Từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Thông qua cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022- 2024” chủ đề “Bình Thuận – Khơi nguồn sáng tạo”, Sở KH & CN cùng các chuyên gia cung cấp kiến thức về khởi nghiệp ĐMST, giải pháp kinh doanh, thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm cho các chủ cơ sở, hộ kinh doanh, hợp tác xã tham gia. Chủ thể của 11 giải pháp/mô hình được vinh danh với các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cùng 7 giải pháp/mô hình tiềm năng khác được biểu dương.

Các giải pháp đạt giải phát huy được tính hiệu quả. Điển hình như mô hình: Nông nghiệp sạch, chăn nuôi con đặc sản kết hợp du lịch trải nghiệm (Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Văn Tánh xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết) đã thu hút đông đảo khách du lịch trong, ngoài tỉnh đến tham quan Ba Tường Farm vào dịp cuối tuần và dịp Tết Ất Tỵ vừa qua. Khách du lịch được thưởng thức món ăn đặc sản bồ câu quay, dông cát, trải nghiệm du lịch Suối Tiên trong vùng. Hay như cách thức sản xuất ống hút gạo; bún, phở sấy khô (dáng sợi thẳng), nâng tầm giá trị hạt gạo, bảo vệ môi trường của chị Trương Thị Hồng Hà, xã Phú Lạc, Tuy Phong được nhiều khách hàng lựa chọn vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. Cùng đó, các sản phẩm kem thanh long, mứt thanh long, bánh phồng tôm thanh long được chế biến từ chủ nhân Nguyễn Hoàng Thư Hương (HTX Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) góp phần giúp đơn vị đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước.

Sản phẩm mỹ phẩm đến từ vỏ thanh long của Đoàn Thị Kiều Vân (Phú Tài, TP. Phan Thiết), “Yummy plastic” Màng bọc ăn được và thay đổi màu sắc theo tình trạng thực phẩm được chiết xuất từ vỏ chanh dây, vỏ thanh long (nhóm sinh viên Trường Đại học Quốc tế TP. HCM) được khá nhiều bạn trẻ TP. HCM tìm hiểu sử dụng bởi sản phẩm sạch, thân thiện môi trường…
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở KH & CN cho hay: “Giải pháp/mô hình của tác giả, nhóm tác giả trong, ngoài tỉnh trên các lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật, nông nghiệp - công nghệ chế biến sản phẩm lợi thế của tỉnh cùng mô hình du lịch sinh thái đã góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp ĐMST, tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh; từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST cho tỉnh; cũng như khơi dậy đam mê khởi nghiệp thế hệ trẻ. Phía Sở KH & CN phối hợp chuyên gia, doanh nghiệp hỗ trợ triển khai các sản phẩm, dự án tiềm năng trong năm 2025”.
Đến hoạt động khoa học công nghệ
Không chỉ với khởi nghiệp ĐMST, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã được Sở KH & CN tập trung triển khai, phù hợp định hướng phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tăng trưởng GDP, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo vệ môi trường. Các kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ KH & CN sau khi được nghiệm thu đều được bàn giao cho các cơ quan, địa phương trong tỉnh ứng dụng. Như trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn, các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xác lập các giống cây trồng chủ lực, giống vật nuôi như cải thiện chất lượng đàn bò bằng các giống tinh ngoại nhập, nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai, tuyển chọn các loại cây ăn quả có nguồn gốc bản địa, phục tráng giống lúa mẹ… Một số kỹ thuật công nghệ ứng dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn liên kết chuỗi (chuyển đổi cơ cấu sản xuất lúa, sản xuất mủ trôm, nha đam, trồng tỏi vùng đất cát).
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH & CN cũng góp phần phát triển thương hiệu du lịch Bình Thuận, đăng ký bảo hộ thương hiệu, đề xuất giải pháp nhằm gìn giữ, tôn tạo thắng cảnh Bàu Trắng phát triển du lịch bền vững. Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường tập trung ứng dụng giải pháp ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; hay như đã bảo tồn các nguồn dược liệu có tiềm năng tại địa phương trong lĩnh vực y tế. Sở KH & CN triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ như “Xây dựng, quản lý và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mực một nắng Phan Thiết”, “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm của Bình Thuận”, “Xây dựng mô hình quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận”… Hoạt động của Sở KH & CN trong những năm gần đây góp phần phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cũng như thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST từ sản phẩm lợi thế.