Nồi canh trầm tích

11/04/2025, 05:44

Vừa rồi, đứa cháu gửi tôi cuốn Hướng dẫn ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hỏi tôi một số vấn đề có liên quan đến cảm nhận tác phẩm. Mở xem qua, tôi bắt gặp bài thơ Canh cá tràu của Chế Lan Viên, gợi tôi hồi ức về những kỷ niệm của nửa thế kỷ trước trôi qua bây giờ sống dậy.

Những năm sau 1975 là những cuộc hội ngộ xúc động lạ thường của không biết bao nhiêu người sau những ngày ly biệt ở hai miền đất nước. Hồi đó bọn tôi còn đang học ở Huế, khi đọc bài thơ Canh cá tràu của Chế Lan Viên không khỏi cảm thương: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tí rau thơm/ Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!”.

sach.jpg

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ có phong cách thơ giàu triết lí và trữ tình. Sau năm 1975, khi trở về quê hương sau ba mươi năm xa cách, ông viết bài thơ Canh cá tràu – một tác phẩm chứa đựng cảm xúc dồn nén, thể hiện sự trở về với cội nguồn, với những giá trị tuy giản dị mà ẩn chứa sâu sắc những ký ức thiêng liêng của cuộc sống về tình mẹ, tình quê.  

Mở đầu hai câu thơ như thước phim quay chậm, tái hiện một ký ức ấm áp nơi góc bếp quê nhà. “Canh cá tràu” là món ăn dân dã gắn liền với đời sống làng quê Việt Nam: “Canh cá tràu mẹ thường hay nấu khế/ Khế trong vườn thêm một tí rau thơm”; không phải sơn hào hải vị, nhưng rất quý giá khi bữa cơm gắn liền với gia đình bởi bàn tay tảo tần của mẹ. Cách nấu cũng thật đơn sơ: Con cá bắt từ ruộng đồng, khế và rau thơm cũng là cây nhà lá vườn, sản vật đều quen thuộc, gần gũi, giản dị, luôn xuất hiện tự nhiên trong bữa ăn hằng ngày, nhưng có sức gợi tả mạnh mẽ, làm sống dậy cả một không gian quê hương yên bình, đầm ấm với hình ảnh trung tâm là người mẹ hiền, lặng lẽ chăm lo cho con. Hình ảnh nồi canh rau cá ở đây còn là biểu tượng ký ức tuổi thơ, không thể tìm thấy ở bất cứ đâu khác, nó mang đầy hương vị quê nhà, của tình mẹ dành cho con. Món ăn trở thành biểu tượng của sự sum vầy, ấm áp, là nơi lưu giữ hồn quê sâu thẳm và tấm lòng của mẹ trong ký ức người con những tháng năm xa nhà. Canh cá tràu với khế, đơn giản thế thôi, nhưng đến khi gặp lại thì cất lên như một tiếng thở dài: “Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ”. Chữ “mà” đặt giữa câu thơ tạo nên một sự đối lập nghiệt ngã giữa cái bình dị, thân thương của quá khứ và nỗi đau chia cắt kéo dài đến hiện tại. Giọng thơ bình dị, “Ừ, thế đó”, nhưng chứa đựng bao nỗi niềm, sự chấp nhận một hiện thực đau lòng “một đời xa cách”: Xa mẹ, xa quê suốt “ba mươi năm”. Ba mươi năm với lịch sử không dài, nhưng với đời của một con người là không ngắn. Đó còn là khoảng thời gian tâm trạng xa xứ của người con với bao nỗi niềm thương mẹ nhớ quê, nghe mà đằng đẵng. Để rồi “Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm!”. Ba mươi năm có thể là thời gian cụ thể với những người tham gia kháng chiến chín năm chống Pháp và hai mươi năm tập kết.  

Đến đây, tôi nhớ người anh con ông bác. Anh tham gia vào cuộc kháng chiến chín năm, sang tận bên Lào. Khi chiến thắng Điện Biên, Pháp đầu hàng rút quân, anh về thăm nhà. Sau đó có lệnh tập kết, anh lại lên đường ra Bắc, tiếp tục sinh hoạt trong quân đội, phụ trách đơn vị cao xạ phòng không, đến quân hàm thiếu tá thì bị thương và phục viên. Suốt hai mươi năm đó, không liên hệ được gì với quê nhà, cha mẹ. Sau chiến thắng 30/4/1975, anh vội vã về lại quê. Tâm trạng anh vui lắm. Biết tôi là sinh viên, anh tặng tôi cây bút Hồng Hà thật đẹp. Một hôm vào đầu tháng 3 năm 1976, ngồi ăn bữa cơm gia đình với nhau, trên mâm có đĩa cá chuồn. Anh cầm đũa lật qua lật lại khúc cá, rồi nói: Đi bao năm rồi mà vẫn không quên câu ca dao quê mình: “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Hồi xưa ở nhà, mẹ kho món cá chuồn với mít non ngon không chê được, giờ mẹ không còn, không biết nhà mình còn ai kho được hay không. Bà chị con bác, tức em của anh, nói: Khỏi lo, mai em đi chợ, sẽ có món mít non cá chuồn kho cho anh.

Còn nhà thơ, sau “ba mươi năm trở lại nhà” gặp canh cá tràu mẹ nấu thì cảm xúc dâng trào, vỡ òa không kìm nén được, “nước mắt xuống mâm cơm”. Không phải chỉ có buồn đau mới khóc, mà khi người ta có những cảm xúc vui mừng dâng lên cao độ cũng khiến họ khóc, nhà thơ ở đây là thế, “nước mắt xuống mâm cơm”. Đó là giọt nước mắt của tâm hồn nhạy cảm trải qua bao biến động lịch sử chiến tranh, là giọt nước mắt hạnh phúc và có chút gì xót xa của người con xa xứ khi được trở về bên mẹ, về với cội nguồn bình yên. Giọt nước mắt mang giá trị thiêng liêng của con người với gia đình, với quê hương.

Khép lại một chặng đường 50 năm, giờ ông anh của tôi không còn, nhà thơ cũng đã mất, nhưng sắp đến ngày 30/4 năm nay, hình ảnh nồi “canh cá tràu” nấu khế của nhà thơ và câu ca dao “mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên” ông anh nhắc lại cứ làm cho tôi cảm xúc xao xuyến lạ thường. Bài thơ không chỉ là tiếng lòng riêng của tác giả mà còn chạm đến tiếng lòng chung của bao con người xa quê, khắc khoải tình mẹ, với những hương vị bình dị mà ấm áp của tuổi thơ.

VÕ NGUYÊN

Related articles
Thiếu nhi Bình Thuận làm theo 5 điều Bác Hồ dạy
Chăm ngoan học giỏi, đoàn kết yêu thương, giúp bạn cùng tiến, tích cực tham gia phong trào “Thiếu nhi Việt Nam thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc… là những việc làm hay mà đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh thực hiện trong nhiều năm qua để xứng đáng là “Cháu ngoan Bác Hồ”.

(0) Comments
Focus
Nỗ lực giữ vị trí thứ 3
Nottingham Forest tiếp đón đối thủ Everton trên sân nhà City Ground tại vòng 32 Giải Ngoại hạng Anh diễn ra vào lúc 21 giờ ngày 12/4. Nottingham Forest đang phong độ ấn tượng và có lợi thế sân nhà còn Everton đang chơi không tốt trên sân khách. Không ngạc nhiên nếu chủ nhà có 3 điểm.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nồi canh trầm tích