Đánh thức tiềm năng phát triển năng động

11/04/2025, 05:22

Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày được giải phóng (17/4/1975 - 17/4/2025), huyện Tuy Phong từ một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, hôm nay đã chuyển mình thành huyện phát triển năng động ở phía Bắc của tỉnh với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.

Giải phóng Tuy Phong bước ngoặt lịch sử

Là cửa ngõ Đông Bắc của tỉnh, án ngữ tuyến quốc lộ 1A - trục huyết mạch nối liền các tỉnh Nam Trung bộ với Đông Nam bộ, việc giải phóng Tuy Phong sẽ trở thành bàn đạp quan trọng để tiến đến giải phóng toàn bộ tỉnh Bình Thuận. Trước tình hình diễn biến nhanh chóng trên khắp các chiến trường lúc bấy giờ, đặc biệt là các tỉnh miền Trung liên tiếp được giải phóng. Huyện ủy Tuy Phong đã chủ trương dùng lực lượng đội công tác và lực lượng các xã, với sự nổi dậy của nhân dân, bộ đội chủ lực tiến đánh đến đâu thì tổ chức tiếp quản đến đó. Ngày 13/4/1975, Đại đội 490 của huyện đã đánh đồn Tuy Tịnh và làm chủ các ấp Tuy Tịnh Chăm, Tuy Tịnh Kinh; các xã Phan Rí Cửa, Chí Công, Bình Thạnh, Phước Thể, Vĩnh Hảo chuẩn bị lực lượng để phối hợp giải phóng và tiếp quản. Bộ đội chủ lực, quân và dân địa phương đã chặn đánh địch từ Ninh Thuận vào theo quốc lộ 1A. Sau khi vượt qua cầu Vĩnh Hảo, đoàn quân đi đầu của cánh quân Duyên Hải được lực lượng của huyện cử đi đón và dẫn đường tiến vào giải phóng Long Hương lúc 17 giờ ngày 17/4/1975. Chiến thắng ngày 17/4 giải phóng Tuy Phong là sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân trong huyện, đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Hệ thống thủy lợi thúc đẩy sản xuất.

Từng là vùng đất chịu nhiều tổn thất bởi chiến tranh, thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, Tuy Phong bước vào thời kỳ hòa bình với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, Tuy Phong cũng sở hữu nhiều lợi thế phát triển với vị trí địa lý chiến lược, tài nguyên rừng, biển phong phú, quỹ đất rộng, nguồn nhân lực dồi dào. Đặc biệt, huyện luôn nhận được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của toàn hệ thống chính trị và nhân dân địa phương. Phát huy tiềm năng, khắc phục khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân Tuy Phong đã từng bước đưa huyện thoát khỏi nghèo khó, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Từ một vùng “thừa nắng, thiếu mưa”, Tuy Phong hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực, khẳng định vị thế là địa phương năng động phía Bắc của tỉnh.

Đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Ảnh: Ngọc Lân.

Dấu ấn chuyển mình 3 “trụ cột” kinh tế

Nhắc đến Tuy Phong, nhiều người từng mặc định đây là vùng “khát” nhất của tỉnh, đất đai khô cằn, quanh năm nắng cháy và thiếu nước triền miên. Bằng sự quyết liệt của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện và sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, tỉnh, huyện đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi quy mô: sông Lòng Sông, hồ Đá Bạc, hồ Phan Dũng... cùng hệ thống kênh mương nội đồng. Nước được dẫn về khắp nơi, “đánh thức” đất đai từng nứt nẻ, tạo nên những vùng canh tác nông nghiệp ổn định và hiệu quả. Nước về đến đâu những cánh đồng phủ màu xanh của lúa, hoa màu, vườn thanh long, nho, táo trĩu quả... Sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển chuyển dịch đúng hướng. Đến cuối năm 2024, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 41.200 tấn. Các loại cây trồng chủ lực như nho, táo phát triển mạnh mẽ; sản phẩm OCOP 3 sao như táo Phong Phú, nho Hồng Nhật Phước Thể.

