Sân chơi giàu sức hút
Được tổ chức thường niên, qua mỗi năm cuộc thi càng tăng về số, mạnh về chất, trở thành sân chơi uy tín để thanh thiếu niên, nhi đồng, thầy trò các trường đua nhau lên sáng kiến, ý tưởng mới và hiện thực hóa bằng những mô hình, sản phẩm chất lượng.
Năm nay, cuộc thi lần thứ 17 (2023 - 2024) đã nhận được 310 mô hình, sản phẩm đăng ký dự thi (đạt 310% kế hoạch), tăng 50 mô hình, sản phẩm so với lần thứ 16. Với 184 trường tham gia dự thi, trong đó 105 trường tiểu học tham gia 169 mô hình, sản phẩm; 57 trường THCS tham gia 104 mô hình, sản phẩm; 11 trường TH & THCS tham gia 13 mô hình, sản phẩm; 7 trường THPT tham gia 12 mô hình, sản phẩm; 2 trường phổ thông dân tộc nội trú tham gia 3 mô hình, sản phẩm; 1 trường THCS & THPT tham gia 5 mô hình, sản phẩm; 1 trường cao đẳng tham gia 4 mô hình, sản phẩm. Các mô hình, sản phẩm dự thi xoay quanh những lĩnh vực như đồ dùng dành cho học tập, phần mềm tin học, sản phẩm thân thiện với môi trường, các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em, các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.
Năm nay kèm theo báo cáo thuyết minh là các hình ảnh, video thực nghiệm mô hình, sản phẩm, qua đó cung cấp đầy đủ thông tin, giúp Hội đồng chấm thi có đủ căn cứ để nhận xét, đánh giá và chấm điểm các mô hình, sản phẩm một cách khách quan, khoa học. Một số mô hình, sản phẩm có sự đầu tư cả về kinh phí, thời gian thử nghiệm, xác nhận của người sử dụng sản phẩm hoặc chính quyền địa phương. Kết quả trong tổng số 310 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi cấp tỉnh có 53 mô hình, sản phẩm đạt giải, gồm 1 giải nhất, 3 giải nhì, 8 giải ba, 41 giải khuyến khích.
Có tính ứng dụng cao
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi năm nay, nhiều mô hình, sản phẩm dự thi lần thứ 17 khá đa dạng và phong phú về ý tưởng. Đặc biệt, cuộc thi lần này có những mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống, qua đó thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, nhất là khả năng giải quyết được các yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống. Nổi bật như các mô hình, sản phẩm “Hệ thống giao tiếp đa chức năng và cảnh báo đối tượng lạ cho người khuyết tật với công nghệ trí tuệ nhân tạo” của nhóm tác giả Phan Phước Quốc Thiện, Trần Thị Thùy Trang, Giáp Hà Yến Quỳnh - Trường THPT Tánh Linh; “Bánh xà phòng và nến làm từ dầu ăn đã qua sử dụng” của nhóm tác giả Hoàng Hồ Bích Nguyên, Huỳnh Thị Hồng Thư - Trường THPT Phan Bội Châu; Sách thực hành kỹ năng cho học sinh lớp 2 của tác giả Kiều Tuấn Phong - Trường tiểu học Lâm Hòa, huyện Hàm Thuận Bắc; Thiết bị hỗ trợ cảnh báo té ngã dành cho người cao tuổi của tác giả Nguyễn Phúc An - Trường THCS & THPT Lê Lợi...
Trải qua 17 năm tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi bổ ích được thanh thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn tỉnh yêu thích. Từ sân chơi này, các em có môi trường, cơ hội tốt để giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, phát huy tính sáng tạo, khả năng tìm tòi, nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, góp phần trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, xây dựng khát vọng trở thành những nhà sáng tạo trẻ trong tương lai.