Các mô hình cho đường xanh, sạch, đẹp
Không chỉ tuyến đường trung tâm thôn Suối Máu mà các đoạn tuyến giao thông nông thôn, đường ra nương rẫy trong thôn cũng đã được kiên cố hóa, bê tông xi măng. “Triển khai xây dựng hạ tầng cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp chính quyền quan tâm, nhất là các công trình giao thông nông thôn phục vụ nhu cầu đi lại sản xuất, sinh hoạt của bà con, góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần, thay đổi bộ mặt nông thôn. Như tuyến đường vào Trường mẫu giáo thôn dài 50 m, rộng 4 m được bê tông xi măng sạch đẹp, thuận tiện, phụ huynh đưa đón con trẻ sáng chiều ở trường. Đoạn tuyến trên được huyện Hàm Tân hỗ trợ 65% kinh phí, người dân đóng góp 35%, theo mô hình Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Hà cho biết.
Bên cạnh, mô hình “Tuyến đường xanh - sạch - đẹp” do Chi hội Phụ nữ thôn Suối Máu vận động, chị em dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng hoa, tạo cảnh quan một số đoạn đường trong thôn. Cùng với đó, 5 năm qua, thôn Suối Máu vận động nhân dân xây dựng mô hình “Ánh sáng an ninh” gắn 210 trụ đèn dọc theo 5 tuyến đường bê tông xi măng dài gần 1.400 m, tổng kinh phí 116 triệu đồng. Các trụ đèn được gắn thêm trụ cờ để bà con treo cờ Tổ quốc vào dịp lễ, tết, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Ánh sáng an ninh mỗi con đường vào ban đêm góp phần đảm bảo an toàn giao thông, thuận tiện cho bà con ra Nhà văn hóa thôn sinh hoạt cộng đồng. “Mới đây, Nhà văn hóa thôn được Nhà nước đầu tư 200 triệu đồng nâng cấp đồng bộ, trang bị bàn ghế, dàn âm thanh, phục vụ hội họp, văn nghệ, tập huấn sản xuất”, bà Nguyễn Thị Mỹ Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hà chia sẻ.
Đến nay, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn Suối Máu sử dụng điện lưới, hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt. Bà con cải tạo đất trồng vườn rau sạch đảm bảo dinh dưỡng; hầu hết hộ dân có nhà hợp vệ sinh. Trong nhiều năm qua, UBND huyện Hàm Tân phối hợp chính quyền xã Tân Hà rà soát cấp đất sản xuất 4 đợt cho nhiều hộ có nhu cầu, với tổng diện tích 251 ha. Đã có 50 hộ trong thôn vay vốn hơn 1,9 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bình quân mỗi hộ vay 30 - 50 triệu đồng để sản xuất, chăn nuôi bò, làm dịch vụ. Hiện thu nhập bình quân đồng bào Rai hơn 50 triệu đồng/người/năm. Phần đông người dân trong thôn có nhà ở ổn định; thôn cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát; trước đó chính quyền địa phương vận động xây dựng, sửa chữa 6 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Chính quyền tiếp tục đồng hành cùng người dân xóa nghèo
“Tuy nhiên toàn thôn còn 8 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo trong tổng số 169 hộ. Đời sống người dân trong thôn vẫn còn thấp hơn người dân khác trên địa bàn xã. Việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Đồng bào dân tộc thiểu số thôn Suối Máu mong muốn các cấp quan tâm xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Khu 393B để ổn định sản xuất”, ông Đỗ Văn Hùng nêu kiến nghị.
Trong báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số thôn Suối Máu gửi Hội đồng thi đua khen thưởng huyện Hàm Tân, bên cạnh những kết quả đạt được trong kinh tế, xã hội, chính quyền xã Tân Hà đặt ra nhiệm vụ rà soát lại hộ nghèo, tìm nguyên nhân để hướng dẫn; chú trọng tuyên truyền cho bà con tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân cho biết: “Trong những năm qua, thôn Suối Máu đã có nhiều khởi sắc so với trước đây. Tuy vậy đời sống đồng bào vẫn còn khó khăn. Để thôn phát triển bền vững, huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư mọi mặt kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng; thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời tiếp tục động viên tinh thần nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây”.