Về Tánh Linh gặp bạn bè “mì Quảng”

13/09/2024, 05:10

Thiếu tá Lê Ngôn, nguyên là cán bộ Công an Bình Thuận đã về hưu ở huyện Tánh Linh. Anh là dân gốc Quảng Nam, người luôn xem món mì Quảng quê mình như tri kỷ. Tuy định cư ở quê mới gần cả đời người nhưng có dịp gặp nhau, món mì vẫn là câu chuyện muôn thuở. Nhân món ăn này được xếp văn hóa phi vật thể quốc gia, anh điện thoại mời tôi về Tánh Linh gặp gỡ anh em một thời cầm súng.

Cuộc hội ngộ người xứ Quảng

Hai anh em những người lính thời tóc còn xanh, lâu rồi không có dịp đối ẩm giờ gặp nhau tay bắt mặt mừng, trong khi chờ đợi bạn bè đến theo giờ hẹn, anh kéo tôi vào quán mì Quảng. Ngồi vào bàn, anh xin chủ quán bình trà tâm sự bằng giọng xứ mì đặc sệt “Ngày xưa, người Quảng Nam và Quảng Ngãi được chế độ cũ đưa vào hàng vạn người định cư ở huyện Hoài Đức và Tánh Linh từ năm 1957 đến 1965. Ngày ấy dân tha phương nghèo khó sống ven đường lộ sát bìa rừng, mỗi nhà cách nhau 50 m, tui còn nhớ ông bà nội và cha mẹ tui ốm đen khẳng khiu làm mọi thứ để chạy ăn từng bữa sau khi Chính phủ cắt khoản tài trợ 6 tháng. Đời người xa xứ gắn bó với nhau như ruột rà, mỗi lần nhờ công gặt lúa, làm nhà, đám giỗ hay tân gia, món mì Quảng được mang ra chiêu đãi, đây là món vừa yêu thích vừa mang hồn quê hương đối với người xa quê”.

mi-quang-1-.jpg
Món mì Quảng xa xứ.

Cô Thanh Hương chủ quán thấy chúng tôi ngồi đợi bạn hơi lâu và nói tiếng Quảng Nam nên tự pha hai ly cà phê nóng đặt trên bàn rồi mỉm cười đọc một đoạn thơ để tự khai báo lý lịch “Em là cô gái Quảng Nam / Giọng thanh của mẹ / Giọng trầm của cha / Bao năm xuôi ngược đường xa / Nhớ chiều khói bếp, nhớ cà dầm tương / Nhớ trăng tháng 8 vấn vương / Bên mâm mì Quảng lệ thường trào ra”. Nghe hết bài thơ tự tình của cô chủ quán, tôi phá lên cười hỏi vì sao lại có nước mắt trong lúc đang ăn mì Quảng hả trời! Chị giải thích: “Ở quê tui, nấu cơm bằng rạ. Đến mùa mưa, rơm rạ ướt phải nằm xuống thổi phù phù, trong căn nhà bếp bao giờ cũng ong ong mùi khói, khói chập chờn lan tỏa quanh nhà rồi đến giờ ăn luôn ám mùi khói đặc trưng rơm rạ. Mì Quảng là món đặc sản quê tui, gia đình nào cũng biết làm. Mì ở quê mình, dầu phộng thiệt béo, nén thơm, ớt thiệt cay, sợi mì thiệt to, nhất là phải có cái tô tổ bố để trộn rau sống từ rau húng, ngò tàu, rau búp chuối xắt mỏng và dĩa nước nhưn. Anh nghĩ với không gian vừa khói vừa ớt cay nồng làm sao không chảy nước mắt được. Tôi xa quê nhiều năm, ăn mì Quảng khắp vùng miền mới nhận ra cách ăn lua, húp rột rột của người lao động quê tui không thích hợp với người Huế điệu đàng, người Hà thành kiểu cách. Vì vậy, mì Quảng không bước chân qua bên kia đèo Hải Vân được mà phải theo bước chân người tha phương về xứ đàng trong nên thay đổi khẩu vị cho hợp với người địa phương, tô mì ở đây nhiều nước hơn. Tại Tánh Linh, tôi mở tiệm mì vừa kiếm sống vừa có cơ hội gặp người cùng quê để nghe giọng xứ Quảng, mới đây mà đã 25 năm rồi. Hai anh thấy đó dưới bầu trời này con chim nhớ tổ còn quay về nguồn cội nhưng con người đôi khi lại không. Mỗi lần rắc đậu phộng lên tô mì bên cạnh dĩa rau to đùng tôi lại nhớ mẹ ngồi rang đậu phộng rồi mang búp chuối ra xắt mỏng để chuẩn bị món mì Quảng. Thế mà khi bà về với đất tôi không về được vì vừa sinh em bé”. Cô Thanh Hương ôm mặt khóc xin lỗi vì mủi lòng nhớ mẹ nhớ quê khi có người xứ mình đến.

mi-quang-2-.jpg
Vợ chồng chủ quán mì Quảng Thanh Hương.

