Kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4): Trang phục truyền thống - di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số

17/04/2025, 08:40

BTO-Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã ban hành các chính sách đặc thù nhằm phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của đồng bào được chú trọng, góp phần cho sự phát triển bền vững và làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc.

Bảo tồn trang phục truyền thống

Bình Thuận hiện có 35 dân tộc cùng sinh sống, như Kinh, Chăm, Raglai, Hoa, K`ho, Chơ-ro, Tày, Nùng… Sau ngôn ngữ, trang phục là dấu hiệu thông tin thứ hai để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, thể hiện nét đẹp văn hóa riêng của mỗi tộc người. Thực hiện chính sách bảo tồn, gìn giữ và phát huy trang phục truyền thống các DTTS, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngành liên quan thường xuyên phối hợp tham mưu triển khai nhiều hoạt động đưa văn hóa về cơ sở, nhất là duy trì tổ chức các ngày hội, phục dựng và tổ chức các lễ, hội, tết truyền thống của đồng bào. Qua đó tạo không gian văn hóa để đồng bào có cơ hội được mặc trang phục truyền thống với nhiều sắc thái riêng biệt. Đồng thời cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu trang phục truyền thống gắn phát triển du lịch tại địa phương.

vh-dt-11.jpg
Trình diễn trang phục dân tộc

Thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã quan tâm thực hiện khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống vùng đồng bào DTTS. Bước đầu, các làng nghề đã tổ chức truyền dạy cho các lớp trẻ và may trang phục truyền thống để phục vụ trong cộng đồng mình, nhất là trang phục cho các vị tu sĩ, chức sắc, trí thức, một số người lớn tuổi sử dụng hàng ngày với chất liệu vải lấy từ các sản phẩm do mình làm ra hoặc trao đổi từ các tỉnh lân cận.

Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho các đối tượng là trưởng thôn, chức sắc, già làng, người có uy tín và đội ngũ công chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc cấp tỉnh, cấp huyện. Thông qua hội nghị, lớp tập huấn, kết hợp tuyên truyền để nhóm đối tượng này giáo dục con cháu, cộng đồng xây dựng nếp sống mới, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và trang phục truyền thống của dân tộc mình...

Phát huy các giá trị văn hóa

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của xã hội, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền hiện nay khiến đồng bào các DTTS, phổ biến là lớp trẻ thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống bằng bộ trang phục phổ thông. Phần lớn trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày. Quy trình làm một bộ trang phục truyền thống không còn nguyên bản, các chi tiết đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu, thể hiện sự tinh tế của các dân tộc cũng không tinh xảo như xưa.

img_5489.jpg

Tuy có quan tâm đầu tư và khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm, nhưng các làng nghề này có quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu, sản phẩm hàng hóa phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu, chất lượng sản phẩm chưa cao. Do không có tính liên kết và hợp tác trong sản xuất tiêu thụ gắn với dịch vụ du lịch tại chỗ, các làng nghề tại La Dạ, Phan Hòa, Phan Thanh đã ngừng hoạt động. Mặt khác, các nghệ nhân biết nghề dệt và may trang phục truyền thống ngày càng mai một, chỉ còn một số hộ gia đình đơn lẻ lưu giữ nghề truyền thống.

img_6633.jpg
img_6635.jpg
img_6640.jpg
Trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm 

Để tiếp tục phát huy, phát triển trang phục truyền thống của các DTTS có hiệu quả, Ban Dân tộc tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến thể hệ trẻ. Đồng thời, làm tốt công tác vận động, tranh thủ và phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào về chính sách bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

img_5473.jpg
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc) mặc trang phục dân tộc biểu diễn
img_2334.jpg
Trang phục dân tộc được giữ gìn trong các ngày hội

Bên cạnh đó, nghiên cứu phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thông qua các hội thi, hội diễn, lễ hội, trong đó có nội dung thi biểu diễn trang phục dân tộc để quảng bá thu hút khách du lịch đến thăm quan, giao lưu văn hóa truyền thống tại các địa phương. Xây dựng trang web giới thiệu, quảng bá về trang phục truyền thống gắn với giới thiệu quảng bá văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương. Cũng như mong rằng sẽ có thêm những chính sách ưu đãi đặc biệt cho những nghệ nhân tiêu biểu, người lưu giữ, truyền dạy sản xuất các sản phẩm trang phục truyền thống giúp họ yên tâm gắn bó với nghề truyền thống của mình. Động viên, khen thưởng, biểu dương, nêu gương điển hình tiên tiến đối với các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc lưu giữ, truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc…

 “Việc duy trì các hội thi trình diễn trang phục truyền thống và quy định học sinh mặc trang phục của dân tộc mình ở cấp trung học cơ sở trở lên khi đến trường là một trong những giải pháp giáo dục tư tưởng, tạo nên sự tự hào, trách nhiệm để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS” – ông Lâm Tấn Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tỉnh nói.

THÙY LINH

Related articles
Phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Là một trong những mục tiêu trong kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4): Trang phục truyền thống - di sản của đồng bào các dân tộc thiểu số