Trở lại Phan Tiến những ngày này, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay đời sống ở vùng đồng bào dân tộc. Dọc trục đường chính đi vào trung tâm xã, nông dân đang chăm sóc những nương bắp với các giai đoạn phát triển khác nhau. Từ đám bắp lai cao quá đầu người đang giai đoạn trổ cờ, có đám bắp vừa được gieo trồng chưa lâu, mới cao được khoảng một gang tay, đang được bà con tưới bằng hệ thống nước tự động.

Đang chăm sóc vườn bắp gia đình, ông Mang Nỉ - nông dân xã Phan Tiến chia sẻ, gia đình đang trồng 2 ha bắp theo chính sách đầu tư ứng trước của Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh. Từ khi có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, mấy năm nay kinh tế của gia đình và đồng bào địa phương ổn định hơn. Với hơn 2 ha bắp, gia đình được hỗ trợ đầu tư ứng trước phân, thuốc, bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, thuận lợi hơn, an tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi được gần 30 triệu đồng.

Theo ông Ngô Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch UBND xã Phan Tiến, có 2 thôn: Tiến Thành và Tiến Đạt, xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực II, có 1 thôn đặc biệt khó khăn. Xã Phan Tiến có diện tích tự nhiên 7.539,34 ha; dân số 516 hộ/2.091 khẩu gồm các dân tộc Raglay, Tày, Cơ ho, Kinh, Hoa… Năm 2024, tổng số hộ nghèo trong xã là 77 hộ, chiếm tỷ lệ 14,92% (hộ dân tộc thiểu số 74 hộ), tổng số hộ cận nghèo 75 hộ, số hộ thoát nghèo 34 hộ, mức tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,5%.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc luôn được quan tâm thực hiện, bà con yên tâm sản xuất. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội. Trong đó, tổng số hộ tham gia nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn xã Phan Tiến hiện có 125 hộ/diện tích giao khoán trên 4.857 ha, do Ban QLRPH Sông Lũy chủ quản. Song song, năm 2024 xã thực hiện 1 chương trình hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp lai theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngay khi có bảng báo giá từ Trung tâm Dịch vụ miền núi (DVMN) tỉnh, UBND xã phối hợp với cửa hàng miền núi xã thông báo đến các hộ dân tổ chức lấy ý kiến nhu cầu đầu tư. Đồng thời hướng dẫn các hộ có nhu cầu tham gia đăng ký diện tích và ký hợp đồng trực tiếp. Ngoài ra, Trung tâm DVMN còn phối hợp với các chức năng của huyện và địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bắp lai (bắp cao sản) đến các hộ đồng bào được đầu tư ứng trước. Kết quả có 17 hộ thực hiện với diện tích hơn 19 ha, trong đó có 10 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo tham gia hỗ trợ liên kết sản xuất chuỗi giá trị tại thôn Tiến Thành - xã Phan Tiến (thôn đặc biệt khó khăn). Các hộ dân được đầu tư gồm giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tổng mức đầu tư 265,48 triệu đồng…

Theo lãnh đạo địa phương, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách chưa thật sự sâu rộng, chưa thu hút đông đảo người dân tham gia để được thụ hưởng các chính sách. Trong đó, các mô hình liên kết chuỗi giá trị phát triển sản xuất, mô hình sinh kế nông - lâm kết hợp chưa chú trọng thực hiện. Các hộ đầu tư sản xuất nợ tồn đọng với số tiền vẫn còn cao. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến tại xã Phan Tiến, đó là do tác động bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, hạn hán mất mùa…
Do đó, UBND xã Phan Tiến cho biết sắp tới, sẽ tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chính sách phát triển sản xuất và nhận khoán bảo vệ rừng; gắn thực hiện mô hình sản xuất, lâm nghiệp để tăng thu nhập cho người dân. Song song, địa phương kiến nghị Trung tâm DVMN tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai Nghị quyết số 18 và cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV chất lượng cao gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sản xuất trên địa bàn xã. Mặt khác, kiến nghị sở ngành liên quan, xem xét thực hiện việc thống kê rà soát thu giảm diện tích rừng lớn theo định mức để thu hút người dân tham gia, gắn với thực hiện phát triển mô hình nông – lâm kết hợp.