Lúa hè thu và những đàn vịt
Tôi về xã Măng Tố vào những ngày đầu tháng tư dưới cái nắng gắt, trời oi bức bởi giao mùa chuyển thời tiết giữa nắng sang mưa. Trời nắng khó chịu nhưng lại có lợi cho nông dân làm lúa. Những ngày này ở đồng ruộng từ cánh đồng Tum Le của thị trấn Lạc Tánh qua cánh đồng lúa VietGAP Đức Bình lên xã Đồng Kho, Huy Khiêm, Măng Tố, Đức Phú (Tánh Linh) kéo dài qua Mê Pu, Sùng Nhơn, Võ Xu, thị trấn Đức Tài (Đức Linh)... lúa chín vàng rực như bức tranh vẽ đẹp đẽ giữa đồng quê. Những chiếc máy gặt đa năng chạy đua với thời gian gặt những thửa lúa chín theo đơn đặt hàng của nông dân. Từng bao lúa được tư thương cân tại chỗ rồi chất lên xe tải đưa về nhà máy sấy, xay xát để đưa ra thị trường trong nước và xuất khẩu...

Trong lúc những đám ruộng đang gặt, máy cuộn rơm cũng “đua” theo máy gặt để cuộn những cọng rơm vàng chở đi khắp nơi trong tỉnh để bán cho người trồng thanh long. Số khác chở vào Đồng Nai, Bình Phước bán cho các vựa để làm phân bón hoặc làm thức ăn cho bò và những vật nuôi khác. Nông dân làm lúa hiện nay giảm bớt chi phí, thậm chí với những ruộng lúa tốt, không bị ngã đổ sẽ “gán” phần chi phí công gặt bằng cách để nhà gặt lấy rơm. Việc đổi rơm với công gặt đem lại lợi ích kinh tế cho cả đôi bên: Nhà gặt có nguồn rơm cung ứng cho thị trường, nông dân được lợi khi giảm nguồn chi phí gặt lúa... Mùi lúa chín thơm nồng, nhất là những đám ruộng làm lúa thơm hương lúa bay xa cả một vùng. Mùa này do thời tiết thuận lợi, cộng thêm nguồn nước thủy lợi được cung cấp đầy đủ nên nông dân làm lúa được mùa. Tuy giá lúa đang lên xuống thất thường, chỉ nằm từ 7.500 – 9.000 đồng/kg tùy loại lúa, nhưng do đạt năng suất cao nên nông dân vẫn có lãi. Mùa gặt lúa hè thu kết thúc trong niềm phấn khởi của nhiều nông dân khá dễ nhận thấy khi những nụ cười rạng rỡ và những câu chuyện rôm rả của họ sau khi nhận “tiền tươi” bán lúa tại ruộng... Khi những đám ruộng vụ hè thu vừa gặt xong đến đâu cũng là lúc những đàn vịt xuất hiện, tạo nên cảnh “lúa trong vịt, vịt sau lúa”...

Mùa vịt chạy đồng
Những đàn vịt tơ, vịt đẻ hàng ngàn con đua nhau lùng sục những chú ốc, cua, cá nhỏ và những hạt lúa sót lại sau mùa gặt. Cảnh đàn vịt đua nhau tràn xuống những đám ruộng vừa gặt xong tạo nên khung cảnh sôi động trên đồng ruộng. Âm thanh gọi bầy từ tiếng vịt kêu vang vọng cả khung trời khiến cánh đồng như nhộn nhịp hơn hẳn. Anh Trần Xuân Tí, 41 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi vịt, dân trong vùng đặt cho anh biệt danh là “vua nuôi vịt” bởi 10 lần nuôi anh đã “thắng” đến 8 lần. Hơn 20 năm làm nghề nuôi vịt anh chỉ thất bại 3 vụ là do dự đoán sai thị trường, giá bán thấp nên lỗ công. Khi tôi lân la trò chuyện với những người nuôi vịt đang ngồi trên bờ ruộng nghỉ chân thì anh Nguyễn Phong nói ngừa: Có gì hỏi ông Tí, ông là dân nòi Măng Tố rành cánh đồng để thả vịt, đồng thời có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên để ông kể cho nghe... Vừa thả đàn vịt gần 3.000 con xuống ruộng, Tí “nhập hội” với những người nuôi vịt đang nghỉ chân “tán dóc”, nghe tôi muốn tìm hiểu về nghề nuôi vịt, Tí tâm sự: Nghề nuôi vịt rất cực, khổ hơn làm lúa rất nhiều vì phải trông ngày, thức đêm để canh đàn vịt. Nuôi vịt đàn số nhiều ngoài chăm thuốc thú y phải biết canh thời điểm thời tiết, vụ gặt lúa và cả thị trường tiêu thụ. Bởi vậy không phải ai cũng thành công, nhiều người chỉ bỏ qua 1 yếu tố là lỗ đến phải bán nhà trả nợ. Nuôi vịt đẻ khác nuôi vịt đẻ trứng, có khi gần đến thời điểm bán giá vịt hơi đang lên cao từng ngày nhiều người neo lại không bán “ham lời” chờ thêm giá mới bán nhưng chỉ vài ngày sau giá vịt rớt xuống nhanh nên nhiều khi lẽ ra bán vịt đúng thời điểm sẽ có lãi cao nhưng để lại qua ngày trở thành lỗ vốn... Đang trò chuyện với Tí thì anh Được xen vào, anh tâm tư: Nuôi vịt vào mùa mưa rất sợ, bởi khi có lũ về bất ngờ cuốn trôi sạch đàn vịt thì mất vốn, gầy lại 2 năm chưa chắc bù được. Còn làm nhà tạm trên chân ruộng cho vịt “núp” khi thời tiết nắng nóng cao độ, nhất là vào mùa mưa bão hay bị cuốn trôi nếu địa phương thấy mô hình lúa "ôm" vịt hiệu quả thì để cho dân phát triển kinh tế. Còn địa phương làm gắt theo Luật Đất đai buộc thì dân nuôi vịt thêm nỗi lo trắng tay khi mưa bão về...

