Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bình Thuận năm 2024: Có mức tăng cao nhất nước

09/04/2025, 08:03

“Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất lịch sử, đạt 88.37%, cao hơn 1.39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận(+6.39%)…” – trích Báo cáo tóm tắt Chỉ số cải cách hành chính của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Nội vụ.

Tăng điểm, tăng hạng nhiều bậc

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 tổ chức vào sáng ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 và Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Với Bình Thuận, kết quả 2 chỉ số PAR INDEX, SIPAS của năm 2024 đã được cải thiện đáng kể so năm 2023. Chỉ số PAR INDEX đạt 88,26%, xếp thứ 34/63 tỉnh, thành, tăng 27 bậc, nhờ tăng 6,39% so với năm 2023, được đánh giá là mức tăng cao nhất cả nước. Còn Chỉ số SIPAS đạt 82,63%, tăng 3,39% so với năm 2023, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành và tăng 14 bậc so với năm 2023.

z6486474041033_88467d5dfd8555f46e1efbf274534bdf.jpg

Kết quả trên chưa phải là nổi bật nhưng đặt trong hoàn cảnh của năm 2023, thứ hạng mà Bình Thuận lần lượt được xếp là 61/63 tỉnh, thành với chỉ số PAR INDEX và 56/63 tỉnh, thành với chỉ số SIPAS thì điều đó đã thể hiện sự bứt phá. Chính mức tăng của chỉ số PAR INDEX mà báo cáo của Bộ Nội vụ đã đánh giá là mức tăng cao nhất nước đã thể hiện rõ điều đó. Tính ra là nhờ có 6/8 chỉ số thành phần có mức tăng điểm, tăng hạng cao đồng loạt, bất chấp có 2 chỉ số thành phần bị giảm điểm, giảm hạng.

Nổi bật nhất là Chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC, Bình Thuận đạt 99,24%, tăng 15.19% và tăng 35 bậc so với năm 2023; xếp thứ 25/63 tỉnh, thành. Tiếp đến là Chỉ số về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, Bình Thuận đạt 94.63%, tăng 12.43%, kéo tăng 58 bậc so với năm 2023 và vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành. Ngoài ra, Chỉ số về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 84.76%, tăng 9.02% và tăng 25 bậc so với năm 2023, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành. Chưa hết, các chỉ số thành phần khác như cải cách tài chính công; tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, người dân; cải cách chế độ công vụ, công chức cũng tăng thêm điểm, thêm bậc lần lượt là 20-21-27 bậc so năm 2023. Trong khi đó, phần khảo sát lấy ý kiến người dân thuộc chỉ số SIPAS cũng có kết quả khả quan, mở ra hy vọng tiếp tục sẽ cải thiện trong năm nay.

z6486474039457_00a04afad1954060975b27859e48eeef.jpg

Nỗ lực đúng hướng

PAR INDEX, SIPAS là hai công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động của CCHC một cách toàn diện, khách quan, đa chiều, giúp các địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những mặt tích cực và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả CCHC, nâng chất lượng phục vụ nhân dân. Với Bình Thuận, kết quả 2 chỉ số trên trong năm 2024 cho thấy rõ điều đó, nhất là đặt tại điểm xuất phát từ kết quả năm 2023.

nikon-z-6122530.jpg

Theo phân tích của Sở Nội vụ, năm 2024, Bình Thuận tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 07/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc nâng cao các chỉ số của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và chủ đề năm 2024 của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực cạnh tranh và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 497/KH-UBND ngày 07/02/2024 về nâng cao năng lực cạnh tranh, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và cải thiện các chỉ số PAR, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh Bình Thuận trong năm 2024. Song song đó, tỉnh tập trung một số giải pháp, mô hình đẩy nâng cao hiệu quả thực hiện Dịch vụ công trực tuyến, tổ chức cuộc thi tìm hiểu về CCHC, duy trì thực hiện tốt các mô hình “công dân không viết”, “ngày không hẹn”, sổ tay điện tử CCHC… Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành thường xuyên làm việc kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện chỉ số tại các cơ quan, địa phương.

Trong khi đó, với cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của tỉnh, Bình Thuận tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu; hoàn thiện và ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị và thực hiện cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan hành chính theo đúng quy định. Bên cạnh, thực hiện đầy đủ, kịp thời các quy định về phân cấp quản lý nhà nước ở địa phương…

nikon-z-6122553-1.jpg

Ngoài ra, tỉnh tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số ở địa phương; trong đó các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; các cấp, các ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; đã đưa vào vận hành đồng bộ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; rà soát cung cấp các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình và công khai minh bạch các dịch vụ công để tổ chức, cá nhân thực hiện…Thực tế, CCHC đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương; tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách tỉnh của khu vực doanh nghiệp tăng so năm 2023 và thu ngân sách hằng năm của tỉnh vượt so với dự toán được giao; người dân hài lòng hơn với sự phục vụ của cơ quan hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh đó có 2 chỉ số thành phần về cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính của tỉnh có giảm điểm và giảm thứ hạng so năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu, do một số đơn vị chưa kịp thời tham mưu xử lý văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiến nghị; việc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan chưa kịp thời; Trang thông tin điện tử một số đơn vị công khai thủ tục hành chính chưa thật thuận lợi việc tra cứu của tổ chức, cá nhân…

dsc_4614.jpg
Bộ phận 1 cửa xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.

Từ kết quả 2 chỉ số CCHC năm 2024 cũng có thể thấy những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo và tham mưu thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Cải cách hành chính theo chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và của Tỉnh. Để từ đây đúc rút cho hy vọng tiếp tục cải thiện thứ hạng CCHC trong thời gian tới.

Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh bao gồm 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần; tổng điểm đánh giá là 100 điểm, trong đó, 68 điểm đánh giá kết quả cải cách hành chính và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 32 điểm là đánh giá qua điều tra xã hội học.

BÍCH NGHỊ

Related articles
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát ở Tuy Phong: Theo tinh thần “có gì góp nấy”…
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, huyện Tuy Phong đang tập trung nỗ lực hoàn thành các nội dung, mục tiêu đề ra.

(0) Comments
Focus
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bình Thuận năm 2024: Có mức tăng cao nhất nước
“Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực, với giá trị trung bình cao nhất lịch sử, đạt 88.37%, cao hơn 1.39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Theo thống kê, 53/63 địa phương có Chỉ số CCHC tăng so với năm 2023, tăng cao nhất là Bình Thuận(+6.39%)…” – trích Báo cáo tóm tắt Chỉ số cải cách hành chính của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Bộ Nội vụ.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bình Thuận năm 2024: Có mức tăng cao nhất nước