Nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao
Thực tế có thể thấy một trong số kết quả đạt được của ngành nông nghiệp tỉnh những năm gần đây là các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới và giống cây trồng thích nghi. Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh gắn với xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Kết quả đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã và đang nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả. Toàn tỉnh có 27.243 ha cây trồng áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Ngoài ra, hầu hết diện tích thanh long áp dụng bóng đèn compact, đèn led để xử lý ra hoa trái vụ; hơn 42.000 ha lúa áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước…

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được áp dụng trên nhiều loại cây trồng với quy mô, diện tích lớn. Trong đó, có sản xuất trong nhà màng, nhà lưới kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm trên nhiều loại cây trồng như táo, dưa lưới, rau các loại… Bên cạnh, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo hướng tự động hóa trên các loại cây trồng khác nhau như bưởi, cam, quýt, chanh không hạt… với diện tích 409,5 ha. Hay như một số địa phương áp dụng đồng bộ máy móc vào sản xuất lúa với diện tích 183 ha từ khâu gieo sạ bằng máy cấy, máy sạ cụm đến quá trình chăm sóc sử dụng hệ thống phun thuốc bằng máy bay không người lái.

Đáng chú ý, trong 2 năm trở lại đây, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn đã được mở rộng áp dụng trên các loại cây ăn quả, điển hình như: Mô hình trồng thâm canh cam xoàn theo VietGAP, quy mô 1 ha tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết; mô hình trồng, thâm canh sầu riêng theo VietGAP, quy mô 2 ha tại xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam…Từ đó, góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng nông sản, hình thành các vùng chuyên canh thanh long, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ cùng với các mô hình trồng dưa lưới, nhãn, cam ứng dụng công nghệ cao đã giảm phụ thuộc vào thời tiết, tối ưu hóa tài nguyên đất đai, nước tưới, hạn chế sâu bệnh. Nhờ vậy, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Phát huy tối đa tiềm năng đất đai
Cũng theo ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay Bình Thuận đã nhân rộng được 42.000 ha lúa và 27.240 ha cây trồng cạn áp dụng canh tác tiết kiệm nước và cơ giới hóa trong sản xuất; 130 ha thanh long được chứng nhận hữu cơ; 9.500 ha thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Đồng thời, tỉnh đã thu hút được 14 dự án đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 1.146 ha với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.044 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có nhiều trang trại, hợp tác xã đầu tư nhà màng, kết hợp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân, tự động hóa trong sản xuất rau, quả các loại đạt chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã góp phần đưa giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 ha đất trồng trọt khoảng 140 triệu đồng/ha năm 2024…

Như vậy, có thể nói rằng trong thời gian qua, Bình Thuận đã biến những thách thức thành cơ hội, vươn lên mạnh mẽ trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian đến ngành Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh những cơ chế chính sách để phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát huy tối đa tiềm năng đất đai, các công trình thủy lợi và các yếu tố khí hậu. Qua đó, để rà soát, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, nhu cầu thị trường. Mục đích, phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế để phát triển ngành nông nghiệp trở thành 1 trong 3 trụ cột kinh tế của tỉnh.