Kế hoạch nêu rõ mục tiêu cụ thể, phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng; giảm tỉ lệ tai nạn lao động chết người ít nhất 4%/năm. Tỷ lệ người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ bệnh nghề nghiệp được khám bệnh tăng từ 5%/năm trở lên. Số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng từ 5%/năm trở lên.
Trong đó, UBND tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện. Cụ thể, bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện AT - VSLĐ và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về công tác AT - VSLĐ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức; tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác AT - VSLĐ.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường trách nhiệm trong công tác AT - VSLĐ trên địa bàn tỉnh, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh con người. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia AT - VSLĐ của tỉnh từng giai đoạn. Tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác AT - VSLĐ các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tuân thủ các quy định pháp luật về AT - VSLĐ, tổ chức tự kiểm tra, khắc phục các nguy cơ gây mất AT – VSLĐ. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các công trình theo phân cấp, kiên quyết xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng các quy định về an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng.
Ngoài ra, tổ chức kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về AT - VSLĐ, đặc biệt kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về AT - VSLĐ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp”, “Bảo đảm AT - VSLĐ”; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả...