Ở bất kỳ lễ hội nào của cộng đồng người Chăm, không thể thiếu những bộ trang phục truyền thống, không thể thiếu tiếng trống Ghi năng, không thể thiếu âm thanh réo rắt của tiếng kèn Saranai… Đặc biệt, điều này thể hiện rõ hơn trong lễ hội Katê, ma chay, cưới hỏi hay những kỳ lễ cúng của người Chăm. Thường vào những dịp quan trọng, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức, bà con người Chăm và du khách mọi nơi sẽ hội tụ tham gia lễ hội.
Điển hình trong lễ hội Katê của đồng bào người Chăm năm 2024 diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư. Ở phần nghinh thỉnh kiệu nữ thần Pô Sah Inư về tháp chính, trong nghi thức rước Y trang, tất cả từ âm nhạc, điệu múa tổng hòa và thể hiện rõ sự tinh tế của văn hóa truyền thống của người Chăm.
Lễ hội Katê được người Chăm tổ chức hàng năm vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh, ông bà, tổ tiên và trời đất đã phù hộ độ trì cho người Chăm.
Katê là một trong những lễ hội lớn được diễn ra tương ứng trong không gian rộng lớn từ đền tháp (Bimôn, Kalan) đến làng (Palei) và gia đình (Mưn - Gawôm), có ý nghĩa sâu sắc, tác động đến nhiều mặt về tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo và tình cảm của cả cộng đồng người Chăm.
Múa dân gian Chăm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và tinh thần. Người Chăm cần được múa hát như cần được thở, khi múa hát không chỉ bày tỏ sự vui mừng, dạt dào tình cảm, mà còn để tưởng nhớ các vị thần linh và ca ngợi các bậc tiền nhân. Mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau, tất cả đều phản ánh ước vọng của người Chăm trước thần linh, thân tộc, thiên nhiên và cộng đồng. Mong sao cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu, cuộc sống an lành để thờ phụng tổ tiên. Điều này dễ nhận thấy vì sao trong các kỳ lễ hội, múa Chăm luôn được thể hiện với màu sắc tươi tắn, ngập tràn sự phấn khởi.
Nhưng múa thôi chưa đủ, chưa thể hiện hết được những nét đặc biệt của văn hóa truyền thống dân tộc của đồng bào Chăm, mà ở đó còn có sự kết hợp mỹ mãn với âm nhạc.
Âm nhạc góp phần tạo không khí vui tươi, sôi động và làm cho bước chân, điệu múa của các cô gái thêm thướt tha, uyển chuyển. Trống Ghi năng, trống Baranưng, kèn Saranai, mỗi nhạc cụ góp một giai điệu, tiết tấu khác nhau, lúc mạnh mẽ, lúc réo rắt thiết tha, lúc dịu dàng tình cảm. Trống Ghi năng được xem là nhạc cụ chính bởi âm điệu hùng hồn trầm bổng, có tính chất gọi mời, phù hợp trong không gian vui mừng lễ hội.
Múa và nhạc luôn đồng điệu, những động tác múa quạt của các cô gái Chăm diễn tả những cánh chim công xòe ra, có khi là đôi cánh bay nhẹ nhàng. Chiếc quạt trên tay người thiếu nữ tượng trưng cho sự cao sang quý phái. Mỗi điệu múa là một ngôn ngữ, mang một ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều toát lên vẻ đẹp của nền văn hóa đậm dấu ấn Chăm.
Các chàng trai đánh nhạc cụ, các cô gái Chăm nhảy múa theo nhịp điệu, bước đi khi lả lướt khoan thai, khi thúc giục quyến rũ, khi nồng nhiệt say mê... và tất cả cùng hòa quyện chung trong một không gian của văn hóa, nghệ thuật và những đam mê vô tận và sự trường tồn mãi mãi theo dòng chảy của thời gian. Chính vì vậy mà những kỳ lễ hội văn hóa của người Chăm luôn đón nhận sự thích thú, hào hứng và giữ chân du khách.