Bình Thuận có quá trình lịch sử hình thành với hơn 300 năm. Vùng đất kiên trung, giàu truyền thống cách mạng đã và đang đổi thay từng ngày. Năm 1992, năm đánh dấu tỉnh Bình Thuận được tái lập. 30 năm - một chặng đường với nhiều thăng trầm nhưng rất đỗi tự hào. Trong giai đoạn này, công tác xây dựng Đảng luôn được Bình Thuận quan tâm trên tất cả các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Từ đó góp phần lãnh đạo địa phương, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo đó, trong từng năm, từng giai đoạn, Đảng bộ tỉnh đã tập trung bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chỉ thị, kết luận, quy định có liên quan đến công tác xây dựng Đảng; triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đạt kết quả tích cực. Cụ thể là các cấp ủy Đảng đã nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Để nâng cao chất lượng đảng viên và củng cố tổ chức cơ sở Đảng, biện pháp được cấp ủy các cấp ở Bình Thuận quan tâm thực hiện là đẩy mạnh nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Từ đó, việc sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ đã đi vào nền nếp; quy trình sinh hoạt thực hiện bảo đảm theo hướng dẫn của cấp trên, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt chi bộ, cấp ủy viên dự sinh hoạt cấp ủy khá cao, tinh thần trách nhiệm của đảng viên được nâng lên. Phần lớn đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng có chuyển biến tốt hơn so với trước đây, việc phân công và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đối với đảng viên được quan tâm hơn.
Mặt khác, việc thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng được Bình Thuận quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đem lại hiệu quả tích cực, tạo sự chuyển biến toàn diện trong hệ thống chính trị; tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên.
Bên cạnh đó, bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên được kiện toàn; công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách cán bộ được quan tâm coi trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được nâng lên; nhiều tổ chức cơ sở đảng đã giữ vững và phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị; lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát tiến hành thường xuyên; xử lý tổ chức Đảng và đảng viên sai phạm được tiến hành đúng quy trình, bảo đảm nguyên tắc của Đảng, có tác dụng giáo dục tốt. Những vụ nổi cộm, tồn đọng được xem xét, giải quyết có kết quả. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy từng bước được đổi mới theo hướng vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò của chính quyền; sâu sát với thực tế của cơ sở.
Thực tế cho thấy số tổ chức cơ sở Đảng đã phát triển đều khắp ở tất cả các xã, phường, thị trấn, trường học, bệnh viện và trong các cơ quan doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh… Đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn vững tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm xây dựng quê hương Bình Thuận ngày càng giàu đẹp hơn. Điều đó khẳng định Bình Thuận đã thực hiện tốt quan điểm “ở đâu có quần chúng thì ở đó cần có đảng viên và ở đâu có tổ chức thì ở đó cần có tổ chức Đảng để lãnh đạo”.
Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện tốt công tác dân vận, khối đại đoàn kết toàn dân thường xuyên được vun đắp, củng cố và phát huy. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục được đổi mới theo hướng sâu sát cơ sở, gắn với kiện toàn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, đã huy động sự tham gia của toàn xã hội trong một số phong trào như bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phòng, chống dịch Covid - 19... Việc tham gia đấu tranh, lên án những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Nhìn lại quá trình sau 30 năm tái lập tỉnh và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tuy có mặt còn hạn chế, nhưng có thể khẳng định Bình Thuận đã có sự chuyển biến khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, từ đó góp phần thay đổi diện mạo của tỉnh ngày càng khởi sắc. Đảng bộ tỉnh Bình Thuận tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, chăm lo xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; quyết tâm xây dựng Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững.
Nếu như năm 1992, Đảng bộ tỉnh chỉ có gần 8.500 đảng viên của 13 Đảng bộ trong toàn tỉnh (9 huyện, thị và 4 đảng ủy trực thuộc) thì đến nay Đảng bộ tỉnh Bình Thuận có 14 tổ chức Đảng trực thuộc và 10 Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng. Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 468 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 247 Đảng bộ cơ sở và 221 chi bộ cơ sở, với 39.520 đảng viên. Đội ngũ cấp ủy viên cơ sở có 1.899 đồng chí, trình độ chuyên môn từ cao đẳng, đại học trở lên có 1.837 đồng chí, chiếm hơn 96%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên có 1.677 đồng chí, chiếm hơn 88%.