Tăng trưởng kinh tế năm 2024, tỉnh Bình Thuận đạt GRDP tăng khoảng 8% so với năm 2023. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 49.240 tỷ đồng, tăng 10,64% so với năm trước. Tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ, diễn đàn quốc tế nhằm tăng cường kết nối với các nhà đầu tư, như Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh và chương trình xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc... Những hoạt động này đã giúp Bình Thuận ký kết nhiều hợp tác nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Phát triển hạ tầng phục vụ kinh tế đối ngoại như hệ thống hạ tầng giao thông, cảng biển và các khu công nghiệp tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư từ các quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, năng lượng và du lịch.
Du lịch là hoạt động kinh tế đối ngoại sôi động nhất, tỉnh đón gần 9,7 triệu lượt khách du lịch vào năm 2024, tăng 15,91% so với năm 2023, với doanh thu đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 14,44%. Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo và phong phú đã được phát triển, bao gồm các khu vui chơi, sự kiện thể thao và lễ hội.
Về hợp tác quốc tế, Bình Thuận đã thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác với các tỉnh và thành phố của các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN nhằm nâng cao vị thế và hội nhập quốc tế. Các chương trình đối ngoại nhân dân cũng giúp nổi bật văn hóa và tiềm năng đầu tư của tỉnh đến bạn bè quốc tế.
Sắp đến, Bình Thuận đặt mục tiêu tiếp tục thúc đẩy kinh tế đối ngoại bằng cách đẩy mạnh thông tin đối ngoại, cải cách hành chính và tối ưu hóa các quy trình nhằm thu hút đầu tư. Tỉnh cũng chú trọng tăng cường quảng bá hình ảnh thông qua các kênh truyền thông và hợp tác với các cơ quan báo chí để xây dựng thương hiệu “Kinh đô Resort” của Việt Nam.
Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, Bình Thuận cần thực hiện một số giải pháp quan trọng như sau:
Tăng cường quảng bá và xúc tiến đầu tư. Tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, hội chợ quốc tế, diễn đàn đầu tư để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cải thiện hoạt động tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời xây dựng các tài liệu quảng bá hình ảnh và sản phẩm của tỉnh bằng nhiều ngôn ngữ. Cải cách hành chính và nâng cao môi trường đầu tư; đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư. Tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua việc cải thiện các chỉ số như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân về dịch vụ công. Thiết lập một cơ chế hỗ trợ đầu tư rõ ràng, minh bạch để khuyến khích dòng vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển, khu công nghiệp, các khu kinh tế để thuận lợi cho hoạt động thương mại và đầu tư. Xây dựng và cải tạo các tuyến đường kết nối với các tỉnh lân cận cũng như các cảng biển quốc tế để nâng cao khả năng giao thương.
Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động về các lĩnh vực như xuất nhập khẩu, quản lý kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ và văn hóa. Khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các thành phố, vùng lãnh thổ khác trong khu vực và thế giới để mở rộng mạng lưới giao thương và đầu tư. Tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực và toàn cầu để tăng cường tiếng nói và ảnh hưởng của tỉnh trong các vấn đề kinh tế quốc tế.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ; Thúc đẩy nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất và dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên công nghệ cao.
Tóm lại, trong những năm gần đây, Bình Thuận đã có những bước đi vững chắc trong phát triển kinh tế đối ngoại, tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong tương lai. Đây cũng là một trong các hành trang giá trị để Bình Thuận vươn mình vào kỷ nguyên mới.