Hàm Thuận Bắc: Nhiều trăn trở trong giao khoán bảo vệ rừng

26/07/2023, 05:46

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận giao khoán bảo vệ rừng Hàm Thuận – Đa Mi mong chờ nhận được tiền công bảo vệ rừng (BVR), trong đó có những hộ lo lắng việc bị giảm bớt khoản tiền này khi đường dây truyền tải điện quốc gia đi ngang qua.

img_20191022_132020.jpg
Phần lớn diện tích rừng được các hộ dân nhận giao khoán bảo vệ.

Những trăn trở

450 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã La Dạ, Đa Mi và Đông Tiến nhận giao khoán bảo vệ rừng Hàm Thuận – Đa Mi đang có nhiều trăn trở, trong đó có khoản tiền công bảo vệ rừng bị chậm chi trả. Ông Lê Thái Lâm – Trưởng thôn 3, xã La Dạ, người cũng nhận giao khoán 40ha rừng chia sẻ, toàn thôn có khoảng 100 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng, hộ nào cũng khó khăn, nhưng khoản giao khoán bảo vệ rừng từ tháng 6 năm 2022 đến nay chủ rừng - Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi chưa chi trả, khiến bà con lo lắng. Nhiều hộ phải đi vay mượn tiền hoặc mua thiếu nhu yếu phẩm từ các cửa hàng tạp hóa cho những chuyến đi rừng dài ngày. Nhưng không phải cửa hàng nào cũng thông cảm, thiếu nợ lâu ngày thì họ không bán. Hộ ông Bùi Văn Dũng là trong số đó, ông nói: mùa này không ai thuê mướn, đi rừng lấy măng thì măng chưa đến mùa, không biết làm cái gì ra tiền. Mỗi chuyến đi thăm rừng phải mang theo xoong nồi, gạo, đồ tươi sống nấu ăn, mà tiền công giao khoán 1 năm nay chủ rừng chưa chi trả nên rất khó khăn.

img_20191022_121031.jpg
Hộ dân đi thăm rừng, nơi mình nhận giao khoán bảo vệ.

Ngoài việc chi trả chậm trễ, một số hộ trăn trở diện tích rừng của mình bảo vệ bị cắt bớt khi đường điện quốc gia đi ngang qua, đồng nghĩa giảm bớt tiền giao khoán rừng. “Nhà tôi nhận giao khoán 40ha rừng mỗi tháng nhận 3 triệu đồng, nhưng khi đường điện quốc gia đi ngang qua thì bị trừ còn hơn 2,6 triệu đồng. Tôi không hiểu, cùng một chuyến đi rừng, hơn nữa nằm trong diện tích trông coi của tôi mà bị trừ...”, ông Dũng nói thêm. Còn nhiều trăn trở khác nhưng trước mắt họ mong muốn khoản tiền công bảo vệ rừng phải rõ ràng, đúng hạn trả để không bị động việc chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Có nguyên do

Mang những nỗi lo lắng của các hộ dân, chúng tôi đến xã Đa Mi trao đổi với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi, đơn vị có diện tích rừng phòng hộ và số hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng nhiều nhất tỉnh. Phó Ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi Nguyễn Văn Châu xác nhận, việc bị cắt bớt tiền giao khoán và chậm chi trả cho các hộ dân là đúng, nhưng cả hai đều có nguyên do liên quan đến điều chỉnh, thay đổi về cơ chế.

