Lão Khọt

22/05/2025, 18:36

Vợ lão hay bảo da ông là do rượu nhuộm đấy. Người ta da vàng, da trắng, da đen chứ ai lại da đỏ au như gà chọi thế kia. Lão lườm vợ, bén ngót như con dao quắn. Dù vậy trong lòng lão cũng thấy hơi hơi có lý.

Chắc rượu nhuộm thật. Uống mấy mươi năm. Uống từ lúc mở mắt tới lúc trời tối. Uống tới độ không đi vững, có bữa nằm lăn bên vệ đường ngủ. Uống tới độ không dậy nổi để đi đái, nằm tại chỗ tè bậy như mấy đứa trẻ con mớ ngủ. Vợ lão chỉ biết lắc đầu, thở dài, chán nản và chấp nhận. Còn làm gì hơn được. Đàn bà xứ này chẳng phải ai cũng chịu đựng chồng thế sao. Đâu phải chỉ uống rượu, khi về nhà mấy lão con giời ấy còn mắng vợ chửi con, cãi là vớ đâu ném đó. Chả nhịn thì làm gì, để lão quăng đồ à rồi mình lại còng lưng đi làm sắm lại. Chả dại. Một điều nhịn, chín điều lành, người xưa dạy cấm có sai.

truyen-ngan.jpg

Vậy là ở với nhau năm mươi năm có lẻ. Đùng một cái, ngày nọ vợ bảo lão:

- Tôi không muốn ở với ông nữa. Giờ con cái chúng nó lấy chồng lấy vợ hết, chúng nó đi hết rồi. Tôi cũng phải có cuộc sống riêng chứ chẳng thể nào chịu ông thêm một khắc nào nữa.

Lão trợn mắt, nghiến răng:

- Giỏi nhỉ! Bà hôm nay giỏi nhỉ!

Vợ lão đứng phắt dậy, chỉ thẳng mặt lão bảo:

- Này lão Khọt, tôi đã nhịn ông 50 năm rồi đấy. Giờ tôi không nhịn nữa đâu. Có giỏi thì đánh đi. Có giỏi thì đập đi.

Vút. Cái ly rượu trên bàn bay vèo. Xoảng. Nó rơi nát bét. Vợ lão bĩu môi rồi quầy quả vào trong, lát sau tay xách giỏ đồ trở ra, còn không quên đập lên bàn tờ đơn ly dị. Láo. Láo quá thể. Loạn, loạn hết rồi. Nhà này giờ loạn hết rồi. Được, ly dị à, bỏ đi à. Ừ, cứ đi đi, xem mấy bữa bà lại trở về. Khi ấy á, tôi tống cổ bà ra đường ngay.

Nhưng chờ mãi, chờ mãi cũng chẳng thấy bà ấy quay về. Nghe bảo bà ấy đi thuê phòng trọ, hàng tháng lũ con đứa cho một ít, rồi bà đi phụ quán thuê, rửa chén cho quán ăn ngoài thị trấn. Tối tối, bà ấy còn đi tập dưỡng sinh ngoài công viên, hát hò với hội người cao tuổi, coi bộ vui vẻ lắm. Tức quá. Sao lại thế được nhỉ. Mấy cái đứa trời đánh, chúng nó cho mẹ mà chẳng cho bố. Chúng mày là một lũ vô ơn, nuôi đủ lông đủ cánh lại bỏ rơi bố mày à. Biết thế lúc trước bóp mũi chết hết cho rồi. Ức quá, lão vồ lấy chai rượu nốc như nước lã. Say thì ngủ. Tỉnh lại uống. Cứ thế rượu nuôi sống lão.

Cái câu chuyện vợ chồng lão Khọt nó trở thành “món khai vị” trong các cuộc tám chuyện của làng trên xóm dưới. Ai cũng bảo lão Khọt dở, vợ nó bỏ đi thì mình kiếm bà khác về mà lo cho. Thế gian sợ quái gì, chỉ sợ không có tiền. Thật, sợ nhất chỉ là không tiền. Mà lão Khọt thì giàu nỗi sợ ấy. Lão làm gì có xu dính túi nào. Tiền bạc bao năm một tay bà ấy giữ. Việc làm ăn, vườn tược, bán chác một tay bà ấy lo. Lão chỉ là cà kê dê ngỗng khắp làng trên xóm dưới, uống say rồi về, rồi chửi, rồi dọa dẫm các kiểu. Giờ đùng một cái bà ấy ngoe đít bỏ đi, ơ, đã chia chác tài sản gì đâu cơ chứ. Định bỏ của chạy lấy người à. Được, ông đây bán tất, không chừa cho chúng mày mẩu đất nào. Thế là lão để biển bán đất. Chà, mảnh đất bằng phẳng, cây cối xanh um, đường cũng thông thoáng. Vài mối tìm đến, kỳ kèo giá cả. Lão gật tất. Đắt rẻ cũng bán, đương hết tiền. Khổ cái lần nào tới cái đoạn làm giấy tờ cũng gãy. Muốn bán thì phải có sự đồng ý của vợ, mà gọi bà ấy, bà ấy nghe chưa hết câu đã tắt ngang. Có lần bà ấy còn hét vào điện thoại: Tôi giờ chẳng dính dáng gì với ông nữa, đừng gọi. Ôi trời là tức. Tức nhất là tức mà không làm gì được, ngay cả chửi dăm câu cũng không được. Thế là lão chỉ còn biết chửi trời, chửi đất, chửi cha nó cái nắng tháng ba hanh quá thể. Nắng chả thèm chấp lão, chỉ cười khẩy nhún nhẩy trên mấy tán lá. Ôi là tức, là tức!

