Thành phố Đà Lạt. Ảnh minh họa IT |
Nhưng sự khác biệt không chỉ về thiên nhiên, mà còn ở trong cung cách làm du lịch – dịch vụ nơi đây. Ai cũng biết TP Đà Lạt vốn “3 không”: không đèn xanh đèn đỏ, không xích lô, không máy điều hòa nhiệt độ. Sau 3 ngày rong ruổi ở TP Đà Lạt, tôi còn thấy hầu như không có bóng dáng cảnh sát giao thông (mà trật tự an toàn giao thông vẫn tốt). Có lẽ để du khách tận hưởng cảm giác thoải mái ở thành phố của hoa và sự tĩnh lặng này, nên cảnh sát giao thông rất hiếm khi xuất hiện. Chợt nhớ ở TP Phan Thiết gần đây báo chí phải lên tiếng vì không chỉ cảnh sát giao thông, mà cả lực lượng thanh niên xung kích cũng ra đường lập chốt chặn kiểm tra ngay cửa ngõ khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né, khiến du khách cảm thấy căng thẳng.
Nếu vào chợ Đà Lạt mua sắm đặc sản về làm quà thì bạn đừng ngại ngùng. Tôi đã thử rồi, cũng lựa chọn, mặc thử, nếm thử và trả giá thoải mái… rồi quay đi mà người bán vẫn vui vẻ. Các chị em buôn bán ở chợ Đà Lạt cũng săn đón, mời mọc nhiệt tình như bao chợ khác, nhưng tuyệt nhiên không mặt nặng mày nhẹ khi khách không mua hàng. Còn ở Phan Thiết (và nhiều nơi khác nữa) du khách thích vào siêu thị hơn, còn vào chợ Phan Thiết sợ nhiều khi bị “chửi” oan.
Còn hàng – quán ở thành phố Đà Lạt, từ bình dân đến sang trọng, đều niêm yết giá cả ở vị trí khách dễ nhìn thấy nhất. Điều này làm du khách yên tâm, vì du lịch Việt Nam bị quá nhiều tai tiếng về “chặt chém”. Thành phố du lịch Phan Thiết cũng nên phát động người dân làm dịch vụ phải niêm yết giá cả công khai, vì đó là nét văn hóa mua bán tối thiểu nhất.
Vẫn biết so sánh là “khập khễnh”, vì du lịch Bình Thuận “sinh sau đẻ muộn” hơn Đà Lạt rất nhiều. Nhưng nếu không so sánh, thì làm sao học hỏi được cái hay, cái đẹp của bạn bè để hoàn thiện mình?.
Đặng Dũng