
Theo chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2026, kỳ vọng đặt ra cho năm 2026 là phục vụ khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Đối với du lịch và hàng không thì đây không chỉ đơn thuần là mối quan hệ hợp tác, mà còn là yếu tố quyết định đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững của ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đối với phát triển du lịch không thể nói đến thị trường hàng không. Việc liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không sẽ không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận của du khách đến các điểm đến, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái du lịch bền vững. Chính vì thế, hiện nay các sân bay như Phú Quốc (Kiên Giang), Chu Lai (Quảng Nam), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang được địa phương kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam vừa kiến nghị Chính phủ giao cho tỉnh là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư dự án cảng hàng không Chu Lai theo hình thức PPP với tổng đầu tư 11.000 tỷ đồng. Để chuẩn bị các công trình hạ tầng phục vụ APEC 2027, tỉnh Kiên Giang đang chuẩn bị đầu tư mở rộng nâng cấp sân bay Phú Quốc theo hình thức PPP. Hiện nay các tập đoàn Sun Group, IPP Group đã đề xuất đầu tư nâng cấp các hạng mục như nhà ga, đường lăn, sân đỗ, xây mới nhà khách VIP… Sân bay Côn Đảo cũng dự kiến được đầu tư, nâng cấp mở rộng theo hình thức PPP. Tháng 12/2024, vừa qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế theo phương thức này và đã được Bộ thống nhất. Cảng hàng không Côn Đảo sau khi nâng cấp có thể đón các chuyến bay quốc tế từ Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, châu Mỹ là dòng khách cao cấp, đồng thời tiếp nhận các dòng máy bay quân sự phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo. Hiện nay sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) được đầu tư mới theo hình thức xã hội hóa và đang khai thác ổn định. Ngoài ra, sân bay Quảng Trị đang được xây dựng theo hình thức PPP… Đối với sân bay Phan Thiết nếu hạng mục dân dụng hoàn thành như dự kiến, Vietnam Airlines sẽ mở các đường bay đến Bình Thuận trong năm 2026 và có rất nhiều kỳ vọng đón một lượng lớn du khách quốc tế. Sân bay Phan Thiết là sân bay quân sự kết hợp dân dụng được quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết và chỉ cách trung tâm thành phố Phan Thiết hơn 20km. Dự án sau khi được nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E, công suất thiết kế sẽ là 2 triệu khách một năm. Đến nay, hạng mục quân sự, trong đó có đường băng được Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng đã hoàn thành, đưa các tổ bay huấn luyện vào hoạt động. Đối với hạng mục hàng không dân dụng dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công hạng mục dân sự và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2026. Nếu như Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác mở đường bay đến đây, với tuần suất dày, phục vụ nhu cầu du khách trong và ngoài nước Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về du lịch thu hút khách trong nước và quốc tế.

Được biết, năm 2024 tỉnh Bình Thuận đón hơn 9,6 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế hơn 393.000 lượt, doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 25.800 tỷ đồng. Năm 2025, ngành du lịch của tỉnh hướng đến mục tiêu đón 10,6 triệu lượt du khách, trong đó có 430.000 lượt khách quốc tế, doanh thu 28.200 tỷ đồng…