Đôi bạn mới và 17 cây xoài

27/09/2024, 05:21

Mùa hè ấy ghi dấu kỷ niệm tình bạn, mỗi khi nhớ về lòng tôi dậy lên cảm xúc êm dịu, ngọt ngào. Phượng là người bạn mới cùng tuổi tôi. Gia đình em sinh sống nơi miền đất này đã hơn chục mùa xoài cát đơm bông kết trái.

Đất đồi được khẩn hoang lập ấp từ thuở nào tôi và em chưa được sinh ra đời. Em kể rằng ông bà ngoại em là những người tiên phong khai phá sơn lâm mở mang đất nông nghiệp. Gia đình tôi sinh sống ở thành phố thay đổi nơi cư trú, gia nhập cộng đồng dân cư đồi vườn. Cuộc dịch chuyển mưu sinh mở ra trong tôi cánh cửa kiến thức rộng lớn của đời sống nông nghiệp.

truyen-ngan.jpeg
Ảnh minh họa: Lý Long

Tiếng mẹ tôi kêu dội vào đồi cây, vang vọng ra con suối, dư âm nghe như sóng lượn: “Phương ơ… ơi! Phương ơ…ơi!”. Tôi trả lời: “Dạ…!”. Tôi rảo bước quay lại đúng chỗ tôi đặt bàn chân xuống lòng suối cạn. Trên bờ đất còn in dấu dép của tôi. Dòng suối có hai bờ tre xanh ngát. Buổi sáng đàn chim ca hót vang lừng. Chim sáo nghiêng ngó, nhảy quanh trước hiên nhà. Có vẻ sáo bông nhận biết tôi là người mới đến, hăng hái tung bước nhảy kăng-gu-ru tới làm quen, thân thiện mừng đón tôi. Tôi vẫy tay chào sáo bông. Chim sáo gần gũi con người, nghếch mỏ xinh líu lo líu lo… đi đâu đó… đi đâu đó…

Mùa hè ấy cho tôi biết nhiều điều thú vị về chim chóc, côn trùng sinh sống trên đất vườn. Thanh nhạc của đàn ve sầu gây ấn tượng mạnh nhất. Những ca sĩ “tàng hình” không cần loa tăng âm vẫn lên giọng nam cao đối đáp chan chát ve… ve… ve… vé… vé… vé…! Cũng còn may là có nhịp nghỉ giải lao giữa chừng. Tôi sợ rằng đàn ve hát xướng kiểu đó thì sẽ bị toác cổ họng rồi phải kêu bác sĩ chữa trị.

Trên cành xoài, tiếng chào ngày mới của đàn chim sẻ rộn ràng xen lẫn tiếng chim bách thanh nhại giọng chim hoàng yến như chùm thanh điệu hòa âm phối khí của dàn nhạc tôi đã từng được nghe. Tôi say mê ngắm đôi chim sâu bé xíu chuyền cành như hai “hột mít” chung thủy, bất cứ lúc nào cũng có đôi. Trên thảm cỏ mềm xanh mượt, đôi chim cu rí hạnh phúc yêu thương, cọ cánh, kề mỏ, bằng lòng, rung rung lông vũ. “Anh chàng” cu rí thứ ba định xen vô cà khịa là bị cho ra rìa. Phượng mở to đôi mắt, mặt sáng rỡ, tỏ vẻ thích thú lắng nghe tôi kể chuyện trong vườn. Thật ra, em còn biết câu chuyện ý vị. Tỉ dụ như nguồn gốc của 17 cây xoài.

Ba mẹ tôi quyết định rời khỏi căn hộ chật chội trong thành phố. Người đông chia nhau bầu khí thở ngột ngạt. Khói thải xe máy tràn vào lổ thông gió bâu từng mảng đen xì trên bậu cửa. Nhà máy dập sắt thép tung bụi kim loại bay vào cửa trước xám xịt hàng hiên. Ai nấy lổ mũi nặng trĩu, nghèn nghẹt quanh năm. Cha tôi làm mọi cách để ngăn chặn khói bụi: Trồng cây xanh, làm giàn hoa leo, đặt máy lọc không khí. Nhưng rồi, gia đình tôi ai cũng bị bệnh mũi họng.

Con đường nhỏ rẽ lên dốc đồi. Cha tôi lái xe hon-đa chậm rãi. Tôi ngồi yên sau căng mắt quan sát ghi nhận phong cảnh lướt qua. Luống cỏ ven đường xanh màu ngọc bích trải thảm tới chân đồi. Những khu vườn thanh long nối tiếp nhau. Đôi khi có vườn mít, vườn xoài xen kẽ. Cha dừng xe: “Tới nơi rồi con, từ quốc lộ vào đây gần cây số”. Tôi mở cánh cổng háo hức bước vào ngôi nhà mới có khu vườn rợp bóng mát của xoài, mít, chuối. Lối cỏ mềm mượt êm ái bước chân tôi. Dòng suối nhỏ lượn quanh đồi vườn. Tiếng nước chảy qua lèn đá ri ri riu riu. Gió sớm vờn ngọn tre rì rào. Phong cảnh thanh vắng, yên bình như bức tranh thiên nhiên xinh đẹp.

