Quanh chuyện Rừng Buông

06/09/2024, 05:12

Tôi được sinh ra ở Hàm Tân chỉ trước vài năm nơi này trở thành vùng căn cứ địa thời chiến tranh chống Pháp. Với tuổi thơ đủ sớm thấm thía nỗi ám ảnh rờn rợn bởi bóng rậm cây rừng dưới chân núi Bể của căn cứ địa Giao Loan - Rừng Lá bạt ngàn.

Đêm đêm trong bóng tối bao trùm gian nhà lá, vách che bằng cây gỗ ghép lại nghe tiếng hổ gầm, mễn tác càng thấy sự mỏng manh mạng người. Rồi dần dần quen đi khi nhiều nóc nhà của người dân tản cư bên rẫy mọc lên và cảm thấy yêu mến hơn thiên nhiên, ấm áp tình xóm giềng.

11-rng-la-buong.jpg.jpg

Giao Loan - rừng lá buông

Cho đến bây giờ, hơn nửa thế kỷ với bao vật đổi sao dời khó mà hình dung lại trong nỗi nhớ mênh mang ngày xưa cũ. Nhưng dưới bầu trời căn cứ Giao Loan của miền Đông Nam bộ, hình ảnh cây buông rừng đã ăn sâu vào tâm khảm của tôi. Ngày đó, má và các chị tôi ra rẫy trỉa lúa mà nơm nớp lắng nghe tiếng máy bay oanh tạc của Tây rình rập trên bầu trời. Nhưng cái nghề gần như đuổi theo đời sống một bộ phận cư dân quanh năm, đó là chằm lá, vót đũa, đan tu ví bằng nguyên liệu là cành lá buông non. Những tiếng xào xạc từ mũi ghim nhọn kết thành tấm lá, tiếng lách cách bện từng tấm đệm buồm… trở thành sản vật được bó gọn gàng và chuyển bằng xe trâu hoặc gánh bộ ra xóm biển Tam Tân, La Gi, Thắng Hải, Bình Châu, để bán cho thương buôn hay đổi hàng vải mặc, thuốc tây, xà bông, kim chỉ… ở vùng tạm chiếm.

Cách đây hơn 70 năm đằng đẵng nhưng vẫn hiện lên trong tâm trí tôi cảnh rừng thâm u dưới chân núi Bể, Mây Tàu và phía bên kia núi là đất Đồng Nai- Xuyên Mộc. Nhưng vẫn hít thở luồng sinh khí của vùng căn cứ kháng chiến rộng lớn mang địa danh Giao Loan xưa, kéo dài đến núi Chứa Chan, mốc ranh cực Nam Trung bộ với đất Nam phần.                

Lại nhớ trong sách Gia Định Thành Thông Chí gọi tên Cây Lá Buông theo chữ Hán đẹp như thơ là Bối Diệp Giang, bởi cây buông mọc nhiều, dọc một con sông trên đất Xuân Lộc, Long Khánh. Say sưa những trang sử Địa chí Đồng Nai dẫn tôi đến với một sự kiện hào hùng liên quan. Đó là năm 1863, giặc Pháp đánh vào căn cứ Lý Nhơn, nghĩa quân Trương Định quyết tử chiến phá vây, nhưng do Huỳnh Công Tấn phản bội, phục kích Trương Định hy sinh (19/8/1864). Trương Quyền là con trai Trương Định cùng Phan Chỉnh (Phan Trung) tiếp tục sự nghiệp của cha, lập căn cứ Giao Loan (Rừng Lá) và lùi sâu vào địa bàn Tánh Linh, Bình Thuận để khai khẩn đồn điền, lập kho trữ quân lương. Tỉnh Bình Tuy từ 1956 - 1975 dưới thời Việt Nam cộng Hòa, đã đặt lãnh thổ tỉnh này thuộc Miền Đông Nam Phần, cũng không ngoài ý đồ chiến lược quân sự. Điều đó cho thấy tầm quan trọng vùng đất này như thế nào.

Có tư liệu nói đến cây lá buông với gốc tên từ Bối Diệp Giang (貝 葉 江/ sông Lá Buôn), còn có tên gọi khác là Rạch Lá Bôn. Bản đồ quân sự VNCH 1964 lại ghi sai “Sông Lá Buông, nguồn từ suối Đá Bàn chảy ngang huyện Thống Nhất (Đồng Nai)… “cư dân ở đây phần đông sinh sống bằng cách lấy lá buông dệt buồm, đan tấm, đánh dây, chặt tàu đem bán, do đó mà gọi tên sông”.