“Lâu nay chúng tôi quản lý diện tích rừng phòng hộ 15.637,46ha, chia đều cho 450 hộ nhận giao khoán bảo vệ ở các xã gồm: Đông Tiến 57 hộ, Đa Mi 32 hộ, còn lại là La Dạ. Diện tích này có 2 lưu vực chồng lên nhau, nghĩa là lưu vực Hàm Thuận và Đa Mi chồng lên lưu vực Trị An, tính gộp thành 2 lưu vực. Cả 2 lưu vực này khi tính tiền công bảo vệ rừng cho các hộ nhận giao khoán đều tính chung một đơn giá là 300.000 đồng/ha/năm”, ông Châu cho biết. Đồng thời giải thích thêm, những tưởng vấn đề lưu vực và đơn giá ấy cứ vậy áp dụng hàng năm, 6 tháng đầu năm 2022 chúng tôi vẫn tính theo đơn giá này, chi tạm ứng cho các hộ nhận giao khoán. Tuy nhiên đến tháng 12/2022 nhận được yêu cầu của tỉnh, phải chi trả theo từng lưu vực, nghĩa là tách riêng từng lưu vực chi trả cho các hộ nhận giao khoán rừng, chứ không gộp chung.

Theo đó có 4 lưu vực gồm: Lưu vực thủy điện Hàm Thuận, lưu vực thủy điện Đa Mi, lưu vực thủy điện Trị An và lưu vực ngoại tỉnh. Mỗi lưu vực là một đơn giá, trong đó có lưu vực chồng lên nhau như lưu vực Trị An nằm chồng lên lưu vực Hàm Thuận thì chỉ tính một đơn giá... Chính vì vậy, khoản tiền công bảo vệ rừng của các hộ nhận giao khoán rừng có sự thay đổi. Có những hộ nằm trong lưu vực chồng lên nhau sẽ không nhận được đồng nào trong 6 tháng cuối năm 2022 vì quý 1 và 2 đã nhận tạm ứng cao… Do có sự thay đổi, phải bóc tách diện tích từng lưu vực để tính đơn giá nên mất nhiều thời gian, chậm chi trả cho các hộ”, ông Châu lý giải thêm.

Đối với việc cắt bớt tiền bảo vệ rừng của những hộ có đường dây truyền tải điện quốc gia đi ngang qua, ông Châu cũng cho biết, do phần diện tích rừng nằm dưới hành lang đường điện đi ngang qua không đủ tiêu chí thành rừng theo tinh thần Nghị định 156 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp nên không thể chi trả tiền bảo vệ rừng. Những hộ nào có đường điện đi ngang qua phần diện tích rừng của mình nhận giao khoán đều phải đo đạc lại, cắt bỏ diện tích này, còn lại diện tích giao khoán bao nhiêu sẽ tính chi trả cho các hộ bấy nhiêu.

Những trăn trở của các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng là có cơ sở, do quen với cái cũ chưa rõ quy định mới. Chủ rừng cũng như UBND các xã cần phải giải thích cụ thể cho người nhận giao khoán, tránh gây hiểu nhầm dẫn đến mất an ninh trật tự địa bàn.

“450 hộ, trong đó có 207 hộ không nhận được tiền bảo vệ rừng 6 tháng cuối năm 2022 mà còn phải trả lại tổng số tiền hơn 143 triệu đồng cho chủ rừng, vì đã nhận tạm ứng cao trong quý 1, quý 2. Số hộ còn lại chúng tôi thống kê danh sách gửi cho ViettelPay, nơi các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng đăng ký mở tài khoản, để chuyển tiền vào tài khoản của các hộ. 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi đang chờ phân khai nên chưa có tiền chi trả cho các hộ nhận giao khoán rừng”, ông Nguyễn Văn Châu cho biết.

NINH CHINH

Related articles
Đức Linh: Ngăn ngừa phá rừng bằng giao khoán rừng
BT- Được giao quản lý và bảo vệ hơn 6.087,6 ha rừng và đất lâm nghiệp, những năm qua Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Linh đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy. Một trong những cách làm mang lại hiệu quả đó là việc giao khoán rừng cho các cá nhân và tổ chức tại địa phương chăm sóc và bảo vệ. Cách làm này không chỉ ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản trái phép mà còn giúp người dân có ý thức giữ rừng, quý rừng.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Nhiều trăn trở trong giao khoán bảo vệ rừng