Thay đổi nếp nghĩ của phụ nữ
Là 1 trong 4 huyện trên địa bàn tỉnh được chọn triển khai dự án, ngay từ khi thực hiện vào cuối năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tánh Linh nhanh chóng bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình và phối hợp với các phòng, ban, trường học, địa phương tiến hành cho phù hợp, bám sát tình hình thực tế.
Bà Trương Thị Cẩm Vân - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Huyện có 10 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được thụ hưởng chương trình. Cụ thể, xã La Ngâu có 4 thôn và thôn 1, Măng Tố, thôn 4, Gia Huynh, thôn 2, Suối Kiết, thôn 4, Đức Bình, 2 khu phố Trà Cụ, Tân Thành, thị trấn Lạc Tánh. Hội đã tích cực tuyên truyền dưới nhiều hình thức như treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong sinh hoạt Hội, nói chuyện chuyên đề… Đến nay, Hội đã tổ chức 10 buổi truyền thông, 6 lớp tập huấn cho 3 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong trường học, 2 cuộc đối thoại với chính quyền địa phương, tập huấn cho 2 địa chỉ tin cậy nhằm hướng đến mục đích xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị…
Với những buổi truyền thông định kỳ, kết hợp sinh hoạt, hội thi sôi nổi đã thực sự làm thay đổi nhận thức của nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em – những hạt nhân tiên phong trong gia đình mạnh dạn lên tiếng xóa bỏ bạo lực gia đình trên cơ sở giới, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán, bóc lột sức lao động trẻ em…
Qua ghi nhận tại địa phương và một số hội viên phụ nữ, hiện nay trên địa bàn rất ít trường hợp phản ánh liên quan đến bạo lực gia đình. Vị trí vợ chồng trong gia đình được bình đẳng hơn. Chuyện bếp núc, con cái không còn là của phụ nữ mà các anh chồng cũng tham gia giúp đỡ…
Tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển toàn diện
Trong một hoạt động truyền thông Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, do Ban Công tác phía Nam – Hội LHPN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức tại Tánh Linh, cho thấy bầu không khí sôi động, sự tự tin của những người phụ nữ vùng DTTS và miền núi tại đây. Các chị mạnh dạn tham gia hoạt động chung, sôi nổi trả lời câu hỏi và thuần thục các động tác của bài đồng diễn dân vũ. Điều này cho thấy có sự tham gia thường xuyên tại cộng đồng, sự tập luyện ở cơ sở và tự tập luyện ở gia đình.
Những người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi trước đây vốn chỉ biết lên rẫy, đi cạo mủ, thu hoạch điều, tay cầm cuốc… nay họ tự tin bước lên sân khấu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đó là chị Nguyễn Thị Đỉnh - dân tộc K’ho đến từ bản 3, xã La Ngâu với mô hình chăn nuôi dê kết hợp trồng bắp lai. Là chị Nguyễn Thị Hà - dân tộc K’ho ở thôn 1, xã Măng Tố với mô hình Hợp tác đan thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ trên địa bàn. Chị Đồng Thị Ánh Tuyết - dân tộc Chăm ở thị trấn Lạc Tánh, chủ mô hình Kinh doanh nông sản, đầu mối kết nối tiêu thụ sản phẩm của bà con trên địa bàn.
Nhìn những năng lượng tích cực, gương mặt phấn khởi của các chị, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, Phó trưởng Ban Công tác phía Nam cho rằng: Phụ nữ nói chung và phụ nữ đồng bào DTTS nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình. Bởi chị em là người trực tiếp tham gia sản xuất, chăm sóc gia đình, duy trì bản sắc văn hóa. Từ công tác tuyên truyền đang dần tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ giúp rút ngắn khoảng cách tri thức và cơ hội giữa các vùng miền, nhưng phụ nữ vùng DTTS và miền núi vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Trong đó rõ nhất là thiếu kiến thức, kỹ năng, ngại sự thay đổi, chưa quen sử dụng thiết bị công nghệ hoặc điện thoại đời cũ tốc độ xử lý chậm... Vì thế, tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn và tích cực kết nối cho hội viên hội phụ nữ dân tộc tham gia vào các mô hình kinh tế không chỉ giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập mà còn khẳng định vị trí của bản thân trong gia đình, xã hội. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến về chất, giải quyết căn bản bất bình đẳng về giới, để người phụ nữ DTTS và miền núi có cơ hội làm chủ chính mình và tham gia thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để tạo sức lan tỏa sâu rộng về chủ trương và mục tiêu mà Dự án 8 đặt ra, các cấp Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong triển khai thực hiện dự án. Cùng với đó tăng cường thông tin, truyền thông trong cộng đồng và duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình.
Bà Trương Thị Cẩm Vân nói.