Nhớ lại thời khó khăn

Thương nhớ rừng lá buông tĩnh mịch, u trầm. Hình ảnh cây buông rừng và những nhu dụng trong sinh hoạt hàng ngày từ mép lá vuốt tròn nên đôi đũa, làm tên bắn ná, từ cành làm mái lợp, vách nhà… quá chừng gần gũi trong ký ức tôi. Đến mãi sau này, trên đường quốc lộ 1 từ ngã ba Ông Đồn, Cẩm Mỹ, Suối Cát, Căn cứ 4 (Xuân Hòa) qua các thôn xóm dọc dài đến Tân Minh, Tân Nghĩa (Hàm Tân), những sân phơi ven đường với cánh lá buông non trắng muốt, trải bung ra mang hình mặt trời mọc đã gợi nhớ trong tôi một hình tượng của linh khí hồn rừng, tình đất. Vẫn bằng nguyên liệu lá buông, sau ngày thống nhất đất nước 1975, thị xã La Gi và huyện Hàm Tân (Bình Thuận) bấy giờ khai thác lợi thế lâm đặc sản cây lá buông vùng rừng địa bàn Giao Loan miền Đông Nam bộ. Các Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Tiên Tiến, Đoàn Kết, 19 tháng 4 Tân An ở La Gi - Hàm Tân ra đời sau ngày vừa giải phóng 1975, đã thu hút trên chục ngàn lao động trực tiếp và cả lứa tuổi học trò cấp 2 mà dẻo tay đan từng cuộn nang buông gia công. Các thương hiệu với mặt hàng, đũa, giỏ, túi xách, nón, mành… đến thị trường Đông Âu.  

Rừng Lá với tên gọi Giao Loan huyền thoại đã là một phần linh khí hào hùng của một thời lịch sử chống ngoại xâm, như một biểu tượng tự hào trên đất miền Đông Nam bộ. Cây lá buông trải dài trên đất tây nam Bình Thuận giáp đến vùng biên với các địa danh Xuyên Mộc, Lộc An, Xuân Hòa, Gia Ray… Có thể, các vùng đất xa hơn vẫn rải rác có cây buông sinh trưởng nhưng vùng đất Giao Loan xưa với miền Đông Nam bộ thời kỳ sau này vẫn coi cây buông còn gắn liền với một phần cuộc sống của người lao động nông thôn. Nếu miền Đông Nam bộ là nơi hội tụ về tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng phong phú, khí hậu ôn hòa thì địa danh Rừng Lá/ Giao Loan cũng rạng rỡ nổi lên như một biểu tượng sáng ngời. Đó là nơi hội tụ hào khí chủ nghĩa yêu nước, khao khát tự do. Năm 2018, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xếp hạng cấp tỉnh Di tích lịch sử căn cứ Rừng Lá xã Xuân Hòa (căn cứ 4/quốc lộ 1), huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Có sự nhầm lẫn về khái niệm “căn cứ” là một khu, vùng, địa bàn rộng lớn của lực lượng kháng chiến trong chiến tranh chống xâm lược. Hoàn toàn khác với các tên gọi căn cứ 1, 2, 3, 4, 5… là cứ điểm (đồn bót nhỏ) quân sự VNCH trước 1975, canh giữ quốc lộ 1 từ Gia Ray - ngã ba Ông Đồn (Xuân Lộc) đến địa phận (Hàm Tân) Bình Thuận.

Chữ Chăm cổ trên lá buông

Theo di sản văn hóa Chăm có nói đến những văn bản xưa, bài kinh, văn tế được ghi chép bằng lá buông (agal bac) đã bị thất truyền cách đây đến 5 đời với kỹ thuật chế tác và được lưu giữ mang tính huyền bí, linh thiêng. Những cả sư trong vùng Chăm Ma Lâm (Pajai) hay đền tháp Po Klaong Girai (Ninh Thuận) cho rằng nguồn lá buông lấy từ vùng núi Tánh Linh hoặc mua lại của người Raglai. Lá được chọn phải là lá buông non, phơi kỹ, để lâu không bị mối mọt. Viết chữ bằng mũi dao nhọn, đầu bút hơ lửa cho nóng. Chữ được dùng mực đen nguyên là mủ gỗ lim. Theo kỹ thuật bí truyền của người Chăm từ xưa đã có cách dùng lá buông để chế tác văn bản xuất phát từ đảo Bali- Indonesia. Bởi đặc điểm đất đai, khí hậu một số vùng nhiệt đới Đông Nam Á phù hợp với loại cây buông phát triển. Với biến thiên lịch sử, người Chăm ở các tỉnh Nam Trung bộ, vùng đồng bằng giáp Campuchia đã tiếp nối truyền thống sử dụng văn bản lá buông coi như trang kinh tụng thiêng liêng cho cúng tế.

Nguồn tư liệu sưu tầm từ những nhà nghiên cứu Chăm đã góp phần không nhỏ trong việc xác lập quá trình hình thành địa phương và góp phần phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

PHAN CHÍNH

Related articles
Tự hào giai điệu Tổ quốc
BTO-Tối ngày 1/9, Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024), đã diễn ra tại Nhà hát và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh.

(0) Comments
Focus
Binh Thuan: Speciality of the Cham Cuisine brought into Tourism services
BTO - The Cham community in Binh Thuan boasts a distinctive culinary culture, especially the cuisine featured in their festivals besides their cultural heritage, which encompasses both tangible and intangible culture. The food served during Cham festivals is not about luxurious and expensive dishes; rather, it reflects simplicity and rustic charm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quanh chuyện Rừng Buông