Tôi sức học khá đủ điểm lên lớp. Cha mẹ không ép. Tôi học tùy sức. Cuối năm rồi tôi thấy bảng điểm của tôi bị sai một con số khiến tên tôi lọt ra khỏi tốp 5 đầu bảng. Một bạn nữ ngẫu nhiên được điền vào. Tôi tự nhủ: “Mình con trai mà, có sao đâu, buồn chút thôi!”. Trưởng lớp đề nghị tất cả các bạn phải cộng lại bảng điểm. Tôi bảo thôi, tôi không sao mà! Tôi không muốn bạn nữ ấy buồn. Bạn ấy vui là tôi vui. Các bạn khen tặng tôi có đức tính khiêm nhường. Lòng tôi nở nang vui sướng.

Tôi đếm có 17 cây xoài hùng dũng như những ngọn tháp vươn tán rộng trên bầu trời xanh. Những cây xoài xếp hàng bên hướng tây ngôi nhà của gia đình tôi. Nhành lá xoài sum suê. Bông xoài trắng ngần nhụy hương quyến rũ đàn ong mật tung cánh rù rì. Trái xoài lúc lỉu trĩu cành. Tôi căng ngực hít thở làn gió hành trình từ phương Nam thổi qua đồi vườn vuốt trên tán lá xoài thanh điệu êm ái, dịu dàng. Tôi nghĩ người chủ cũ khu vườn này có duyên gì với con số 17, tôi đoán có ý nghĩa chi đây, chắc không phải là vô tình. Ba mẹ ngạc nhiên nhìn tôi cười một mình. Tôi nghĩ hè xong vào học lớp 7. Sự cố bảng điểm khiến tôi tụt xuống hạng 7. Trí nghĩ tôi luôn hiện hữu những con số. Thời đại công nghệ số. Sự việc mã hóa thành con số. Tôi và cô bạn mới cũng là con số. Tôi là con số biết cười một mình.

Thôi thúc dự tính công việc trong vườn. Cha chăm sóc xoài, mít, chuối, tỉa cành, bón phân. Mẹ chăm nuôi đàn gà, vịt, dọn cỏ dại quanh nhà. Nhà xây lợp tôn, có máng hứng nước mưa vào thùng phuy. Tôi quả quyết trồng được rau cải và rau muống cho cả nhà ăn. Tôi làm theo sách hướng dẫn, đóng cọc tre, căng dây, cuốc vun luống đất, trộn phân hữu cơ, gieo hột rau muống, hột rau cải xanh. Hột rau muống góc cạnh hình khối tam giác. Hột rau cải xanh thì tròn đều. Tôi xách thùng tưới có vòi búp sen tưới nước thấm ướt đất cho hột giống nhanh nảy mầm. Tôi cười gật gù. Hột nào, rau nấy. Rau muống lá nhọn. Rau cải lá tròn. Ba tuần sau, mẹ hái rau muống xào tỏi, rau cải nấu canh tôm. Cha mẹ khen tôi giỏi khiến tôi sướng hểnh mũi.

Cha và tôi cắt tỉa cành cây khô, lá chuối khô, cào gom rác. Vườn thông thoáng, tôi thấy bên kia giậu rào bông bụt có căn nhà nhỏ. Em gái nhỏ xinh, một chân bị vòng băng trắng, ngồi xe lăn kêu tôi: “Anh gì ơi, giúp em với!”. Tôi vạch giậu rào bước qua. Bánh xe lăn bị lún đất mềm do cơn mưa hồi đêm. Tôi nắm bánh xe kéo vài vòng thoát khỏi đất lún. “Em cảm ơn anh!”. “Chân em làm sao vậy?”. “Lỗi tại em vô ý, bị tấm thép cắt chân khi chơi với bạn trong công trường xây dựng”. “Vết thương sâu không em?”. “Bác sĩ khâu 7 mũi”. “Ai cũng có lần sơ ý mà. Em ở nhà một mình sao?”. “Cha mẹ em làm vườn thanh long bên đồi. Em mời anh ngồi chơi nói chuyện”. Tôi về nhà lấy xoài cát chín ửng. Đôi má xoài căng tròn. “Anh tặng em nè. Anh là Phương 12 tuổi, học lớp 7”. “Em cảm ơn anh. Em là Phượng bằng tuổi anh, cũng học lớp 7”. Đôi bạn mới vui vẻ làm quen. Phượng tóc đuôi gà cột dây thun xanh, đôi mắt to đen tròn, vầng trán tròn đầy, cằm chẻ đôi xinh xinh.