Ở vùng Tánh Linh, Đức Linh và huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình- nơi có nhiều diện tích trồng lúa nên cũng có nhiều người nuôi vịt hơn so với các địa phương khác. Ở Tánh Linh, Đức Linh do có nguồn nước sông La Ngà đổ về hạ nguồn quanh năm nên rất thuận lợi cho người nuôi vịt. Vì vậy ở 2 huyện này có khoảng 100 hộ nuôi vịt chạy đồng, lượng vịt nuôi hơn cả triệu con nên có thể xem là nhiều nhất tỉnh. Vì sao gọi là vịt chạy đồng? Bởi tùy đồng ruộng gieo, gặt để thả vịt như đồng Bắc Ruộng, Măng Tố (Tánh Linh) gặt trước đồng Võ Xu, Nam Chính (Đức Linh) thì dân nuôi vịt lùa vịt từ Võ Xu, Nam Chính chạy sang đồng Bắc Ruộng, Măng Tố để cho ăn. Ngược lại, nếu Võ Xu, Nam Chính gặt trước thì người nuôi vịt Măng Tố, Bắc Ruộng sẽ đưa vịt chạy sang đồng Võ Xu, Nam Chính để ăn. Có khi trên toàn diện tích các cánh đồng huyện Tánh Linh đồng loạt gieo sạ, người nuôi vịt Tánh Linh phải đưa vịt chạy sang những cánh đồng Định Quán, Nam Cát Tiên (Đồng Nai) để có chỗ ăn, sau đó khi những cánh đồng Tánh Linh vào mùa gặt thì mới đưa về lại... Vịt "ôm" lúa, lúa trong vịt là mô hình có lợi cho cả người nuôi vịt và cả người trồng lúa. Bởi sau vụ gặt, trước khi gieo sạ vụ mới đàn vịt chạy đồng sẽ bắt những loài phá hoại lúa như ốc bươu vàng, sâu bọ khác. Đồng thời thải ra lượng phân vịt trên cánh đồng giúp cải tạo đất. Nên mô hình “cộng hưởng” 2 mặt: Người nuôi vịt giảm chi phí thức ăn cho vịt, thịt vịt chạy đồng chắc, trứng vịt chạy đồng thơm và ngon hơn trứng vịt nuôi công nghiệp nên thị trường chuộng hơn. Còn người trồng lúa có lợi hơn khi vịt tiêu diệt những loài gây hại lúa và đất ruộng được bổ sung lượng phân vịt... Tuy nghề nuôi vịt chạy đồng cực hơn so với một số nghề khác nhưng nếu “trúng” mùa người nuôi vịt cũng có thu nhập ổn định được cuộc sống.
Nắng chiều xuyên qua những thảm lúa vàng óng ánh đang chờ thu hoạch. Xa xa là những đàn vịt mập ú tung tăng trên những đám ruộng đã gặt. Năm nay, giá vịt thịt chạy đồng có chiều hướng tăng bởi giá thịt heo tăng. Mùa nuôi vịt năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn nước từ sông La Ngà phong phú nên người nuôi vịt đang có lãi tương đối cao...