Không khó để mọi người dễ nhận thấy là tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông diễn ra từng giờ, từng ngày. Hậu quả của những vụ việc trên để lại hậu quả lớn cho xã hội, tổn thất về con người, sức khỏe, tài sản vật chất không hề nhỏ. Mặc dù ý thức về việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân tuy có nâng lên, nhưng đâu đó việc vi phạm vẫn còn. Chỉ cần dành 1 khoảng thời gian ngắn tại các ngã ba, ngã tư có thể chứng kiến việc vượt đèn đỏ diễn ra như cơm bữa. Còn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, lái xe vô tư phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn đẩy người đi đường và phương tiện sát lề hoặc xuống ruộng cũng không hề hiếm. Đối với lực lượng CSGT tuy thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý dứt khoát các hành vi vi phạm nhưng chưa thể bao quát hết tất cả các cung đường, bởi nhân sự mỏng, phương tiện, thiết bị có giới hạn, phần nào ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, Thông tư 73 quy định về hình thức; nội dung; trang phục; trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của CSGT; huy động lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với CSGT thực hiện tuần tra, kiểm soát trong trường hợp cần thiết.
Việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
Theo Điều 5, bên cạnh việc kiểm soát thông qua hệ thống camera trên tuyến giao thông, trong đô thị thì CSGT có thể khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư quy định rõ về “Kiểm soát thông qua sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ” với nội dung: Đơn vị CSGT sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bao gồm cả hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới), thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định. Kết quả, dữ liệu thu thập được từ phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a khoản này để phát hiện, xử lý vi phạm tuân thủ theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 135/2021/NĐ-CP, quy định về quy chuẩn, việc quản lý, vận hành, sử dụng Hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 7 quy định về tổ chức lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trên tuyến giao thông đường bộ. Trong đó đáng chú ý, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 7, bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác; khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, an ninh, trật tự xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông thì sử dụng Giấy chứng minh Công an nhân dân để yêu cầu dừng phương tiện và thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm; thông báo và phối hợp với bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
Việc Bộ Công an ban hành Thông tư 73 được xem là giải pháp lấp “khoảng trống” đối với hành vi vi phạm an toàn về giao thông, bằng việc sử dụng các thiết bị nghiệp vụ, thiết bị thông minh để giải quyết vấn đề này.