôn chú trọng chuẩn mực hiếu đạo, con cái bất hiếu, vi phạm nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ, tùy tính chất, mức độ của hành vi cụ thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu hình sự. Một số hành vi bất hiếu có thể bị xử lý hành chính như: Hành hạ, ngược đãi cha mẹ; con cái trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cha, mẹ; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của cha, mẹ; cô lập, xua đuổi, gây áp lực về tâm lý đối với cha, mẹ…

Trong trường hợp con cái có hành vi bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một hoặc số tội danh như: Tội "Hành hạ, ngược đãi ông, bà, cha, mẹ". Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm của con cháu đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác được quy định thì bị truy cứu trách nhiệm theo tội đó, những trường hợp này, tình tiết xâm hại đến ông bà, cha mẹ là tình tiết định khung tăng nặng.

Có thể khẳng định đạo hiếu, hiếu nghĩa, dù trong thời đại nào vẫn luôn được coi là nền tảng đạo đức con người. Xã hội luôn ngợi ca, tôn vinh những tấm gương hiếu nghĩa, phê phán chê trách những hành động, cá nhân bất hiếu. Đồng thời những kẻ nghịch tử, bất hiếu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc bởi quy phạm pháp luật hiện hành.

HUỲNH THANH

Related articles
Đừng thờ ơ với bảo vệ di sản văn hóa, thắng cảnh
Mỗi di tích, công trình văn hóa hay thắng cảnh không chỉ chứa đựng giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc hay cảnh quan, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần vô giá.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bàn đạo hiếu trong mùa Vu Lan