Cán bộ cơ sở với chữ “dám”!

06/05/2025, 05:13

Bình Thuận đang cùng cả nước quyết liệt thực hiện cuộc Cách mạng về thể chế và tổ chức bộ máy. Trong nhiều nội dung, nhiệm vụ, phần việc đều có liên quan đến công tác tổ chức - cán bộ. Với một hệ thống chính trị, chính quyền cơ sở sau khi sắp xếp sáp nhập xã, phường sẽ hướng về nhân dân, gần dân, sát dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Vì vậy, công tác tổ chức cán bộ, xác định nhiệm vụ, vai trò vị trí việc làm, bố trí sắp xếp cán bộ cơ sở là nhiệm vụ, cực kỳ quan trọng hiện nay.

cover1(1).jpg

Để làm tốt nội dung này, chúng ta không thể không vận dụng tư tưởng của Bác trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ cơ sở hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cán bộ cơ sở là nhân tố quyết định sự thành công của các phong trào cách mạng và chính quyền địa phương. Theo tư tưởng của Người, cán bộ cơ sở không chỉ đơn thuần là người thực thi chính sách, mà còn là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Điều này liên quan chặt chẽ đến yêu cầu về đạo đức cách mạng và năng lực thực tiễn của cán bộ.

Thực tế là cán bộ cơ sở chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương. Họ là những người gắn bó mật thiết với nhân dân, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của quần chúng, có khả năng thuyết phục và huy động sức mạnh cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Do vậy, đối với cán bộ cơ sở đòi hỏi phải có nổi trội về phẩm chất đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng cán bộ cơ sở phải có lòng yêu nước, thương dân, tận tâm với công việc. Họ cần giữ gìn sự trong sạch của Đảng qua việc thực hành và lan tỏa đạo đức trong hành động hàng ngày.

Cán bộ cơ sở cần có năng lực tổ chức tốt để thực hiện hiệu quả các kế hoạch và dự án phát triển tại địa phương, đồng thời phải có khả năng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Một ví dụ cụ thể về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cán bộ cơ sở có thể thấy ở hoạt động của các tổ chức phụ nữ ở cấp xã trong những năm kháng chiến (1945-1975) đến giờ vẫn còn giá trị. Ở giai đoạn lịch sử đó, cán bộ phụ nữ là những người có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, vận động phụ nữ tham gia sản xuất và kháng chiến. Chẳng hạn, trong phong trào "Năm tấn lúa, ba tấn rau", các cán bộ cơ sở đã lãnh đạo và tổ chức phụ nữ trên địa bàn cùng nhau trồng trọt, cung cấp thực phẩm không chỉ cho gia đình mà còn cho bộ đội. Họ thường xuyên tổ chức các buổi họp để lắng nghe ý kiến, phản ánh nguyện vọng của chị em, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với thực tế, góp phần không nhỏ vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Sự thành công trong các phong trào như trên chứng minh rằng, khi cán bộ cơ sở hoạt động hiệu quả, mạnh mẽ và nhiệt huyết, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho phong trào cách mạng tại địa phương, đồng thời thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh tiến vào kỷ nguyên mới, cán bộ cơ sở cần phải có những phẩm chất và điều kiện sau:

Cán bộ cơ sở cần kiên định với lý tưởng cách mạng, trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Họ phải có khả năng phân tích, đánh giá đúng tình hình, kiên quyết đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Đạo đức trong sáng, mẫu mực. Luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Họ phải là tấm gương về đạo đức, lối sống để nhân dân noi theo. Cần đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, hết lòng phục vụ nhân dân.

Người cán bộ cơ sở trước kỷ nguyên mới, phải thực hành chữ "Dám" (Gồm: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung). Trong bối cảnh hiện nay, cán bộ cơ sở cần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt với khó khăn để giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Cán bộ cần có khát vọng cống hiến, khát vọng phát triển đất nước, mong muốn đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.

Cán bộ cơ sở phải có tinh thần trách nhiệm cao, luôn đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết; có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng, am hiểu về tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề phát sinh.

Về năng lực thực tiễn, phải có khả năng tổ chức, điều hành, quản lý, lãnh đạo công việc ở cơ sở. Phải có khả năng giao tiếp, ứng xử tốt, biết lắng nghe, đối thoại với nhân dân.

Trước cuộc cách mạng 4.0, cán bộ cơ sở còn cần có năng lực về công nghệ thông tin, có khả năng sử dụng các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công việc, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành.

Việc đáp ứng đầy đủ các phẩm chất và điều kiện trên sẽ giúp cán bộ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng địa phương phát triển bền vững, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới và vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

HUỲNH THANH

Related articles
Sửa luật, thu hút nhân tài
Nghị quyết 57 –NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cán bộ cơ sở với chữ “dám”!