Tự hào quá khứ, vững bước tương lai

11/04/2025, 05:11

Tháng tư về gợi cho chúng ta rất nhiều cảm xúc, những ký ức hào hùng, gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của quê hương, của đất nước. Để rồi từ đó, chúng ta nhận ra rằng, quá khứ chính là điểm tựa, là mạch nguồn để thế hệ hôm nay nối tiếp, vững tin bước vào tương lai.

1. Dù chiến tranh đã lùi xa, đất nước nở hoa độc lập, 50 năm sau ngày Bình Thuận giải phóng, nhưng với Đại tá Văn Minh Trường, sinh năm 1935 (thôn Đại Thiện, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc) vẫn vẹn nguyên ký ức về những năm tháng chiến đấu hào hùng. 14 năm kháng chiến chống Mỹ, 5 lần bị thương nặng, 2 lần bị bom đạn của Mỹ đốt cháy toàn thân, chết đi sống lại. Và không biết bao nhiều lần bị đạn bom của quân thù tàn phá trên thân thể ông. Với ông, đó là kỷ niệm không thể phai nhòa trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Những ngày tháng tư lịch sử, được lắng nghe những câu chuyện, kỷ niệm về thời chiến từ ông, thế hệ đi sau càng thêm trân quý giá trị của hòa bình.

ong-minh-1-.jpg
Mặc dù đã lớn tuổi nhưng trong ký ức của Đại tá Trường là những năm tháng chiến đấu không thể nào quên.

Ông bắt đầu câu chuyện bằng lời khẳng định chắc nịch: “Chiến công, thành tích này là của Đảng, của Nhân dân và của rất nhiều người lính đã hy sinh, chấp nhận thương tật, khó khăn, gian khổ để làm nên ngày giải phóng, thống nhất Tổ quốc chứ nào của riêng ai”. Và rồi theo mạch nguồn, ông bắt đầu câu chuyện thời chiến của mình từ đây. Ông cho biết, từ năm 1961, ông trực tiếp cầm súng chiến đấu đến ngày đất nước thống nhất. Ông vinh dự trực tiếp chỉ huy, chiến đấu giải phóng 4/6 tỉnh trực thuộc Quân khu 6 (gồm Bình Thuận, Bình Tuy, Lâm Đồng, Tuyên Đức). Kết thúc đợt 1, tháng 12/1974, giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và một phần rộng lớn ở miền núi, làm cơ sở, tạo đà cho những cuộc tổng tiến công sau này. Đợt 2 và cũng là giai đoạn then chốt cho cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn quê hương. Đó là, đêm 16/3/1975, các lực lượng của ta, nòng cốt là Trung đoàn bộ binh 812 do ông vừa được giao trọng trách từ Chỉ huy phó Tỉnh đội Bình Thuận qua làm Trung đoàn trưởng, cùng đoàn Đặc công 200C, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy chiến đấu suốt 7 ngày, đêm từ ngày 16 - 22/3/1975. Theo đó, 23 giờ ngày 16/3/1975, Trung đoàn 812, Tiểu đoàn Đặc công 200C, Đại đội 88 tỉnh Bình Tuy nổ súng vây lấn chi khu. Hỏa lực địch ở các hướng, từ trong chi khu bắn như mưa vào đội hình của ta. Bộ đội ta đã có thương vong. Lúc này, các Tiểu đoàn 15, Tiểu đoàn 186 diệt phần lớn các đồn, bốt xung quanh. Tiểu đoàn 840, Đại đội 88 cũng chặn và tiêu diệt phần lớn lực lượng chi viện của địch từ hướng Trà Tân và Võ Xu kéo về. Cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt, rạng sáng ngày 20/3/1975 lực lượng đặc công 200C áp sát cửa mở Chi khu Võ Đắc. “Dưới làn đạn, pháo đen đặc, hệ thống thông tin của ta bị tê liệt. Một quyết định sinh tử, tôi cùng với đồng chí Chủ nhiệm Thông tin và đồng chí liên lạc, vượt ngoài công sự suốt 1,5 km dưới làn đạn pháo bắn cấp tập, mù trời của địch. Như là một sự kỳ diệu, đạn bom như thế mà không ai bị thương. Đến nơi, gặp được tôi anh em rất mừng. Tôi nhanh chóng củng cố hệ thống thông tin, tổ chức lực lượng, tăng cường chi viện, đến rạng sáng ngày 20/3 mũi đầu tiên của 200C, tiếp theo là Tiểu đoàn 840 mở cửa xung phong tiêu diệt, làm chủ Chi khu Võ Đắc. Thừa thắng, các lực lượng ta phát triển, tiêu diệt các lực lượng của địch, giải phóng các xã lân cận. Đến chiều 22/3/1975, toàn huyện Hoài Đức (nay là huyện Đức Linh) không còn bóng địch”, Đại tá Trường nhớ lại.