Lão chỉ còn biết gọi cho mấy đứa con biểu chúng nó chớ không gửi cho bố ít đồng à, chúng mày định để bố chết đói hay sao. Dĩ nhiên chúng nó không đành lòng làm nên có ghé gửi ít tiền. Đứa khuyên bố lên thị trấn làm lành với mẹ đi. Đứa lại khuyên bố bớt rượu lại. Đứa bảo bố chịu khó nấu ăn đừng la cà uống rượu nữa. Cút, cút hết. Cút mẹ chúng mày đi. Láo đời, lại còn dạy ngược lại tao à. Chả lẽ bảy mươi mấy tuổi tao chẳng tự chăm sóc được à. Cứ làm như không có mẹ con bây tao chết được ấy. Lão nói cứng thế chứ khi chúng về hết lão lại thở dài. Nấu ăn thôi cũng là cả một vấn đề. Xưa giờ lão có nấu nướng đâu, tưởng cứ bỏ tất vào nồi nấu chín là được, ai nghĩ nó khó thế. Bữa thì nấu nhạt, bữa thì mặn, mùi vị thì chả đâu ra đâu. Khó phết chứ chẳng đùa. Thôi, cái gì khó thì bỏ qua. Đi ăn tiệm. Nhưng ăn vài bữa thì ngấy đến tận cổ, nuốt không trôi nữa. Thế là trong cơn say, lão lại gọi vợ, nhầy:

- Bà không định về coi tôi sống chết thế nào à?

- Còn gọi điện cho tôi thì còn sống đấy thôi, sao phải về?

Điên máu, kể mà đứng trước mặt là lão vồ lấy mà đá rồi, ức cái ở xa quá. Mà bà ấy cúp máy liền ngay sau câu ấy, có muốn chửi cũng chẳng được nữa cơ. Sao mà đời lão lại thành ra thế này. Sao mà mẹ con chúng nó lại coi khinh mình như thế. Sao đời mình toàn những thất bại. Nước mắt ở đâu ứa ra. Thế là lão tu tu khóc. Dẫu gì cũng chẳng ai nghe, cũng chẳng ai thấy, làm bộ làm tịch ra dáng đàn ông chi nữa.

Trong những cuộc khề khà sau đó, lão bắt đầu than vãn với mấy bạn rượu rằng khổ quá. Mấy lão bạn già tư vấn rằng ông ngốc quá, mình phải gọi điện than vãn, xuống nước ỉ ôi, khóc kể với vợ chứ. Để cho nó về nấu ăn cho, lo cho. Không nhé, đời ông chưa bao giờ xin lỗi ai nhé. Ơ kìa, đôi khi cũng phải xuống nước chứ, tiến không được thì phải lùi, chứ tới miệng vực rồi mà tiến cho tèo à. Không, nhất quyết không. Tôi mà phải đi xin lỗi con mụ ấy à.

Cái sự quyết tâm của lão cũng kéo dài được dăm ba tháng ấy. Cho tới khi xã gọi lên hòa giải. Lão nhìn vợ, vợ chẳng thèm liếc lão cái nào. Bà ấy dạo này mập mạp ra, trắng ngần, ờ thì chỉ toàn ở trong mát, chẳng phải lui cui ngoài vườn mà. Mà hình như bà ấy đẹp ra thì phải, ăn mặc cũng tươm tất hơn. Lão chợt chột dạ. Nên khi người ta hỏi cô chú có đồng ý hòa giải không thì lão bảo đồng ý. Hình như lão cũng có xin lỗi bà ấy. Quái gì một lời xin lỗi mà không nói được. Nói thì nói. Nhưng bà ấy thì vẫn quyết tâm ly dị cơ. Bà ấy bảo: Khi nào ông ấy bỏ được rượu thì tôi không ly dị nữa, bằng không cứ y thế mà làm. Tới nước này thì lão chả nhịn thêm được nữa, lão quát: Bà im cái mõm hỗn của bà lại, tôi mà phải bỏ rượu vì bà à. Tôi bỏ vợ thì được chứ không bỏ rượu. Thế là hòa giải thất bại. Lại ai về nhà nấy.

