
Tôi hỏi ông cụ bán vé số đang trầm ngâm nhìn ngã tư thưa thớt người. Ông cụ không nhìn tôi, đôi mắt ông nhìn vào cõi vô định nào đó, cái giọng khản đặc sao não nề lạ:
- Ngồi đây còn vui hơn về nhà, ít ra còn có xe, có người để ngắm.
Tôi mở lời định mua vài tờ vé số nhưng ông cụ xua tay bảo vé hết lâu rồi. Chẳng hiểu sao tôi lại lót dép ngồi ngắm phố đêm cùng ông. Gió từ bờ sông phía sau thổi tới mát rượi. Ông giở cái giỏ cũ nát, lấy ra chai rượu nhỏ, rót một nắp mời tôi:
- Làm cút cho ấm bụng.
Tôi có hơi phân vân nhìn bàn tay cáu bẩn, cái nắp chai cũ mèm, nhưng rồi vì lịch sự cũng đón lấy uống cạn. Hơi rượu xộc lên mũi, cay sè. Ông lão cũng uống. Liền tù tì hai nắp rồi khà một hơi rõ to ra vẻ sảng khoái. Rượu vào lời ra. Đàn ông quen nhau từ ly rượu. Thật vậy, tôi cảm giác ông bắt đầu gần gũi hơn, mở lời hơn. Nhờ đó mà biết được ông trọ trong cái hẻm sâu hun hút bên bờ mương. Cái xóm trọ đó thì tôi chẳng lạ vì gần nhà, nơi đó tập trung dân lao động nghèo tứ xứ tới, quanh năm ướp mình trong thứ mùi cống, nồng nặc nhất là những ngày mùa mưa. Vợ tôi hay so sánh cuộc sống của mình với họ để an ủi rằng ít nhất chúng tôi còn có một căn nhà nhỏ, một công việc ổn định, như vậy đã là quá đủ hạnh phúc. Còn tôi, chẳng hiểu sao vẫn có một chút gì đó day dứt, thương thương những thân phận người nổi trôi ấy.
Ông già bán vé số dạo này đã bán ở đây mấy năm nay, nhưng lần này là lần đầu tiên tôi bắt chuyện. Tôi chẳng phải người ưa cầu may nên quanh năm suốt tháng dăm ba lần mua vé số. Thương thì mua giúp vài tờ thôi. Thành hay bại do mình, sao lại phải đi cầu may ở ông trời. Suy nghĩ vậy nên ít khi tôi mua số. Dạo này do bệnh xương khớp hành, tôi đành nghe lời bác sĩ vận động nhiều một chút, tập chạy bộ vào mỗi tối cho dễ ngủ. Đây là lần thứ ba tôi về ngang ngã tư, thấy ông lão trầm tư nhìn phố. Hơi tò mò, phần cũng thương cảm, có lẽ ông không có nhà để về nên mới dừng bắt chuyện, định mua dăm tờ ủng hộ cho ông.
Hóa ra tôi tưởng tượng quá nhiều. Ông có một chỗ trọ, dù xoàng xĩnh cũng là có nơi để về. Hỏi thăm bâng quơ một hồi mà ông vẫn kín miệng chỉ tiết lộ sơ sơ mình sống một mình, không vợ con nên không cần về sớm. Thái độ của ông khiến tôi tò mò, đến độ cưa cẩn cùng ông quá hơn nửa chai rượu. Kết cục tôi say trước, đành phải chào thua. Ông cụ cười khà nhìn tôi khoái trá, vỗ vai tiễn:
- Mai có rảnh thì ghé, tôi còn hai con khô ngon ở nhà, để dành gặp bạn quý.
Tối hôm sau tôi xách cây chả giò (lén lấy của vợ), cầm thêm chai rượu ngoại (bạn bè cho mà chưa có dịp uống) tìm tới ngã tư. Lão vẫn ngồi ngay chỗ cột đèn, vẫn cái dáng cũ kỹ ấy ngắm phố. Thấy tôi, mắt lão có vẻ ánh lên nét mừng, nụ cười móm mém đón chào:
- Tui tưởng chú em mầy hứa suông!
- Sao được, đờn ông hứa là làm chớ chú.
Vậy là trên tấm nilon, chúng tôi bày biện ra. Chả giò, rượu ngoại, rượu đế, hai con khô mực thơm lựng. Lần này thì tôi có mang ly. Khề khà đối ẩm, bàn chuyện tây chuyện ta, chuyện nhà ra chuyện phố. Tới khi phố đã vắng người, còn mỗi hai kẻ sần sần hơi men, tôi mới đánh bạo hỏi lão:
- Mớ gì không lấy vợ mà ở mình vậy chú?
Lão nhìn tôi, hai mắt mờ đục, dường như có nước ở trỏng, không biết là rượu hay nước mắt:
- Muốn biết thiệt ha?
Tôi gật đầu. Rồi thấy bộ trầm tư của lão đâm ra tội, vội xua tay:
- Nếu khó nói quá thì thôi, con không ép đâu.