Quán mì Thanh Hương nơi lưu giữ hồn quê

Cuộc gặp mặt bạn bè xứ Quảng trở nên sôi động hơn khi các bạn hội ngộ tại quán Thanh Hương. Thấy có người lạ, một chị quay sang hỏi tôi “Anh ở ngùa nớ mới dô hỉ!”. Theo kế hoạch cô chủ bê ra 6 tô mì gà, rau sống, nước nhưn (nước dùng) dọn lên trong thật bắt mắt. Lê Ngôn giới thiệu bổ sung vài đồng hương rồi thông báo chủ đề sáng nay không bàn chuyện pha chế chặt hay xé phây thịt gà mà chỉ nói về hồn đất hồn người xung quanh tô mì xứ Quảng.

Trước mặt chúng tôi những tô mì mang hồn xứ Quảng, xung quanh đầy các món rau và bánh tráng nướng, tất cả gợi lên hình ảnh, hồn cốt quê hương theo dòng lịch sử thăng trầm nam tiến. Anh ba Toàn nguyên là thầy giáo dạy văn từ Tam Kỳ trôi dạt về Tánh Linh bê món nước chấm lên tay chia sẻ: “Món mì cũng như con người nếu không có món nước chấm hay không có người thêm động lực không thể tự nó cất cánh được, người Trung Quốc làm nước tương bằng thực vật như đậu nành, còn xứ mình làm nước chấm bằng động vật như cá tôm tép cáy còng... thành các món mắm cá, mắm tôm, mắm tép... mỗi thứ có hương vị riêng tuy nhiên phải đạt theo tiêu chuẩn chua chát mặn ngọt như một đời người. Nước chấm trộn vào mì tạo ra hồn quê nỗi nhớ, còn món rau sống dân dã có nhiều mùi vị, mỗi mùi là một vị thuốc nếu nấu chín sẽ mất đi. Rau đi theo mì không chỉ để ăn mà còn vị thuốc chữa bệnh, món mì Quảng đâu chỉ ăn bằng miệng mà phải thỏa mãn cả 5 giác quan. Mắt nhìn thấy đẹp, mũi ngửi thấy thèm, lỗ tai nghe được âm sắc của người cùng xứ, miệng luôn khoái khẩu. Một món ăn tự nó không thể đáp ứng được 5 ngũ quan nên phải kết hợp nhiều thứ tạo đủ mùi vị sắc màu đánh thức cảm giác có thế mới trở thành tài sản phi vật thể quốc gia”.

Cô Thanh Hương chủ quán nghe anh phân tích hay nên cũng kéo ghế ngồi phụ họa: “Quán em là điểm hẹn của các bà con xứ Quảng, mỗi lần gặp nhau nghe họ nói chuyện em cũng học được nhiều điều. Nhớ mấy tháng trước có mấy ông ghé quán nói rằng: Người Quảng vào Nam qua nhiều thời kỳ, nhiều lý do khác nhau và theo chân họ là món mì như người bạn thân nặng tình tri kỷ. Nơi đất khách quê người, món ăn này không chỉ là thức ăn của quê mình mà đã trở thành nỗi nhớ của bao người xa xứ. Quán em trở thành nơi gặp gỡ, tụ tập của những người con gốc Quảng tha hương. Họ tìm đến đây như tìm về hồn quê, tìm về với những người cùng chung một giọng nói. Nhìn tô mì chan chứa bao nghĩa tình cũng thông qua tô mì để nhắc nhở con cháu nhớ về nguyên quán, bởi lẽ mì Quảng mang hương vị mặn ngọt chua cay và chân chất như con người xứ Quảng luôn níu kéo ký ức hồn người trong mỗi chúng ta, bởi vậy nên có ca dao “Dù cho cách trở sơn khê/ Mần tô mì Quảng như về quê hương”. Người Quảng ở miền quê như tui chân thật đến mức cắn trái ớt xanh bùm bụp, nhai rau sống rào rạo và húp nước mì rồn rột nhưng đó là người Quảng năm xưa nhưng bây giờ có thay đổi rồi, người ăn thanh lịch hơn. Để có một tô mì trên tay, phải gồm nhiều công đoạn chế biến: Người khử nén với dầu phộng um nhưn gà, ngưới xắt chuối làm rau sống, người lột tỏi giã chén nước mắm. Hình ảnh của một cộng đồng nhỏ cùng quê, chừ ăn tô mì Quảng nghe ngon chi mô răng rứa. Các anh thấy đó, đất Tánh Linh hiền lành luôn thu nhận người xa xứ một cách chân tình, những con người ly hương hào sảng về đây không phân biệt vùng miền. Dưới bầu trời này ai cũng như ai, có những cuộc nhậu trên bàn đầy nem chua Thanh Hóa, có đĩa lòng chắm mắm tôm kiểu Bắc, đĩa khô sặc miền Tây. Ai có gì góp nấy cụng ly hỉ hả nói cười như anh em thân thuộc bên cạnh món mì Quảng đậm đà mang nhiều nỗi nhớ...”.

* * *

Lúc chuẩn bị chia tay, Lê Ngôn giới thiệu tôi với anh em đồng hương của mình “Thằng cha này là bạn lính của tui, nó là dân Bình Thuận chứ không phải xứ Quảng như anh em mình, nhưng là dân cầm viết được mời để gặp gