Áp lực phải thay đổi

25/02/2022, 05:58

1. Ngay những ngày mở biển đầu năm mới, giá xăng dầu liên tục leo thang khiến ngư dân lo lắng càng ra khơi càng lỗ. Giá xăng dầu tăng cao kéo theo các mặt hàng thiết yếu khác đều tăng, cộng với nguồn lợi thủy sản ngày càng khan hiếm, giá cả tiêu thụ bấp bênh, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ, kéo theo nhiều lao động biển không có thu nhập.

www-baobinhthuan-com-vn_tau.jpg
Tàu cá tham gia đánh bắt xa bờ tại Bình Thuận.

Để đối phó, hầu hết tàu đánh bắt xa bờ phải tăng thời gian bám biển sản xuất, kết nối hơn với các tàu dịch vụ hậu cần trên biển để tiết kiệm nhiên liệu và tăng thời gian bám biển. Trong nỗ lực vật lộn với khó khăn để bám biển sản xuất, mô hình tàu cá đánh bắt xa bờ liên kết, hợp tác với nhau thành các tổ-đội khai thác hải sản trên biển, nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nhiên liệu, thực phẩm và tìm kiếm cứu nạn, được xem là mô hình thiết thực, hiệu quả, giúp ngư dân tiết kiệm nhiều chi phí, cần được nhân rộng ở vùng biển Bình Thuận. Đây là cách dân gian vẫn gọi là “trong cái khó, ló cái khôn”, khi giá xăng dầu lập đỉnh trong 8 năm.

2. Từ ngày mùng 3 đến mùng 7 tết Nhâm Dần, hàng ngàn xe chở thanh long, mít, xoài, dưa hấu được xuất khẩu qua Trung Quốc, qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai. Nông dân và doanh nghiệp chưa kịp mừng vì xuất khẩu nông sản thuận lợi, hanh thông đầu năm mới, thì nhiều cửa khẩu lại bị ách tắc, sản lượng thông quan rất hạn chế, nhỏ giọt, hàng ngàn xe container chở nông sản lại bị ùn ứ, do Trung Quốc tiếp tục siết chặt chính sách “Zero Covid-19”. Giá thanh long bán tại vườn ở Bình Thuận mới nhích lên được 10.000 - 15.000 đồng/kg trong mấy ngày sau tết, lập tức giảm sâu xuống chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg khiến nông dân thua lỗ nặng. “Thủ phủ thanh long” Bình Thuận đã ngấm đòn Covid-19. Dự báo thị trường Trung Quốc năm nay tiếp tục gặp khó khăn, ách tắc, khi Trung Quốc kiên trì kiểm dịch chặt tại cửa khẩu, trong khi tình hình dịch ở trong nước ta vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao.

Trong tình hình ấy, dư luận hy vọng khi đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - PTNT Lê Minh Hoan về Bình Thuận làm việc về tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long. Tới nay thì cả 63 tỉnh-thành đã trồng thanh long, với diện tích 65.000 ha, sản lượng 1,4 triệu tấn/năm, nhưng Bình Thuận chiếm tới một nửa cả về diện tích và sản lượng. Áp lực tiêu thụ thanh long đối với Bình Thuận vì thế rất lớn.

Theo tôi, có lẽ thông điệp rõ ràng nhất mà Bộ trưởng gửi tới Bình Thuận trong chuyến “xông đất” đầu năm con hổ này là: “Phải thay đổi”. “Phải thay đổi, không là chết”, nếu cứ tiếp tục sản xuất tự phát, mạnh ai nấy trồng, là chết; nếu cứ nhắm mắt, ùn ùn chở nông sản lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất tiểu ngạch, là chết. Từ nông dân, doanh nghiệp, đến chính quyền và ngay cả Bộ Nông nghiệp - PTNT… tất cả chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, lấy thị trường làm chủ, dẫn dắt sản xuất.

Đại dịch Covid-19 đã phơi bày những yếu kém của xuất khẩu nông sản Việt Nam, trong đó có thanh long. Áp lực phải thay đổi đầu năm Dần này là rất lớn. Cần một cuộc cách mạng cho cây thanh long, từ sản xuất tới tiêu thụ-đó là vấn đề Bộ trưởng đặt ra không chỉ riêng với Bình Thuận.

ĐẶNG DŨNG

Related articles
Bao giờ Mũi Né nhộn nhịp khách quốc tế như xưa
Sau khi mở cửa du lịch nội địa, mở cửa trường học, trong tuần này 6 bộ ngành đã đề xuất và được lãnh đạo Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3 tới. Việc cấp visa sẽ thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương và song phương. Cũng từ ngày 15/2 Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay quốc tế sau gần 2 năm đóng cửa.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Áp lực phải thay đổi