- Chú em mầy còn trẻ, đường đi lại thẳng băng, đâu hiểu được những khúc ngoặt đời tui đâu. Nói ra đâu có hiểu. Có con Sony là nó hiểu. Mà giờ nó chết queo rồi. Chết queo rồi.
Lão ôm mặt khóc ngon ơ. Sony là ai? Là con Sony. Lão vừa khóc vừa kể lể. Chuyện nọ xọ chuyện kia, rối rắm hơn mì gói. May là đầu óc tôi vẫn còn chút tỉnh táo, xâu chuỗi lại thì tôi cũng lờ mờ hiểu ra rằng Sony là con chó mà lão nuôi. Ừ phải, lúc trước tôi đi qua ngã tư cũng thoáng thấy lão có một con chó xù màu trắng rất xinh. Có lẽ là nó. Lão thương con chó lắm, có gì cũng cho nó ăn. Lão gọi nó là con. Con gái lão.
- Lũ khốn nạn giết nó mất rồi. Ôi, Sony, tội nghiệp con tui.
Lão tru lên như lũ sói thấy trăng. Tôi đâm ngượng, ai mà nhìn thấy chúng tôi lúc này chắc nghĩ rằng tôi đang bắt nạt lão cũng nên. Tôi vỗ vai động viên:
- Thôi, mọi chuyện xảy ra rồi, chuyện đâu còn có đó mà chú.
- Chú mầy không thấy cái cảnh nó nằm đó, miệng xùi bọt mép, mắt trợn trắng, cả lũ con của nó nữa. Ôi! Mỗi đêm về tui vẫn thấy tụi nó nằm đó, tụi nó trách tui sao lại bỏ tụi nó một mình. Tụi nó than đói, thèm xúc xích lắm huhu…
Lão ôm mặt rấm rứt khóc. Một lần nữa tôi lại phải xâu chuỗi những mảnh ký ức chắp nối của lão để thành một mạch chuyện dễ hiểu: đại loại Sony có thai, nó sanh được bốn đứa nhóc kháu khỉnh nên lão đành nhốt mẹ con nó ở phòng trọ. Hằng ngày lão đi bán và mua đồ ăn về cho tụi nó chứ không thể ôm theo cả bầy đi được. Một vài người trong khu trọ phàn nàn về việc lũ chó con tiểu tiện hôi hám, một vài người thì phản ánh chúng nó sủa om sòm gây ảnh hưởng. Lão tưởng xin lỗi là xong, ai dè hôm đó lão đi bán về mở cửa thì thấy mấy mẹ con chết thảm. Thì ra ai đó đã nhét thịt nướng qua khe cửa cho chúng nó ăn. Chúng nó ăn ngon lành chẳng biết thịt nướng có tẩm bả chó. Thế là chết hết. Lão phải chạy lòng vòng tìm khu đất trống quy hoạch mà chưa xây dựng để chôn chúng nó.
- Khi nào cậu đánh mất người mà cậu yêu thương nhất, cậu mới hiểu cảm giác của tôi lúc này. Đây là lần thứ hai tôi đánh mất thứ mà tôi quý nhất.
Khi nói câu đó, tự dưng mắt lão ráo hoảnh. Lão chẳng tru tréo gì nữa, chỉ lặng lặng đứng lên dọn đồ, rồi lẳng lặng đi về phía xóm trọ tồi tàn của mình. Tôi nhìn theo, lại nhìn hai cái ly lăn lóc trên tấm nilon, lòng chợt ngập tràn nỗi buồn miên man không biết nguyên cớ vì sao.
Mấy ngày sau đó, tôi không còn thấy lão ngồi ngay ngã tư nữa. Mỗi chiều chạy xe về ngang, tôi vẫn liếc sang tìm bóng lão mà tuyệt nhiên biệt tăm. Có lẽ lão đã đổi chỗ khác để ngồi bán. Bán buôn mà, ngồi một chỗ mãi sao có khách. Tôi suýt đã quên mất buổi tối hôm ấy, quên mất cả câu chuyện lê thê nước mắt của lão và con Sony nếu không có một biến cố nho nhỏ xảy đến. Đó là cái chân của tôi sưng to, đau đến độ chẳng thể đi làm được. Vợ bắt tôi đi khám bệnh. Tôi thì chỉ định bụng đi cho vợ yên tâm nhưng vào nghe bác sĩ phán thì cũng gai gai sống lưng. Họ bảo tôi bị viêm khớp gì đấy và cần làm vài xét nghiệm để kiểm tra. Ừ thì xét nghiệm. Ba cái bệnh tuổi già thôi, có xét nghiệm cũng chẳng trị dứt được. Dẫu vậy tôi vẫn ngoan ngoãn nghe lời bác sĩ. Trong khi chờ đợi, tôi chán nản lướt điện thoại. Bỗng một giọng nói hơi hơi quen vang lên bên tai:
- Chú mua ủng hộ tui tờ vé số với.
Tôi ngẩng mặt lên. Là lão. Lão già bán vé số ở ngã tư đường, người mà dạo trước còn chén anh chén em với tôi. Tôi cười tươi nhìn lão:
- Là con nè, chú nhận ra con không. Chú khỏe không, sao dạo này không bán chỗ ngã tư nữa?
Lão chớp mắt mấy giây rồi chừng như đã nhận ra tôi nhưng lão chẳng vui mừng như tôi tưởng. Lão nhìn bộ quần áo âu phục của tôi, nhìn cặp kiếng của tôi, dè chừng:
- Tại ế khách nên tôi đi bán dạo để kiếm cơm.
Thấy thái độ ngại ngùng của lão, tôi liền kéo tay lão ra căn tin gọi cà phê. Tôi niềm nở:
- Chú đừng có ngại, chú cháu mình chẳng phải nhậu chung rồi sao, đã cạn chén thì tất thảy đều là anh em hết.
- Câu này hay. Tui khoái cậu rồi đó.
Lão vỗ đùi đánh đét, mắt nhìn tôi long lanh. Tôi cũng khoái chí vì lâu lắm mới có người khen tôi nói hay.
Sau lần đó (cũng có thể sau câu nói chí hay đó), tôi và lão thành bạn thân. Lão bán đâu thì bán, tối về vẫn dựa cột đèn ngay ngã tư ngắm phố đợi tôi đi vài vòng thể dục gọi là ghé qua tâm sự. Có điều chúng tôi không uống rượu mà khề khà chén trà, vài thanh kẹo đậu phộng. Chuyện phiếm thôi. Khi đã thân quen, lão tâm sự nhiều hơn, tôi mới biết rằng thì ra những khúc cua tay áo mà lúc trước lão đề cập đến đã lấy đi của lão một gia đình be bé hạnh phúc, lấy đi tiếng cười của thằng con trai độc nhất. Chẳng là lúc trước lão làm nghề buôn bán nón bảo hiểm, mỗi tháng đều bắt xe đò từ quê lên thành phố lấy hàng. Vợ lão chăm mấy sào rau, chạy chợ. Cũng gọi là đủ ăn đủ mặc. Nhà mỗi thằng con trai độc nhất, được cưng như trứng. Thằng con trai dù được cưng chiều vẫn rất ngoan ngoãn, lo học hành, biết thương cha thương mẹ. Năm đó nó vào lớp 9, nghỉ hè, nó xin theo lão vào thành phố, đòi đi lấy hàng cùng ba. Lão đồng ý ngay, cũng định dẫn con đi chơi chỗ này chỗ kia cho biết với người ta. Ai dè, đó là lần cuối cha con đi cùng nhau. Trên đường trở về, xe đò gặp tai nạn, thằng con trai cứ đòi nằm giường mé cửa sổ để ngắm cảnh nên bị xe bên kia đâm trúng chết ngay tại chỗ. Lão nằm hàng giữa may mắn thoát chết, chỉ bị xây xước. Nhưng cái may mắn ấy là cực hình với lão. Lão luôn dằn vặt bao nhiêu năm rằng tại sao lại để con nằm gần cửa sổ, tại sao người ra đi không phải là lão. Sau tai nạn đó, vợ lão lâm bệnh nặng rồi cũng nhanh chóng ra đi theo con trai. Còn một thân một mình, chán đời lão lâm vào rượu chè quên đi nỗi buồn. Sau rốt thì lang bạt khắp nơi bán vé số rồi dạt về cái thành phố nhỏ này lay lắt sống phần đời còn lại.
Chuyện đời của lão cứ như chỉ có trong phim vậy. Nghe thật là buồn. Nhưng khi lão kể xong, lão lại mỉm cười rất nhẹ nhõm, tưởng như vừa trút bỏ tảng đá trong lòng bấy lâu nay:
- Có những chuyện chẳng ai muốn nhưng không thể làm khác được. Có lẽ đó là số phận. Chú em mầy ha?
Tôi đành gật gù ra chiều đồng ý cho lão vui. Thi thoảng lão kể cho tôi nghe về việc đi thắp nhang cho mẹ con Sony. Lão bảo vẫn hay ngủ mơ thấy chúng, nhưng chúng vẫy đuôi mừng chứ không than khóc nữa. Tôi hỏi sao lão không xin con khác về nuôi bầu bạn, lão lắc đầu buồn rầu:
- Không nuôi nữa, tui sợ tụi nó lại giống Sony, bị người ta thuốc. Sao lại có nhiều người ác vậy hả cậu. Đến cả một con chó cũng không tha?
Tôi ấp úng như gà mắc tóc. Biết giải thích ra sao cho lão hiểu đây. Cuộc đời này, thiện và ác vốn rất khó phân minh. Đôi khi việc ấy là thiện với người này nhưng chưa chắc là thiện với người khác. Tôi đành chống chế cho qua chuyện:
- Cuộc sống mà chú, có người thiện thì cũng có người ác, vậy mới là đời chứ chú.
Lần này thì lão không khen hay. Lão nghiêm mặt nhìn tôi cật vấn:
- Nhưng bao giờ cái thiện cũng phải thắng chứ, đúng vậy không?
Lần này thì tôi hoàn toàn tắc tị thật rồi. Cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác, có thiệt hôn? Ai đó làm ơn trả lời lão giúp giùm tôi với…