Cũng theo Đại tá Trường, trong khí thế chiến trường miền Nam đang sôi động, nhận lệnh của Quân khu, ngày 25/3, Trung đoàn 812 tiến theo quốc lộ 20 lên giải phóng Di Linh, Bảo Lộc, Đà Lạt. Theo đà tiến công, đến chiều ngày 6/4/1975 trung đoàn quay về Hàm Thuận, phối hợp với các lực lượng để đêm ngày 7/4 cùng với Tiểu đoàn Đặc công 200C, Tiểu đoàn Bộ binh 482 tỉnh Bình Thuận và Đại đội 3 huyện Hàm Thuận tiến công giải phóng Ma Lâm - Thiện Giáo. Trưa ngày 18/4, sau khi hiệp đồng với Quân đoàn 2, được sự chi viện của Quân đoàn 2 gồm Lữ đoàn Tăng, Trung đoàn Bộ binh 18; Trung đoàn 812 (có 3 Tiểu đoàn Bộ binh 15, 840 và Tiểu đoàn Pháo 130) và Tiểu đoàn Bộ binh 482 tỉnh đội Bình Thuận chia thành 3 hướng đồng loạt tấn công vào thị xã Phan Thiết từ hướng quốc lộ 1A ngay trong đêm 18/4. “Hôm ấy, trời tối đen, bộ đội ta không thông thuộc mục tiêu và đường cơ động trong thị xã Phan Thiết. Biết quân giải phóng vào giải phóng, nhiều người dân tình nguyện dẫn đường, chỉ các mục tiêu, kho tàng của địch. Các đơn vị chủ lực và địa phương vận động tiến công, tiêu diệt các toán địch, chiếm giữ toàn bộ tòa tỉnh trưởng, giải phóng 70 tù binh ở nhà tù Đinh Công Tráng, chiếm giữ kho bạc và các căn cứ quân sự, hậu cần, thu toàn bộ vũ khí và các phương tiện chiến tranh của địch”, Đại tá Trường kể.

Và rồi, rạng sáng 19/4, quê hương đã được giải phóng. “Suốt mấy chục năm chúng tôi chờ phút giây này. Vui lắm, mừng chảy nước mắt. Nhưng cũng chính vào lúc này chúng tôi lại nhớ về những người đồng chí, đồng đội mới vừa ngã xuống hy sinh ngay tại cửa ngõ vào thị xã và những trận đánh trước đó. Bao máu xương, công sức, hy sinh, mất mát của nhiều người dân, bộ đội, du kích để có ngày hòa bình, độc lập”, giọng nói của Đại tá Trường cứ nghẹn dần.

minh.jpg
Nhiều hoạt động của tuổi trẻ thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đi trước.

2. Những ngày tháng tư có dấu ấn rất riêng trong lòng mỗi người dân Bình Thuận, nhất là năm nay Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Thuận. Chính vì vậy mà nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc biệt sẽ diễn ra. Đó là, Lễ mít tinh Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) gắn với kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng quê hương Bình Thuận (19/4/1975 - 19/4/2025); chương trình nghệ thuật đặc sắc và bắn pháo hoa trên trục đường Nguyễn Tất Thành, TP. Phan Thiết. Chương trình “Thắp nến tri ân” các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; phát động các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh. Tổ chức thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo...

z6494925976388_af935406487bee13316bf38266f12813.jpg

Thế hệ trẻ hôm nay bước vào một mặt trận mới - mặt trận xây dựng và phát triển quê hương.

Tự hào với quá khứ, tin tưởng ở hiện tại, sẵn sàng cho tương lai, thế hệ trẻ quyết tâm xứng đáng là những người con sống trên mảnh đất Bình Thuận anh hùng. Chị Trần Nguyễn Ngọc Anh (Huyện đoàn Hàm Thuận Bắc) chia sẻ: Chúng em, sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa và lớn lên được thừa hưởng “trái ngọt” từ những thành tựu nổi bật của tỉnh nhà đạt được qua 50 năm xây dựng kiến thiết và phát triển, được thụ hưởng nhiều lợi ích về vật chất và tinh thần, có điều kiện ngày càng tốt hơn để sống, học tập, làm việc. Chúng em luôn nhận thức rõ rằng: Hòa bình, độc lập, tự do không phải tự nhiên mà có, hạnh phúc không phải tự nhiên mà đến. Nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất và điều kiện sống tốt đẹp hôm nay chúng em có được đã phải đổi bằng xương máu của các thế hệ cha anh, sự kết tinh đóng góp tâm huyết, trí tuệ, mồ hôi của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và đồng bào ta qua nhiều thời kỳ.

“Ngày nay, chúng em không còn phải cầm súng ra trận, nhưng chúng em lại có một mặt trận mới - mặt trận xây dựng và phát triển quê hương. Chúng em sẽ bắt tay vào những công việc bình thường hàng ngày nhưng có ích cho đời, cho xã hội; ra sức học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ trong khởi nghiệp và lập nghiệp, phấn đấu trở thành người công dân vừa hồng vừa chuyên, góp phần cùng tuổi trẻ cả nước đem sức mạnh, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam hội nhập”, chị Ánh nói.

Tháng tư nhắc nhở người trẻ về trách nhiệm của mình, tri ân quá khứ và tiếp nối tinh thần yêu nước, đoàn kết và quyết tâm xây dựng quê hương. Tinh thần tháng tư không chỉ là ký ức, mà còn là động lực cho tuổi trẻ vững bước trên con đường tương lai. Hướng về ngày giải phóng quê hương 19/4, thế hệ trẻ càng trân quý giá trị của hòa bình. Để từ đó, lòng yêu nước của người trẻ được thể hiện bằng những hành động thiết thực, nỗ lực học tập, lao động và cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.

THANH NHÀN

Related articles
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư Tô Lâm
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Hội nghị Trung ương 11 sẽ thảo luận 15 nội dung, tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính là sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tự hào quá khứ, vững bước tương lai