Chuyển giao kỹ thuật, đa dạng sinh kế
Hiện toàn tỉnh có 54 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kết nghĩa với 17 xã thuần vùng DTTS. Đồng thời, 151 cơ quan, đơn vị ở các huyện có đồng bào DTTS sinh sống cũng đã phân công kết nghĩa với 69 thôn vùng đồng bào DTTS. Trên cơ sở nội dung chỉ đạo, định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ trì khảo sát nhu cầu thực tế, xây dựng kế hoạch, ký kết chương trình kết nghĩa phù hợp.


Bàn giao đàn heo cỏ cho các hộ đồng bào DTTS ở Phan Sơn.
Một trong những kết quả nổi bật của chương trình kết nghĩa là việc hỗ trợ đồng bào DTTS trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế thông qua các mô hình giảm nghèo bền vững. Tại xã vùng cao Phan Sơn (Bắc Bình), thu nhập chính của nông dân chủ yếu dựa vào trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Toàn xã hiện có 1.678 ha đất cây trồng, khoảng 9.150 con gia súc, gia cầm và 228 hộ đồng bào DTTS tham gia quản lý bảo vệ rừng với diện tích 6.840 ha. Thực hiện chủ trương kết nghĩa của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây Sở Nông nghiệp và PTNT) đã tích cực hỗ trợ xã chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi...
Các mô hình nổi bật như mô hình “đàn nhân giống” chăn nuôi heo cỏ Bình Thuận, đã bàn giao 22 con heo giống cho 2 hộ dân tại thôn Tà Moon. Mô hình này hiện đang phát triển tốt, thích nghi với điều kiện địa phương. Ngoài ra, sở tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật như: Chăn nuôi tuần hoàn; trồng trọt theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học như: Nuôi heo cỏ bản địa, gà ta thả vườn, bò; trồng lúa nước, cây ăn trái, đặc biệt là kỹ thuật trồng, chăm sóc bắp lai và phòng chống sâu bệnh... Đồng thời, phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Bắc Bình tổ chức các đợt tiêm phòng miễn phí vắc xin cho trâu, bò, gia cầm như: Tiêm phòng 1.550 liều vắc xin viêm da nổi cục, 1.600 liều lở mồm long món, 1.250 liều tụ huyết trùng... Nhờ vậy, trong năm qua trên địa bàn xã không xuất hiện dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi giúp cải thiện sinh kế.
Nhiều mô hình hiệu quả lan tỏa từ tỉnh đến cơ sở
Nhiều đơn vị khác cũng có những đóng góp thiết thực với mô hình tiêu biểu như: Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho một doanh nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lần 2 năm 2022 - 2024” và đạt giải nhì. Đơn vị này cũng hỗ trợ UBND xã Hải Ninh xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu về tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất cho bà con tại xã. Sở Công Thương đã giúp xã Đông Giang hoàn thành tiêu chí điện nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”, góp phần đưa “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO. Hội Nông dân tỉnh đã mở các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp, đồng thời cung ứng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và kháng dịch bệnh cho người dân xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam)...
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện công trình “Tuyến đường ánh sáng an ninh” tại thôn 2, xã Sông Phan, với tổng kinh phí 10 triệu đồng. Tại huyện Hàm Thuận Bắc, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức “Phiên chợ áo dài 0 đồng” cho hội viên phụ nữ tại xã Đa Mi và xã Đông Giang. Huyện Hàm Tân đã vận động xây dựng 4 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS với số tiền 250 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và huyện tiếp tục phối hợp với địa phương duy trì 86 mô hình phát triển kinh tế - xã hội, 6 mô hình giữ gìn an ninh trật tự tại các xã thuần và thôn xen ghép vùng DTTS…