Kinh tế huyện liên tục tăng trưởng khá. Nếu năm 1983, thời điểm tái lập huyện tổng thu ngân sách chỉ đạt 2,7 tỷ đồng, thì đến năm 2024, con số này đã vọt lên 355 tỷ đồng, tăng gấp 132 lần. Đây là nguồn lực quan trọng để huyện đầu tư hạ tầng, cải thiện đời sống dân sinh và tạo nền tảng phát triển bền vững. Tuy Phong khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển và năng lượng. Công nghiệp chế biến thủy, hải sản, nước khoáng, vật liệu xây dựng, phát triển nổi bật là năng lượng tái tạo đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.

Hoạt động vận tải ngày càng tăng về số lượng và chất lượng cao hơn; đã đưa vào hoạt động thêm tuyến xe buýt từ Phan Rang - Tháp Chàm – Tuy Phong - Bắc Bình – Phan Thiết phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, nhiều công trình giao thông đường bộ đã hoàn thành như: tuyến đường Liên Hương – Bình Thạnh - Phan Rí Cửa; Liên Hương- Phan Dũng; nhất là mới đây công trình cầu qua Đập tràn xã Phan Dũng hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nối liền các vùng, miền, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Từ chỗ hàng hóa khan hiếm, cơ sở hạ tầng yếu kém sau giải phóng, đến nay Tuy Phong đã có hệ thống thương mại dịch vụ phát triển mạnh: chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, trạm xăng dầu mọc lên khắp nơi. Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng phát triển mạnh. Tuyến trekking Tà Năng – Phan Dũng, biển đảo Hòn Cau, bãi đá Cà Dược, rêu xanh Bình Thạnh, chùa Cổ Thạch… là những điểm đến hút khách. Năm 2024, huyện đón hơn 1,65 triệu lượt du khách. Đã có 23 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư, tổng vốn đăng ký trên 4.500 tỷ đồng. Vận tải đường biển đã hình thành Cảng quốc tế Vĩnh Tân. Một số dự án lớn về giao thông đi qua địa bàn huyện đã hoàn thiện, nhất là đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tạo cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện.

Lãnh đạo huyện Tuy Phong tại hoạt động văn hóa của huyện.

Khát vọng vươn lên

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn và các khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, toàn huyện hiện có 6/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Vùng đồng bào DTTS tiếp tục được quan tâm đầu tư các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế- xã hội; các chương trình như 134, 135, dự án giao đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, dự án “Đào tạo cán bộ và cộng đồng xã Phan Dũng”... góp phần cải thiện đời sống người dân, tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, nâng cao thu nhập. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, trong năm 2025, Tuy Phong đặt quyết tâm cao trong việc xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình người có công và hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến cuối năm 2024 giảm còn 1,28% (489 hộ)...

Ông Trần Sinh Toàn – Bí thư Huyện ủy Tuy Phong khẳng định: “Chúng ta trân trọng, ghi nhận và tự hào với tất cả những thành tựu mà quân và dân huyện nhà đã đạt được trong suốt hành trình 50 năm xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn không ít khó khăn, thách thức... Dù vậy, với truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, cùng khát vọng vươn lên, Bí thư Huyện ủy kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và nhân dân toàn huyện tiếp tục phát huy hào khí quê hương Tuy Phong anh hùng, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025), xây dựng Tuy Phong ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh và niềm tin yêu của nhân dân hôm nay.

T.DUYÊN- N.LÂN

Related articles
Tuy Phong: Số ca sốt xuất huyết tăng cao
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), mật độ muỗi Aedes tăng những tháng đầu năm 2025 tại Tuy Phong, đặc biệt Phan Rí Cửa. Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời như diệt muỗi và tuyên truyền phòng chống SXH, thì nguy cơ số ca mắc lan rộng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đánh thức tiềm năng phát triển năng động