Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Tuy Phong (17/4/1975 - 17/4/2025): Thủy lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại

14/04/2025, 05:09

Từ vùng đất thời tiết khắc nghiệt "thừa nắng, thiếu mưa”, Tuy Phong từng bước chuyển mình mạnh mẽ sản xuất ổn định, hiệu quả hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao nhờ đầu tư thủy lợi quy mô.

Chuyển mình từ vùng “khát”

Tháng 4, nắng như đổ lửa trên các cánh đồng Tuy Phong. Trà lúa đông xuân đã thu hoạch gần xong, bà con lại tất bật chuẩn bị vào vụ hè thu. Nếu như trước đây, sản xuất luôn trong tâm thế “trông trời trông đất”, thì nay, người dân đã chủ động, an tâm vào vụ nhờ nước tưới ổn định. Tại vùng trọng điểm lúa xã Phong Phú, Phú Lạc, nước sản xuất bắt đầu mở, nông dân khắp cánh đồng đang tất bật cày trục chuẩn bị cho vụ mới. “Giờ không còn cảnh trông trời, trông đất như trước nữa cô ơi! Nhưng bà con không chủ quan, phải canh đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp để tránh rủi ro do sâu bệnh gây hại hay thời tiết thất thường”, một nông dân xã Phú Lạc chia sẻ.

Thu hoạch lúa ở Tuy Phong. Ảnh: N.Lân.

Bước ngoặt lớn của nông nghiệp Tuy Phong đến từ việc đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi với 3 hồ chứa quy mô là Phan Dũng, Lòng Sông và Đá Bạc, tổng dung tích hơn 55 triệu m³. Nhờ có nước, các vùng sản xuất lúa được duy trì ổn định, các cây trồng lợi thế như táo, nho, rau màu, thanh long, các loại cây chịu hạn... phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi dê, bò, cừu phù hợp với điều kiện địa phương, ít dịch bệnh.

Theo ông Nhữ Quốc Thích - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tuy Phong cho biết, vụ đông xuân 2024-2025, toàn huyện gieo trồng 1.981 ha lúa. Dù giá lúa năm nay giảm khoảng 1.500 đồng/kg, bà con thu nhập thấp hơn vẫn giữ vững niềm tin, tiếp tục sản xuất. Ngoài ra, hiện táo có 137,3 ha, nho 42,4 ha, thanh long hơn 566,1 ha và rau màu ngắn ngày duy trì ổn định.

Hệ thống thủy lợi phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Ngọc Lân.

Nhìn lại thời điểm mới tái lập huyện, nông nghiệp Tuy Phong còn lạc hậu, cơ giới hóa hạn chế, sản xuất lệ thuộc thời tiết. Nhưng với sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và nguồn lực địa phương, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, kênh mương nội đồng được kiên cố hóa. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã kiên cố hóa 16 tuyến kênh nội đồng, dài hơn 5 km, với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng. Song song đó, tư duy sản xuất cũng thay đổi, nông dân từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật. Nếu năm 1983, sản lượng lương thực chỉ đạt hơn 2.100 tấn thì đến 2024 đã vọt tăng lên hơn 41.200 tấn, năng suất lúa ổn định 2 – 3 vụ/năm.

Cây trồng đặc trưng Tuy Phong. Ảnh: N.Lân.

Mở lối sản xuất sạch, liên kết chuỗi gắn thị trường

Tuy Phong đã cơ cấu lại sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường, hình thành các vùng chuyên canh rõ nét: vùng lúa, vùng thanh long, táo, nho, vùng nuôi thủy sản, muối, tôm giống... Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, cây trồng chủ lực như táo, nho, thanh long phát triển ổn định.

Nuôi dê ngoại nhập ở xã Phong Phú. (ảnh T.Duyên)

Các cây trồng chủ lực như táo, nho không ngừng mở rộng, phát triển. Đặc biệt, diện tích trồng táo trong nhà lưới chiếm hơn 92%, giúp năng suất đạt từ 42 - 45 tấn/ha/năm. Táo Phong Phú đã có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Giống nho NH01-152 (Hồng Nhật) dần thay thế nho đỏ truyền thống với 86,5% diện tích toàn huyện, trong đó 11,8 ha được trồng trong nhà lưới. Mô hình sản xuất theo chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đang được nhân rộng. Hiện, diện tích thanh long VietGAP đạt hơn 116 ha. Huyện đã cấp mã số vùng trồng cho 16,41 ha cây trồng các loại (nho, táo, dưa lưới), tạo điều kiện thuận lợi trong kết nối tiêu thụ, đặc biệt xuất khẩu. Ngoài ra, duy trì các cây dược liệu như mủ trôm, đinh lăng, bụp giấm… Mức độ cơ giới hóa ngày càng cao, lúa đạt 100% từ khâu làm đất đến thu hoạch; các cây trồng khác đạt từ 60 - 90%.

Việc ứng dụng kỹ thuật còn thể hiện rõ qua mô hình sản xuất mới như: đưa các giống lúa mới, thâm canh cây nho, cây táo theo hướng Gap; các mô hình trồng dừa, mít, mãng cầu dai hiệu quả; lai tạo ứng dụng giống vật nuôi có chất lượng cao (bò Brahman, bò 3B, bò sind, dê Úc, cừu Canada). Đáng chú ý, từ năm 2021 đến nay, huyện đã thực hiện 1 dự án và 70 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí hơn 12,35 tỷ đồng. Điển hình mô hình lúa cải tiến SRI ở xã Phan Dũng giúp giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và bảo vệ môi trường. Theo đánh giá, các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, hầu hết các mô hình đều được nhân rộng và trở thành phong trào trong sản xuất trên địa bàn huyện. Qua đó, tiết giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế, góp phần đưa nông nghiệp huyện tiến gần hơn với mô hình sản xuất hàng hóa quy mô, gắn với thị trường tiêu thụ.

Tuy Phong đang phát triển nông nghiệp theo hướng gắn kết chuỗi giá trị và du lịch. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP 3 - 4 sao như táo tươi, táo sấy dẻo Phong Phú; nho Hồng Nhật vườn Lê My; rượu vang thanh long Pitayana; chả quế, chả lụa Bình Thạnh; dưa lưới Hòa Minh và Phú Lạc; nước mắm Hoàng Gia… không chỉ khẳng định chất lượng mà còn góp phần xây dựng thương hiệu địa phương.

Từ HTX nông nghiệp Bình Điền thành lập năm 1979, đến nay toàn huyện đã có 13 HTX và 18 tổ hợp tác nông nghiệp hoạt động ổn định, từng bước gắn với tiêu chuẩn sản xuất sạch và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực đã có của huyện được duy trì thực hiện. Mô hình liên kết du lịch - nông nghiệp ở các vườn nho xã Phước Thể đang thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm tại chỗ. Đây là hướng đi đầy tiềm năng, mở rộng cánh cửa cho sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn...

THANH DUYÊN, ẢNH NGỌC LÂN

Related articles
Đánh thức tiềm năng phát triển năng động
Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày được giải phóng (17/4/1975 - 17/4/2025), huyện Tuy Phong từ một vùng đất khô cằn, khắc nghiệt, hôm nay đã chuyển mình thành huyện phát triển năng động ở phía Bắc của tỉnh với nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Tuy Phong (17/4/1975 - 17/4/2025): Thủy lợi thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại