Nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số

09/10/2023, 06:02

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) miền núi. Ngoài 2 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai, còn có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ riêng cho vùng ĐBDTTS. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.

Hỗ trợ “đất sản xuất 04”

Việc thực hiện chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho hộ ĐBDTTS theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy những năm qua đã góp phần giúp cho đồng bào từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Diện tích đất sản xuất được cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU là hơn 5.000 ha/4.415 hộ, hầu hết diện tích đất đã cấp đều được đồng bào đưa vào sản xuất. Đồng thời, thông qua việc thực hiện chính sách đầu tư ứng trước đã góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư sản xuất trên diện tích đất được giao. Qua đó phát huy hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, gần đây vẫn xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chủ yếu mua bán, sang nhượng đất bằng giấy tay, mặc dù chính quyền đã thường xuyên phổ biến, tuyên truyền các chính sách pháp luật cho bà con vùng dân tộc. Đến nay, diện tích đất mua bán, sang nhượng được cấp theo Nghị quyết số 04 -NQ/TU là 688,7 ha/586 hộ (chiếm 13,64% so với tổng diện tích đất được cấp).

lua(1).jpg
 ĐBDTTS thu hoạch bắp lai (ảnh: N. Lân - tư liệu).

Giải thích nguyên nhân, Ban Dân tộc tỉnh cho biết, do diện tích đất để giải quyết cho ĐBDTTS chủ yếu lấy từ đất lâm nghiệp bạc màu nên hiệu quả ban đầu không cao; diện tích ít tập trung, xa khu dân cư dẫn đến việc khảo sát, khai hoang, đầu tư thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, kinh phí đầu tư nhiều… Do đó không chủ động nước tưới tiêu, canh tác không đạt hiệu quả, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khí hậu, nắng hạn kéo dài, thường hay thất thu, đồng bào không tích lũy được vốn để đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động việc mua, bán, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất được cấp cho hộ ĐBDTTS ở một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên. Một bộ phận người DTTS còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, đối tượng mua bán, thuê đất có nhiều hình thức để thuyết phục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

z4752523610823_f57294cd8ec3162f9816cfb73ee65e7f.jpg
Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào.

Hiệu quả từ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

Bên cạnh hỗ trợ “đất 04”, việc thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cũng là một trong những chính sách thực hiện có hiệu quả, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Nhờ đó, diện tích rừng tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép. Đồng bào có thêm nhu nhập, ổn định cuộc sống; mối quan hệ giữa đồng bào với lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gắn bó, nhận thức của đồng bào về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên.

z4752523170621_97300e8d859c9231c388a0fe3eb5bbd6.jpg
Diện tích rừng tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng.

Từ năm 2011 đến năm 2021, diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho hộ đồng bào DTTS là hơn 86.000 ha/2.379 hộ (bình quân 36,3 ha/hộ), tiền công giao khoán 200.000 đồng/ha/năm, tổng kinh phí thực hiện hơn 192 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Trung ương hỗ trợ thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho hộ ĐBDTTS theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối với các hộ gia đình tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III nhận khoán bảo vệ rừng được chi trả 400.000 đồng/ha/năm, với tổng nguồn vốn hơn 66 tỷ đồng/72.000 ha/2.408 hộ. Năm 2019, thông qua chương trình phối hợp “Lâm nghiệp xã hội” giữa Ban Dân tộc tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bình Thuận đã giải quyết cho 63 hộ ĐBDTTS nhận khoán hơn 2.000 ha với mức khoán khoảng 300.000 đồng/ha/năm. Không chỉ vậy, thực hiện Nghị quyết số 18 của HĐND tỉnh, năm 2022 đã thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ ĐBDTTS là 50.000 ha/1.304 hộ (bình quân 38,42 ha/hộ), tiền công giao khoán 200.000 đồng/ha/năm, tổng kinh phí thực hiện hơn 10 tỷ đồng. Đối với kinh phí năm 2023, hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh đang tham mưu trình UBND tỉnh giao kinh phí khoán bảo vệ rừng (đợt 1) cho ĐBDTTS.

z4639161624397_66f0ec33d86870f21f25e0236d636644.jpg
ĐBDTTS khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn xây nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương trình mục tiêu quốc gia

Đáng chú ý là bên cạnh tiếp tục thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, Quốc hội khóa XV ban hành Nghị quyết số 120 phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Để cụ thể hóa Chương trình này trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo thành lập, ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương hoàn thiện các văn bản, đẩy nhanh việc giao kế hoạch vốn, tích cực giải ngân thực hiện Chương trình. Tăng cường việc đôn đốc thực hiện Chương trình tại các địa phương; kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. Đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 6 Nghị quyết liên quan, UBND tỉnh đã ban hành 5 Quyết định.

Đối với nguồn vốn được phân bổ thực hiện Chương trình trong năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương được phân công phụ trách các Dự án, tiểu dự án tích cực, khẩn trương triển khai các thủ tục để phân khai các nguồn vốn được phân bổ. Hiện nay, UBND các huyện cũng đang xây dựng, hoàn thiện trình HĐND cấp huyện ban hành các Nghị quyết phân khai kinh phí thực hiện. Theo đó, việc giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến ngày 5/8/2023, vốn đầu tư phát triển: 15,5 tỷ đồng/51,9 tỷ đồng (tỷ lệ 30%), vốn sự nghiệp 17,6 tỷ đồng/35,8 tỷ đồng (tỷ lệ 49%).

Có thể thấy, với nhiều chính sách cho ĐBDTTS đã chứng minh công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đồng bào khó khăn. Qua đó, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nâng cao mặt bằng dân trí, nhất là cán bộ DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

MINH VÂN

Related articles
Đức Linh: Ngăn ngừa phá rừng bằng giao khoán rừng
BT- Được giao quản lý và bảo vệ hơn 6.087,6 ha rừng và đất lâm nghiệp, những năm qua Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy. Một trong những cách làm mang lại hiệu quả đó là việc giao khoán rừng cho các cá nhân và tổ chức tại địa phương chăm sóc và bảo vệ. Cách làm này không chỉ ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép mà còn giúp người dân có ý thức giữ rừng, quý rừng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số