Tôi quan sát chung quanh nhận thấy có điều gì đó gợi thân quen. Không gian sân vườn thanh cảnh, dịu mát. Hương hoa thơm thoảng. Sắc cây xanh ngát. Phượng nhìn tôi mắt lung linh cười. Em gọt xoài, miếng xoài vàng tươi thơm ngọt, hai đứa ăn ngon lành. Tôi thấy trên bàn có hộp y tế in chữ thập đỏ. “Em tự thay băng chân sao?”. “Dạ”. “Để anh giúp em”. “Dạ”. Tôi nhắc ghế tới gần, nhẹ tay nâng chân em gác lên. Tôi tháo vòng băng, bơm ôxy già rửa sạch vết thương, đặt miếng gạc mới băng lại, thực hành đúng động tác tôi đã học tập trong lớp. “Có đau không em?”. Phượng má hồng e thẹn. Em cười khoe hàm răng sáng như ngọc. “Dạ, em không đau”. Mỗi ngày, tôi tự nguyện qua nhà thay băng chân cho em, làm người bảo vệ em. Tôi thấy mình chững chạc, khôn lớn thêm. Đến một ngày, tôi và em vui sướng khi thấy lớp da non màu hồng hàn kín vết thương. Cha mẹ em trìu mến, trân trọng tình bạn mới. Tôi nắm tay dìu em dạo bước thăm vườn, ngồi bên nhau nơi bờ cỏ xanh ngắm phong cảnh đồi vườn.

Em kể chuyện: “Tuấn là cậu ruột của em, khi mười bảy tuổi cậu Tuấn quyết định đi về miền Tây tới vựa cây giống chọn mua 17 cây xoài cát Hòa Lộc về tự tay trồng theo hướng dẫn của sách…”. Tôi không cầm lòng được, buột miệng: “Sách Phương pháp trồng cây ăn quả của giáo sư Tôn Thất Trình, phải không em?”. “Đúng rồi. Làm sao anh biết?”.

Buổi trưa ấy tôi treo võng đong đưa dưới tán lá xoài, ngước nhìn lên thấy vật gì lóng lánh phát quang ánh mặt trời. Tò mò, tôi leo lên chạc cây thấy cái cặp nhựa có cuốn sách. Tôi lấy xuống mở sách ra xem. Tôi hình dung người thanh niên cường tráng có kiến thức và yêu nghề làm vườn. Chạc cây xoài là nơi anh ấy đã ngồi đọc sách. Anh ấy đã từng hiện diện nơi ngôi nhà và khu vườn này. Cuốn sách chứa đựng kiến thức quý giá cho việc trồng cây hấp dẫn tôi đọc mê say.

“Em cho phép anh hỏi cậu Tuấn của em đã lập gia đình chưa và bây giờ ở đâu?”. “Dạ, cậu Tuấn trúng tuyển vào đại học Canberra bên nước Úc. Ông bà ngoại em đã bán lô đất vườn ấy lấy tiền cho cậu Tuấn xuất cảnh du học. Bây giờ cậu đã lập gia đình rồi, là kỹ sư nông nghiệp làm việc ở thành phố”. Tôi và em ngắm nghía đường nét hoa cảnh được tạo tác hình thể bởi đôi tay tài hoa và lòng yêu thương cây xanh của cậu Tuấn. Thảm cỏ hình chữ nhật được viền giậu rào bông bụt xén tỉa vuông góc hình khối khỏe mạnh. Hàng hiên được viền cây chuỗi ngọc sáng tươi. Trên thảm cỏ vườn, xoài, mít, mãng cầu vươn cành xòe tán. Tâm hồn đôi bạn thơ thới, lạc quan, dâng tràn sức sống.

Cha mẹ tôi vui mừng, đồng ý mừng kỷ niệm sinh nhật tôi mời Phượng dự tiệc có bánh kem và trà sữa. Hôm ấy, có một vị khách đặc biệt bất ngờ hiện diện trân trọng chúc mừng tình bạn của tôi và em- cậu Tuấn đẹp trai phong độ từ thành phố về thăm vườn xưa đầy ắp kỷ niệm. Cậu Tuấn nắm tay hai đứa dạo bước dưới bóng mát khu vườn, kể chuyện người yêu thương cây xanh, cây cho đời trái ngọt. Chắc chắn tôi sẽ trồng thêm 12 cây xoài xếp hàng bên hướng đông khu vườn. Tôi đào hố rải phân. Em đặt cây giống xuống. Lòng tin yêu hy vọng.

TRUYỆN NGẮN: NGUYỄN BÁ KHƯƠNG

Related articles
Bạn cũ ôn chuyện cũ
Đột ngột, Thanh xuất hiện.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đôi bạn mới và 17 cây xoài