Sức sống mới từ các công trình thủy lợi

08/08/2022, 05:58

Nhờ đầu tư tốt các công trình thủy lợi, đặc biệt là sáng kiến làm kênh nối mạng, đến nay toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm. Đồng thời, cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, mang đến sức sống mới trên vùng đất khô hạn…

Những công trình an sinh

Thời điểm tái lập tỉnh (1992), Bình Thuận là một địa phương khô hạn nhất nhì cả nước. Vì dù có 144 công trình thủy lợi nhưng chủ yếu là công trình vừa và nhỏ với năng lực thiết kế tưới chỉ 27.400 ha, trong đó tưới chủ động 11.000 ha. Còn bây giờ, toàn tỉnh có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng nhiều tuyến kè để bảo vệ bờ biển, kè sông, đê bao, giúp bảo vệ khu dân cư, khu dịch vụ du lịch cộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản và hạ tầng bên trong.

cong-trinh-thuy-loi-ba-bau.jpg
Hồ thủy lợi Ba Bàu (ảnh Ngọc Lân)

Đáng chú ý, có nhiều công trình thủy lợi lớn hình thành, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, cũng như sự nỗ lực, dồn sức đầu tư của tỉnh. Đó là hồ Sông Quao, Cà Giây, Sông Lòng Sông, Dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết, Đập dâng Tà Pao, hồ Sông Dinh 3, hồ Sông Móng, hồ Sông Lũy… Đồng thời, tỉnh chú trọng ưu tiên đầu tư các kênh chuyển nước đến các vùng khô hạn và bãi ngang ven biển. Hiện các công trình này đang phát huy hiệu quả tốt với nhiệm vụ tiếp nước, tưới tăng vụ 19.700 ha và mở rộng khu tưới 18.000 ha.

Dễ nhận thấy, sau nhiều năm nỗ lực đầu tư cho mạng lưới thủy lợi, ngày nay từ huyện khô hạn nhất như Tuy Phong, đến vùng núi Đức Linh, Tánh Linh, nơi nào có hồ thủy lợi, có kênh dẫn nước, ở đó có sắc xanh của lúa, của thanh long, ruộng bắp trĩu trái và nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Đó chính là nguồn lực giúp nông dân đổi thay cuộc sống ngày càng khá giả hơn.

z3597548188120_fda332deea92c126121c808cfb4731d7.jpg
Đập 812

Bước phát triển về sản xuất nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn từ năm 2001 - 2021, thủy lợi Bình Thuận có sự thay đổi lớn, khi sử dụng nguồn nước ở các lưu vực sông bên ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là trong tháng 7/2001, Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành, giúp lượng nước sông La Ngà điều hòa hơn. Đây là cơ sở để ngành thủy lợi thực hiện hệ thống trạm bơm ven sông La Ngà với gần 20 trạm bơm, tạo nên bước phát triển nhảy vọt về sản xuất nông nghiệp cho vùng Đức Linh, Tánh Linh. Sau đó, dự án hệ thống thủy lợi Tà Pao được Bộ Nông nghiệp và PTNT khởi công xây dựng, công trình có năng lực thiết kế 27.090 ha tưới cho cả 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh. Tổng mức đầu tư dự án 2.401,4 tỷ đồng. Tiếp đó, Nhà máy thủy điện Đại Ninh với 2 tổ máy hòa lưới điện quốc gia và chính thức hoàn thành, giúp lượng nước sông Lũy tại Bắc Bình nhiều hơn vào mùa khô. Nhờ đó, việc bổ sung nước vào hồ Cà Giây và chuyển nước về khu tưới hồ Sông Quao, thông qua tuyến kênh chuyển nước 812 - Châu Tá bước đầu góp phần phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp của 2 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc…

Có thể nói, sau 30 năm tái lập tỉnh, việc đầu tư hạ tầng thủy lợi đã tạo sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong tỉnh. Từ đó, góp phần mở rộng diện tích gieo trồng được tưới toàn tỉnh từ 32.600 ha (năm 1992) tăng lên 114.500 ha (năm 2021), tăng gấp 3,5 lần. Đồng thời, cấp nước phục vụ sinh hoạt và các ngành kinh tế khác ngày càng phát triển bền vững hơn. Nhờ có thủy lợi, ngành nông nghiệp của tỉnh đã và đang phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là kết quả tạo nên niềm tin sâu sắc trong nhân dân về chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Song song, từng bước tăng nhanh số hộ nông dân làm giàu chính đáng, nhiều vùng nông thôn đã khởi sắc, người dân yên tâm ổn định cuộc sống. Đây là thành quả hết sức ý nghĩa, mang lại sức sống mới cho đời sống nhân dân và sự phát triển chung của tỉnh khô hạn như Bình Thuận.

Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) ngày 10/9/2021 về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao nêu rõ một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó nhấn mạnh ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi lớn, đa mục tiêu. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương thúc đẩy dự án hồ chứa nước La Ngà 3; khởi công hồ chứa nước Ka Pét… Từng bước đầu tư mạng lưới quan trắc thủy văn ở lưu vực các hồ thủy lợi. Cùng với đó, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung kết nối liên xã, liên huyện, đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, nhất là vùng khô hạn…

KIỀU HẰNG

Related articles
Bí thư Tỉnh ủy chúc Tết các đơn vị quản lý rừng và công trình thủy lợi phía Bắc
Chiều 22/1, đồng chí Dương Văn An- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận đã đến thăm, chúc tết các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng và đơn vị quản lý công trình thủy lợi tại các huyện phía Bắc tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và một số đơn vị liên quan.

(0) Comments
Focus
Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sức sống mới từ các công trình thủy lợi