
Vùng đất kiên trung
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Thuận là địa phương có một hệ thống căn cứ kháng chiến được xác lập. Đây là trụ sở lãnh đạo kháng chiến của các cấp ủy, chính quyền địa phương, nơi đứng chân tổ chức huấn luyện của các đơn vị vũ trang địa phương và của bộ đội chủ lực. Đồng thời cũng là nơi tăng gia sản xuất lấy lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu tại chỗ cho cuộc kháng chiến, nơi cứu chữa thương bệnh binh… Nhiều căn cứ trong số này còn là trụ sở lãnh đạo của Khu ủy, liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Bình Thuận và cực Nam Trung bộ. Đặc biệt, chính những căn cứ này còn là những địa chỉ tiếp nhận cán bộ, chiến sĩ và vũ khí, trang bị quân sự, thuốc men, lương thực, thực phẩm từ hậu phương miền Bắc chi viện vào cho chiến trường miền Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Trong đó, khu vực căn cứ Sa Lôn thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc ngày nay là nơi Tỉnh ủy Bình Thuận đứng chân chỉ đạo cuộc kháng chiến lâu nhất (hơn 8 năm). Khu căn cứ Sa Lôn có các chức năng quan trọng luôn đảm bảo bí mật, an toàn các cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kể cả đảm bảo các mặt công tác, hậu cần, vật chất tại chỗ, đào tạo cán bộ… để phục vụ cho yêu cầu của phong trào cách mạng ở địa phương. Tại căn cứ này, có đường hành lang chiến lược nối thông với miền Bắc, Trung ương Cục miền Nam, Khu VI, các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Ninh Thuận, kết nối các căn cứ du kích ở đồng bằng Hàm Thuận, Hàm Tân, Khu Lê, Hòa Đa, Tuy Phong, Tánh Linh, Hoài Đức, các “căn cứ lõm” ở ven đô thị Phan Thiết hợp thành một mạng lưới rộng khắp, đan xen và thông nối với nhau, tạo thành hậu phương tại chỗ cho cuộc chiến tranh nhân dân. Cùng với tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, một hệ thống căn cứ hoàn chỉnh nối liền các địa bàn trên toàn tỉnh, liên tỉnh và tỉnh với khu đã từng bước được xác lập. Hệ thống căn cứ kháng chiến này, đặc biệt là căn cứ Sa Lôn là địa điểm tiếp nhận các chủ trương, chỉ thị của cấp trên, nơi bàn định những quyết sách kháng chiến, lập kế hoạch và tổ chức lực lượng, là bàn đạp xuất phát tiến công của lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Thuận trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng 19/4/1975 giải phóng thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu mốc chói lọi, làm thay đổi cục diện và tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Chung sức, chung lòng xây dựng quê hương
Sau 50 năm giải phóng, quân và dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh xứng đáng với truyền thống yêu nước vẻ vang của vùng đất kiên trung. Nếu như trong kháng chiến, Bình Thuận được biết đến là một mảnh đất kiên trung của miền cực Nam Trung bộ với những chiến công oanh liệt, 50 năm sau ngày giải phóng, Bình Thuận được biết đến với một vùng đất phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về năng lượng, du lịch, công nghiệp… Sau những ngày giải phóng, Bình Thuận phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức mà chiến tranh để lại, đặc biệt là cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, hạn hán liên tiếp xảy ra đã làm cho đời sống người dân trong tỉnh phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức. Song, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, chung sức, chung lòng, vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa khắc phục khó khăn, phấn đấu đi lên. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa... đã được đầu tư xây dựng. Nhất là những năm gần đây, khi chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân, kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân được đầu tư, tạo bước đột phá ở vùng nông thôn của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh đã từng bước hình thành một số vùng chuyên cây trồng có lợi thế kết hợp với liên kết chuỗi sản xuất, đặc biệt là cây thanh long và cây lúa... Liên tục nhiều năm kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Chỉ tính riêng trong năm 2024 vừa qua, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,25% so với năm trước. Cơ cấu lại các ngành kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, các ngành kinh tế phát triển đồng đều, một số tiềm năng lợi thế của tỉnh tận dụng và khai thác ngày càng tốt hơn. Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 10.700 tỷ đồng, tăng hơn 2,14% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 7,5%. Doanh thu từ hoạt động du lịch 25.530 tỷ đồng, tăng 14,44% so với năm trước đó. Xuất khẩu hàng hóa tăng 11,26%, cho thấy tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác hợp tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách. Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị, những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa những thành tựu vẻ vang trong quá khứ thành động lực để thực hiện sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam.