Phát triển kinh tế tập thể ở miền núi - nhìn từ Đức Linh, Tánh Linh

08/11/2024, 19:25

BTO-Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), 2 huyện: Đức Linh, Tánh Linh đã có những bước tiến đáng kể khi xây dựng được nhiều mô hình KTTT. Những mô hình này đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương, song trước yêu cầu ngày càng cao, để phát huy hơn nữa vai trò KTTT, hợp tác xã (HTX) vẫn còn nhiều việc phải làm…

Đức Linh, Tánh Linh là hai huyện miền núi của tỉnh, nằm giáp ranh nên có nhiều điều kiện tương đồng để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có KTTT. Những năm gần đây KTTT, nòng cốt là HTX ở 2 huyện này đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tại Đức Linh có 23 HTX/299 thành viên và 39 tổ hợp tác (THT)/792 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Bên cạnh, Tánh Linh cũng có 24 THT/158 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa giống, thủy nông, làm đất, thu hoạch; có 16 HTX/316 thành viên và 2 quỹ tín dụng. Đây là những mô hình được hình thành và phát triển trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương.

hat-dieu-sen-nui(1).jpg
Hạt điều rang muối Sen Núi - một sản phẩm của HTX Dịch vụ tổng hợp Sen Núi tại xã Đông Hà, Đức Linh.

Quá trình hoạt động cho thấy, KTTT ở Tánh Linh, Đức Linh còn đóng góp quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất của các HTX có sản phẩm OCOP, được công nhận đạt từ 3 sao đến 4 sao, có mặt tại kệ hàng các siêu thị. Tính liên kết giữa các thành viên trong tổ chức KTTT, HTX được tăng cường qua việc cùng nhau góp vốn, chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên kết giữa các thành viên theo hướng cộng đồng và tương trợ để cùng phát triển. Cũng từ đây, sự hợp tác giữa thành phần KTTT với các thành phần kinh tế khác cũng được mở rộng.

Thế nhưng, dù đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận, song đa phần quy mô hoạt động của các HTX ở 2 huyện miền núi này còn nhỏ, tính cạnh tranh chưa cao, còn nhiều hạn chế về vốn, không ít HTX thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, phương thức kinh doanh nên hiệu quả chưa cao. Để KTTT, trọng tâm là mô hình HTX tiếp tục phát triển, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định để triển khai trong thời gian tới như: ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP; nhân rộng các mô hình điểm theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ nông dân với HTX, HTX với doanh nghiệp. Mặt khác, ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Được biết, trong kế hoạch phát triển KTTT và HTX năm 2025, UBND tỉnh khẳng định, các HTX, đặc biệt là nông nghiệp đã từng bước khắc phục những khó khăn, thay đổi phương thức sản xuất, chú trọng vào sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Tuy vậy, hầu hết HTX chỉ mới dừng lại ở khâu sản xuất, rất ít HTX có thể chế biến và xuất khẩu, việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh hầu hết phải thông qua các công ty xuất nhập khẩu ngoài tỉnh. Vì thế, phải đổi mới phương thức, tổ chức quản lý của HTX theo mô hình HTX kiểu mới. Tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; tạo điều kiện từng bước hình thành những tổ hợp nông - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao.

Song song đó, tăng cường liên kết về kinh tế, tổ chức giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhau nhằm mục đích huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Nâng cao năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý HTX, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, người lao động trong HTX. Phát triển các HTX với quy mô lớn, từng bước hợp nhất, sáp nhất các HTX có quy mô nhỏ để tạo nguồn lực xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm lợi thế của địa phương. Tập trung nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX kiểu mới làm nòng cốt kết nối, liên kết các HTX khác; hình thành mô hình HTX liên xã, liên huyện, liên vùng…

TẤN THÀNH

Related articles
Ưu tiên dùng hàng Việt sẽ thúc đẩy sản phẩm kinh tế tập thể
BTO-Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt. Thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng cũng là đang kích thích sản phẩm kinh tế của các tổ hợp tác, hợp tác xã có chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

(0) Comments
Focus
Kính mời độc giả đón đọc báo in Bình Thuận hôm nay (23/12)
Tinh gọn bộ máy: Khó mấy cũng phải thực hiện cho được; Năm 2025: Phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao; Thị xã La Gi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Ở đoạn cuối hành trình; IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh; Ngành Công Thương: Nỗ lực vượt khó, hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm; Tham quan, trải nghiệm về đêm tháp Pô Sah Inư… là những bài viết đáng chú ý trong số báo in xuất bản ngày 23/12/2024. Mời quý độc giả đón đọc.
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển kinh tế tập thể ở miền núi - nhìn từ Đức Linh, Tánh Linh