Tấm “thẻ căn cước” của một dân tộc
Bình Thuận có 35 dân tộc cùng sinh sống với những sắc thái văn hóa, phong tục tập quán khác nhau tạo cho tỉnh một nền văn hóa đa dạng nhưng mang đậm bản sắc riêng. Đồng bào các DTTS và miền núi định cư sinh sống tập trung ở 17 xã thuần và 43 thôn xen ghép thuộc 9/10 huyện, thị xã, thành phố.
Trong đó, trang phục truyền thống của các DTTS là một phần quan trọng trong đời sống, sinh hoạt của mỗi cộng đồng tộc người. Từ xưa đến nay, trang phục không chỉ được biết đến với chức năng che chắn, bảo vệ cơ thể để thích nghi với môi trường tự nhiên nơi dân tộc đó cư trú, mà nó còn có vai trò tôn thêm vẻ đẹp cho người mặc. Trang phục truyền thống bao gồm quần (váy, chăn), áo, khăn, mũ, giày dép, đồ trang sức và trang phục nữ được xem là nổi bật, độc đáo nhất.
Thông qua trang phục chúng ta có thể phân biệt được nhóm dân tộc, địa bàn cư trú, trang phục nam hay nữ, người lớn hay trẻ con hoặc phân chia theo vai vế, tầng lớp, chức sắc tôn giáo, thầy cúng hay những người lao động bình thường, trang phục dành cho lễ hội cộng đồng hay trong các sự kiện quan trọng của đời người như lễ cưới hoặc tang ma. Trang phục của các DTTS còn thể hiện sự khác biệt và những nét riêng độc đáo qua cách cắt may, tạo dáng, phối màu và tạo hoa văn... thể hiện đức tính cần cù, chịu khó nhưng không kém phần khéo léo của người phụ nữ. Bởi thế, nó được xem là “thẻ căn cước” của một dân tộc.
Để tôn vinh nét đẹp của các bộ trang phục truyền thống, trong ngày hội văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS được tổ chức tại các huyện hằng năm, bao giờ cũng có hoạt động trình diễn giới thiệu trang phục truyền thống trong lễ hội và trong sinh hoạt đời thường. Đó chính là môi trường, là điều kiện, không gian để trang phục truyền thống phô diễn vẻ đẹp. Từ đó dân làng, đặc biệt là lớp trẻ thêm tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Trang phục dân tộc - sản phẩm kinh tế du lịch tiềm năng
Hiện nay do quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng, sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ cùng với sự tác động của kinh tế thị trường, bản thân những người DTTS đã chọn cách hòa nhập, tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới và tích hợp chúng vào văn hóa bản địa của mình. Vì thế, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các DTTS ở Bình Thuận gắn với các hoạt động phát triển du lịch của địa phương là nhiệm vụ phù hợp với nhu cầu của xã hội.
Không chỉ vào dịp lễ, tết mà tại Di tích tháp Po Sah Inư hay Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm có những lúc chúng ta lại bắt gặp các đoàn du khách hóa thân thành những cô gái Chăm e ấp, duyên dáng. Họ đều tỏ ra thích thú và hài lòng vì vừa được đi, khám phá, vừa ghi lại dấu ấn với một bộ sưu tập ảnh lưu niệm đầy sắc màu.
Có dịp nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa ở nhiều địa phương, trong đó có Bình Thuận, Thạc sĩ Nguyễn Thu Hương - Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: Ngày càng nhiều nhà thiết kế khai thác chất liệu văn hóa của các DTTS vào ngành thời trang và tạo nên những sản phẩm mang bản sắc cá nhân của chính họ ở trong nước, cũng như quốc tế. Không chỉ quần áo mà các phụ kiện như trang sức, khăn đều trở thành sản phẩm kinh tế. Đặc biệt, với xu thế hiện nay, mạng xã hội là một hình thức truyền thông có tác động mạnh mẽ. Đa phần các bạn trẻ đều sử dụng thiết bị điện tử hiện đại, tốc độ lan truyền thông tin rất nhanh. Đây sẽ là lực lượng tuyên truyền hiệu quả nhất về giá trị của trang phục truyền thống đến đông đảo bạn bè của mình.
Bà Nguyễn Thu Hương dẫn chứng trường hợp tỉnh Đồng Tháp đã thành công với hình tượng búp bê hình hoa sen ở trong tất cả quảng cáo, sản phẩm, góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh địa phương ra nhiều nơi.
Còn ở một số tỉnh phía Bắc như Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Hà Giang… dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc mang lại một khoản lợi nhuận lớn, đặc biệt là đóng góp vào việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh du lịch từng vùng đất. Điều này cho thấy việc gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc không chỉ là việc giữ lại kho báu văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn phát huy giá trị kinh tế của nó, biến nó từ di sản trở thành tài sản, tạo ra giá trị của cải, vật chất cho đồng bào.
Ở Bình Thuận, hiện các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp để bảo tồn giá trị trang phục DTTS như tổ chức nghiên cứu, khôi phục lại các loại hình trang phục đang bị mai một và mất dần; tuyên truyền, giáo dục; tôn vinh nghệ nhân; chính sách bảo tồn. Cùng với đó là hoạt động giới thiệu, trình diễn; cho thuê, bán trang phục tại các điểm du lịch; xây dựng mô hình bảo tồn; giới thiệu thông qua nghệ thuật… Bằng sự vào cuộc tích cực đó sẽ góp phần làm cho sự phát triển bền vững của trang phục truyền thống cũng như văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh.
“Trang phục dân tộc sẽ còn đồng hành với con người lâu dài và trở thành một tổng thể không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Nếu trang phục truyền thống không còn tồn tại, bị mai một đi sẽ làm mất đi một giá trị văn hóa, tín ngưỡng, giá trị tâm linh và bản sắc của các dân tộc”, Nghệ nhân ưu tú Lâm Tấn Bình – Nguyên Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm nói.