Xơ mướp xuất ngoại - câu chuyện khởi nghiệp của anh Đặng

05/11/2024, 06:08

BTO-Từ quả mướp già, tưởng chừng như bỏ đi, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thắng đã biến thành các sản phẩm hữu ích như miếng rửa chén, bông tắm, dép, đai chà lưng… xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Tạo giá trị mới cho xơ mướp

Là thạc sĩ kinh tế, đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh với mức thu nhập ổn định. Năm 2019, anh Võ Xuân Đặng nghỉ việc, “bỏ phố về làng” trồng mướp lấy xơ để gia công thành mặt hàng gia dụng như bông tắm, miếng rửa chén, đai chà lưng… khiến nhiều người bất ngờ.

202411050608411-1-.gif
Trồng mướp lấy xơ của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thắng. Ảnh: Ngọc Lân

Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp từ xơ mướp, anh Võ Xuân Đặng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thắng cho biết: trong quá trình đi học và đi làm tại TP. Hồ Chí Minh, anh cũng đã nhận thấy có rất nhiều khách sạn lớn sử dụng các sản phẩm từ xơ mướp để làm bông tắm, đai chà lưng và những sản phẩm gia dụng ở nhà bếp. “Nhưng những sản phẩm này lại có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi đó ở Việt Nam mình trồng rất nhiều mướp. Đặc biệt, ý thức bảo vệ môi trường của người dân mình ngày càng được nâng cao. Họ đã thay thế những sản phẩm dùng từ nhựa. Vì thế, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng về quê để làm những sản phẩm từ xơ mướp thân thiện với môi trường, trước mắt là cung ứng cho thị trường trong nước và xa hơn là xuất khẩu đi nước ngoài”.

202411050608412-1-.gif
Sản phẩm dép làm từ sơ mướp. Ảnh Ngọc Lân.

Xơ mướp là nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng. Đặc trưng của xơ mướp là dai, bền, nhanh khô, có khả năng chà tẩy mà không gây xước da nên có thể tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống.

Những lý do đó đã thôi thúc anh Đặng khởi nghiệp. “Vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu, anh Đặng gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất từ việc chọn nguyên liệu đến chuẩn hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên với niềm đam mê và tâm huyết với dự án, anh Đặng đã nỗ lực tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện sản phẩm. Ban đầu, anh Đặng trồng 5 sào mướp hương; đồng thời, đầu tư máy móc, trang thiết bị gia công sản phẩm. Đến giữa năm 2024, anh Đặng và 9 thành viên khác thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thắng chuyên trồng và chế biến xơ mướp thành các sản phẩm thân thiện với môi trường. 

Theo anh Đặng, để xơ mướp đạt tiêu chuẩn, quả mướp cần được thu hoạch sau 3,5 - 4 tháng, với yêu cầu phải to, thẳng, xơ dày, trắng và không bị mốc hay ong chích. Trong thời gian gieo trồng, anh luôn theo dõi, bám sát từng quy trình gieo trồng, đảm bảo cây mướp được tưới tiêu đầy đủ để đạt chất lượng xơ tốt nhất. Với 7 ha vùng trồng mướp của HTX, trung bình mỗi ha cung cấp cho xưởng 20.000 quả mướp khô phục vụ gia công hàng thủ công mỹ nghệ.

Quả mướp sau khi thu hoạch sẽ được đưa về ngâm nước cho mềm để loại bớt nhựa và bóc tách lớp vỏ. Sau đó chuyển sang bể ngâm để loại bỏ phần thịt, rồi mang đi giặt để loại bỏ nhớt và hạt. Tiếp đến phơi khô xơ mướp để tránh ẩm, mốc. Tất cả các khâu được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng chất tẩy rửa. Có được nguyên liệu sạch, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thắng đầu tư các loại máy chuyên dụng như máy may, máy ép, máy cắt xơ mướp để tạo ra sản phẩm như bông tắm, đôi dép hay chiếc túi đựng xà phòng hữu cơ…

Sản phẩm xuất ngoại

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thắng chủ yếu cung cấp các sản phẩm trên cho các khách sạn ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội… với mức giá trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/sản phẩm. Đặc biệt, đầu năm 2023, đối tác Hàn Quốc đặt hàng 10.000 sản phẩm bông tắm, miếng rửa chén, đai chà lưng và tiếp tục đàm phán cung ứng thêm 30.000 sản phẩm như đế dép, đồ chơi làm từ xơ mướp.

hh(1).png
Sản phẩm làm từ xơ mướp. Ảnh: Ngọc Lân

“Sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc phải đạt các yêu cầu khắt khe về kiểm dịch và chất lượng như màu sắc, độ dày, mẫu mã,… Sau đơn hàng đầu tiên, tôi đang xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường vì mỗi sản phẩm xơ mướp được sử dụng sẽ thay thế một sản phẩm nhựa. Việc phát triển các sản phẩm từ xơ mướp cũng góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, tạo công ăn việc làm cho người dân, phát triển kinh tế từ loài cây đã gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam”, anh Đặng nhấn mạnh.

Xơ mướp có khả năng tái chế tốt, sản phẩm có tuổi thọ cao nên tiết kiệm được chi phí. Khi sử dụng xơ mướp không chỉ giúp giảm bớt đi sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp sẵn có trong thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đó là lợi ích thấy rõ từ việc tái chế và sử dụng sản phẩm này.

Anh Võ Xuân Đặng – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Thắng.

H LAN, ẢNH NGỌC LÂN

Related articles
Phát triển kinh tế tập thể: Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, ngoài việc thường xuyên củng cố tổ chức Liên minh Hợp tác xã (HTX) qua đó nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường trách nhiệm của Liên minh HTX tỉnh với vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, đòi hỏi các cấp các ngành cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

(1) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xơ mướp xuất ngoại - câu chuyện khởi nghiệp của anh Đặng