“Buôn cưới” mưu lợi, bất cần đạo lý, bất cần tình cảm họ hàng, xóm giềng. Họ lợi dụng việc cưới vợ gả chồng cho con cái là cơ hội để kiếm lời. Phong tục tốt đẹp đã bị biến chất xấu xa vì kẻ cơ hội “buôn cưới”. Sau đám cưới, khui thùng tiền, hể hả chốt tiền lời. Kiếm được bao nhiêu? Lời được mấy triệu? Tiền là trên tất thảy. Hậu quả là tiền “đè bẹp” niềm hạnh phúc mới của vợ chồng trẻ. Đã có chú rể tranh giành tiền. Cãi lộn. Đánh nhau. Cô dâu chán chường, đêm tối lặng lẽ ôm vàng cưới trốn biệt.

Đám cưới là phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân mình. Kết hợp lễ hội, thời trang, ca nhạc và ẩm thực. Trai thanh, gái lịch điểm tô son phấn. Trang phục tân thời, com-lê, áo dài, đầm hoa, đầm xòe. Ông già, bà cả cũng xúng xính bộ lễ mới toanh, trang trọng, lịch sự. Mọi người khoe hương sắc làm đẹp cuộc đời. Dàn nhạc khuếch đại âm thanh vang dội khắp làng.
Ẩm thực là phần quan trọng thiết yếu quyết định sự thành công cho đám cưới. Khách vào ngồi bàn là ngắm thực đơn có được hợp ý. Món nào thích. Món nào không thích. 12 giờ trưa. Bụng “réo” đòi cơm. Bắt đầu khai tiệc. Mâm thanh niên hăng hái, yêu đời.123! Dzô!
Nhiều đám cưới diễn ra thành công tốt đẹp, để lại tiếng thơm trong gia đình, làng xóm. Gia chủ đối đãi trọng thị khách mời, đặt tiệc cưới, đãi đằng chu đáo. Các món ăn đầy đủ và ngon miệng, làm hài lòng quan khách tham dự. Mâm bàn tròn 10 khách, 5 món ăn chính, tỉ dụ như: “2 loài trên cạn, 3 loài dưới nước. Bò. Gà. Tôm. Mực. Cá”. Mỗi món đều lên cân. Mỗi dĩa, thịt đúng 7 lạng. Không tính rau trộn. Khách ẩm thực no nê, thích chí, không tiếc chi phí “ăn tiệc giá cao”. Nét mặt thỏa mãn. Nói cười hỉ hả. Bước chân khệnh khạng. Thân tình bắt tay gia chủ, ra về trong niềm phấn khởi.
Điểm lại để thấy “buôn cưới” như sạn sỏi đáng ghét, trộn lẫn trong thức ăn. Như món hàng giả kẻ gian lừa bán cho mình. Anh ấy bị bẻ mặt mấy lần, khi nhận sắm vai ông đại diện cho gia chủ. Ngồi chung mâm với họ hàng của sui gia. Anh sượng mặt muốn độn thổ. Các món ăn bị trộn nhiều rau, xổm lên ngồn ngộn. Ước chừng trong mỗi món chỉ có 3 lạng thịt. Những đôi đũa của khách “đá xóc” trong dĩa, như cái tát khéo vào mặt gia chủ. Nỗi thất vọng tràn ứ trên trên khuôn mặt họ. Những cái cười nhếch miệng dè bỉu. Cười khinh bỉ. Cười chua chát. Những ánh mắt soi xét. Anh ấy phải gián tiếp gánh chịu nỗi giận ghét của họ.
Sự lừa dối lồ lộ. Mưu tính rõ ràng, phơi bày chiêu trò của con buôn. Gia chủ lợi dụng đám cưới của con cái mình để trục lợi. Xén bớt khẩu phần ăn của ba trăm khách, kiếm lợi mươi triệu tiền. Hậu quả rành rành, anh thấy họ lần sau tổ chức đám cưới cho con. Có tới mười mâm khách từ mặt, không đến, gia chủ “méo mặt, khóc ròng”. Những gia chủ “buôn cưới” để đời tai tiếng trong xóm làng. Và đây nữa! Sự toan tính mưu chước tinh vi của “con buôn”. Hợp đồng dịch vụ đặt tiệc số lượng ít hơn khách mời. Buộc khách ngồi ghép bàn 11 người. Trong lúc tiệc tùng, quan khách cũng “bóp bụng” cười mếu, thông cảm bỏ qua cho sự cố “cháy bàn” tưởng chừng như bất ngờ xảy ra. Nhưng, thiếu khẩu phần ăn, nếu 10 khách buộc phải ngồi ghép bàn 11 người. Thì gia chủ trục lợi được 5 triệu tiền của khách. Hành xử như vậy là không có đạo đức.
Ông bà mình xưa nay đã dạy: “Sống ở đời chớ làm việc chi đoản hậu, con cháu đời sau phải gánh chịu”. Họ đã truyền cho con cái nhiễm thói hám lợi. Coi trọng giá trị tiền bạc. Coi rẻ tình cảm gia đình, họ hàng. Đối với họ, mối quan hệ láng giềng không quan trọng gì. Họ không hề băn khoăn, áy náy, khi dùng chiêu trò để buôn cưới, kiếm lợi từ khách mời, bà con, xóm giềng. Đôi vợ chồng trẻ của gia đình ấy sống với nhau thời gian ngắn, rồi cãi lộn vì tiền, gầm ghè nhau, ra tòa ly hôn. Trước tòa, họ cũng cãi lộn, tranh giành tiền. Tình duyên ngắn ngủn. Tình bạc như vôi. Chồng chắp, vợ nối.