Chẳng biết bằng cách nào mà thiên hạ lại biết câu chuyện hòa giải này và nó lại trở thành “món khai vị” cho biết bao cuộc tán gẫu. Dĩ nhiên lão có nghe, có biết chứ, nhưng muối mặt lặng thinh. Nhục đến mức đó thôi chứ còn đòi nhục đến mức nào. Cuối cùng chỉ có rượu là đáng tin nhất, chẳng bao giờ cười cợt, chê bai, chẳng bao giờ phản bội. Lão lại uống từ sáng đến tối. Một mình. Say thì ngủ, tỉnh thì uống. Cứ thế ngày qua ngày…

Những tưởng lão sẽ chẳng bao giờ bỏ rượu được, nhưng rồi có một ngày lão bỏ thật, một giọt cũng chẳng uống. Đó là lúc lão đau phải gọi con gái lớn về chở đi viện khám. Bác sĩ báo ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Lần đầu tiên lão thấy sợ. Lần đầu tiên lão im lặng suốt mấy ngày chẳng buồn hé răng chửi bới hay nói chuyện. Ai hỏi cũng gật hay lắc đầu thôi. Thế là lão chẳng cần xin lỗi vợ cũng dọn đồ về. Bà ấy nấu cháo đút từng muỗng. Bà ấy nhỏ nhẹ hỏi han, bóp tay bóp chân. Lão cũng chẳng to tiếng chửi, cũng chẳng hằn học nữa. Lão thấy nỗi lo sợ mơ hồ treo lơ lửng trước mặt. Lão biết ngày cuối cùng của cuộc đời đang đến rất gần bởi có bữa lão ói ra cả máu.

Người làng biết chuyện của lão ai cũng tranh thủ ghé thăm. Người cho thứ này, người cho thứ kia. Lão có ăn được đâu, bữa ít muỗng cháo. Người bắt đầu teo tóp lại. Nhưng lão nhất quyết không vào bệnh viện. Vào đó chúng nó chích, chúng nó làm đủ trò vầy vò đau đớn hơn. Đằng nào cũng chết, cứ ở nhà cho nó thoáng mát, vào nhốt mình trong cái phòng giam (lão gọi phòng bệnh viện như vậy) cho chết sớm à. Có điều đau quá, cả cơ thể đau không tả xiết. Lão rên. Khẽ thôi. Vợ lại ngồi nắn bóp, thủ thỉ động viên. Sao bà ấy dịu dàng đến thế. Nếu trước đây cũng được vậy phải hay không. Hay là bà ấy rủ lòng thương cho một kẻ sắp chết như lão. Nghĩ thế nên có lần bà ấy đương bóp chân lão gạt ra, gay gắt:

- Bà thôi cái kiểu mèo khóc chuột đi. Thương yêu gì tôi đâu.

Lạ cái bà ấy chẳng chửi mà lại rỏ nước mắt:

- Ông Khọt ơi, chớ tới lúc này mà ông còn suy nghĩ thế à. Tôi đã khuyên ông bỏ rượu bao lâu rồi ông chẳng nghe, phải bỏ rượu sớm thì đâu đến mức tôi bỏ đi mà cũng đâu bị ung thư dạ dày.

Lão im thin thít. Phải, giá mà bỏ rượu sớm hơn nhỉ. Giờ tất cả đã muộn rồi, có nói gì cũng vô ích. Tự dưng lão ân hận quá. Lão thút thít khóc. Vợ lão cũng khóc. Bà ấy gục vào vai chồng nức nở. Hình như đã mấy mươi năm rồi bà ấy chẳng gục vào vai chồng thì phải…

TRUYỆN NGẮN: PHAN TRÚC

Related articles
Chuyện ba người bạn
Buổi họp bạn sau bao nhiêu năm xa trường xa lớp diễn ra thật cảm động, càng xúc động hơn đối với Hải, một người có quê hương thứ hai ở cách nơi này cả nửa vòng trái đất, đã biệt tăm biệt tích quá lâu tưởng chừng không còn trên cõi đời này. Bạn cũ không một ai có tin tức nào về Hải từ sau ngày đất nước thống nhất cho đến ngày anh đột ngột xuất hiện nhờ tình cờ anh đọc được mẩu tin ngắn trên mạng xã hội, mời liên lớp học sinh trường Trung học X. những năm học 1960 họp mặt.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lão Khọt