Đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận năm 2024: Trao những “cần câu” chắc chắn

13/12/2024, 05:14

1. Trong cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện kinh tế - xã hội năm 2024 mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã thông tin nội dung về hướng dẫn cơ sở pháp lý trong xây dựng du lịch nông thôn.

Đây là vấn đề cấp huyện rất quan tâm, kể từ khi cao tốc mở ra, Bình Thuận đón lượng khách ào ạt về các vùng núi rừng, hải đảo thì cũng đồng thời xuất hiện các điểm kinh doanh du lịch tự phát. Thời điểm ấy, các quy định của Trung ương còn chưa rõ ràng, còn bây giờ thì đã cụ thể. Vì vậy, trong tháng 12 này, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng các sở có liên quan sẽ phối hợp và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể từng trường hợp kinh doanh du lịch theo đúng quy định như làm du lịch dưới tán rừng thế nào, làm du lịch trên mặt hồ, sông, suối, thác… ra sao để cấp huyện có hướng trong mời gọi đầu tư cũng như sắp xếp, yêu cầu các cơ sở du lịch tự phát làm thủ tục cần thiết, tiếp tục hoạt động du lịch nông thôn. Mục đích nhằm cung cấp thêm sự đa dạng phong phú, màu sắc, sự hấp dẫn, tạo ra cân bằng cho du lịch Bình Thuận, khi lâu nay nghiêng về du lịch nghỉ dưỡng biển.

du-.-lan-3-.jpg
Du lịch trên hồ Hàm Thuận. Ảnh: N.Lân

Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng nói đến du lịch nông thôn hay cụ thể hơn là núi rừng thì đối tượng có sức thu hút quyết định cũng như thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS). Bằng chứng, các điểm du lịch đang nổi lên, thu hút khách rất đông khoảng 2 năm qua như ở La Ngâu (Tánh Linh), các quán ăn, điểm dừng chân ở Phan Lâm, Phan Sơn (Bắc Bình)… cho thấy đã giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS trên nhiều phương diện. Không chỉ trực tiếp đi làm tại các điểm du lịch mà bà con đồng bào DTTS còn mở ra các dịch vụ như bán nông sản, đặc sản, nấu các món ăn truyền thống theo yêu cầu của du khách, cải thiện thu nhập đáng kể. Thực tế cho thấy, khi du khách tìm đến những vùng rừng núi còn nguyên sơ, trong lành này là muốn tìm hiểu đời sống người dân bản địa, khám phá nét văn hóa riêng, nên chính đồng bào DTTS là một sức hút của du lịch nông thôn.

2. Đầu tháng 11/2024, HĐND tỉnh khóa XI tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 28 với chương trình diễn ra thông qua 5 nghị quyết thì trong đó đã có 3 nội dung liên quan đến đồng bào DTTS. Thứ nhất, trong 2 nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn xổ số kiến thiết; về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn xổ số kiến thiết với tổng số vốn 341 tỷ đồng thì đã chuyển 119,7 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Đến thời điểm này, người nghèo ở tỉnh tập trung ở vùng đồng bào DTTS là chính. Vì thế, việc tăng thêm kinh phí cho vay sẽ giúp đồng bào tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.

Cũng trong kỳ họp này, Nghị quyết Quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, cũng được thông qua. Theo đó, đối tượng áp dụng là đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng; cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh thuộc một trong các trường hợp: Không có đất ở, không có đất nông nghiệp hoặc thiếu đất ở, thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức; đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất ở, không còn đất nông nghiệp hoặc thiếu đất ở, thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức; được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở để sản xuất, kinh doanh.

Chưa hết, cũng trong kỳ họp thứ 28 này, Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây mới, sửa chữa, cải tạo một số hạng mục công trình Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng được thông qua với tổng mức đầu tư khoảng 61,616 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư nhằm đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học của trường, mà cụ thể là phát huy tối đa diện tích sinh hoạt chung, tạo không gian thông thoáng để học sinh có điều kiện học tập, vui chơi theo quy định của trường đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là một hình thức góp phần nâng bước cho những chủ nhân tương lai của vùng đồng bào DTTS.

Những hỗ trợ trên nhiều khía cạnh, mang tính chất như trao cần câu trong năm 2024, đã góp phần cho đồng bào DTTS tiếp tục vượt khó, vươn lên để an cư lạc nghiệp tốt hơn trong thời gian tới.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ giống lúa mẹ
Tháng 12 đã chạm ngõ! Nắng chói chang, cộng thêm những cơn gió bấc thổi ào ào. Dọc trục đường chính đi qua vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc, hình ảnh những nương lúa mẹ bắt đầu ngả màu vàng rực, va vào nhau xào xạc, báo hiệu đã đến kỳ thu hoạch. Nắng đã lên gần đến đỉnh đầu, nhưng ông Bờ Rông Nhân, dân tộc K’ ho, thôn 1, xã La Dạ vẫn cười tươi, ra tận nương lúa để “khoe” với chúng tôi đám lúa chuẩn bị thu hoạch, dự kiến năng suất cao.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đồng bào dân tộc thiểu số Bình Thuận năm 2024: Trao những “cần câu” chắc chắn