Chỉ số PAPI - thước đo niềm tin và chất lượng phục vụ

06/05/2025, 05:08

Kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) năm 2024 đã ghi nhận bước tiến ấn tượng của tỉnh Bình Thuận: Đạt 47,13/80 điểm, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành trên cả nước. Dù vậy, chỉ số PAPI còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới đó là các chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị điện tử” và “Quản trị môi trường” – hiện vẫn nằm trong nhóm trung bình và trung bình thấp...

Bứt phá mạnh mẽ ở nhiều chỉ số nội dung

Theo ngành chức năng tỉnh, năm 2024, Bình Thuận có đến 5/8 chỉ số nội dung thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trong đó, nổi bật nhất là chỉ số “Công khai, minh bạch” – đạt 6,23 điểm, xếp hạng 1/63, tăng 1,23 điểm và 37 bậc so với năm 2023. Sự cải thiện mạnh mẽ này thể hiện nỗ lực của tỉnh trong công khai thông tin chính sách, quy hoạch đất đai, danh sách hộ nghèo, cũng như thu chi ngân sách cấp xã – các nội dung mà người dân đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, các chỉ số như “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (7,71 điểm, xếp thứ 4), “Thủ tục hành chính công” (7,54 điểm, xếp thứ 4), “Cung ứng dịch vụ công” (8,17 điểm, xếp thứ 4) cũng ghi nhận những chuyển biến rõ rệt. Riêng chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” đạt 81,7% điểm tối đa – mức cao nhất trong các chỉ số nội dung – phản ánh chất lượng giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở và an ninh trật tự tại địa phương ngày càng được nâng cao. Đáng chú ý, chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” tăng từ 5,19 lên 5,63 điểm và xếp thứ 7 toàn quốc. Đây là minh chứng cho việc người dân ngày càng tích cực hơn trong các hoạt động dân chủ cơ sở, từ tham gia bầu cử trưởng thôn/khu phố, đến đóng góp ý kiến xây dựng công trình công cộng và giám sát đầu tư tại địa phương.

2.jpg

Người dân đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND
thị xã La Gi.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là các chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Quản trị điện tử” và “Quản trị môi trường” – hiện vẫn nằm trong nhóm trung bình và trung bình thấp. Trong đó, chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,35 điểm (xếp thứ 22), song vẫn có đến 75% người dân từng gửi khiếu nại, phản ánh cho biết chưa nhận được phản hồi thỏa đáng từ chính quyền. Đây là thách thức lớn đối với yêu cầu xây dựng chính quyền thân thiện, cầu thị, sẵn sàng đối thoại với người dân. Chỉ số “Quản trị điện tử” dù có sự cải thiện về điểm số nhưng vẫn cho thấy khoảng cách khá xa giữa mục tiêu và thực tiễn…

Nguyên nhân và định hướng cải thiện

Báo cáo của Sở Nội vụ đã chỉ rõ, nguyên nhân chính dẫn đến các điểm nghẽn trên là do việc kiểm tra, giám sát công vụ còn chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu; chưa có cơ chế hiệu quả để phát hiện và xử lý hành vi vi phạm tại cơ sở. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn chưa sâu rộng, dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động hành chính điện tử còn hạn chế. Để duy trì đà tiến bộ và cải thiện những tồn tại, UBND tỉnh đã xác định rõ 4 nhóm chỉ số cần ưu tiên trong năm 2025, gồm: Quản trị điện tử, Quản trị môi trường, Trách nhiệm giải trình và Kiểm soát tham nhũng. Theo đó, tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành chủ trì xây dựng kế hoạch hành động, hoàn thành trước ngày 20/5/2025. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về PAPI và phát huy vai trò giám sát cộng đồng tại cơ sở.

Sự bứt phá mạnh mẽ trong Chỉ số PAPI năm 2024 không chỉ là kết quả của nỗ lực cải cách hành chính mà còn là thước đo phản ánh niềm tin của người dân vào chính quyền. Qua 8 nội dung khảo sát với hơn 120 chỉ tiêu và hàng trăm câu hỏi thực tế, PAPI là công cụ đánh giá độc lập, khách quan về mức độ dân chủ, minh bạch, hiệu quả phục vụ và công bằng trong thực thi công vụ. Từ vị trí 29/63 vào năm 2023, nay vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc, Bình Thuận đã và đang khẳng định là địa phương có nhiều đổi mới trong quản trị công, quyết liệt trong chỉ đạo, đồng bộ trong hành động, đặt người dân làm trung tâm phục vụ. Kết quả này cũng đặt ra yêu cầu duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền các cấp, để chỉ số PAPI không chỉ là một thứ hạng – mà là hình ảnh sống động về một chính quyền liêm chính, vì dân, của dân và do dân.

THU HÀ

Related articles
Công bố Chỉ số PAPI năm 2022: Bình Thuận xếp thứ 7 cả nước
Theo kết quả công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu cả nước với chỉ số tổng hợp đạt 47,8763 điểm; tỉnh Bình Thuận đứng vị trí thứ 7 với 44,54 điểm.

(0) Comments
Focus
Cán bộ cơ sở với chữ “dám”!
Bình Thuận đang cùng cả nước quyết liệt thực hiện cuộc Cách mạng về thể chế và tổ chức bộ máy. Trong nhiều nội dung, nhiệm vụ, phần việc đều có liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ. Với một hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở sau khi sắp xếp sáp nhập xã, phường sẽ hướng về nhân dân, gần dân, sát dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Vì vậy, công tác tổ chức cán bộ, xác định nhiệm vụ, vai trò vị trí việc làm, bố trí sắp xếp cán bộ cơ sở là nhiệm vụ, cực kỳ quan trọng hiện nay.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chỉ số PAPI - thước đo niềm tin và chất lượng phục vụ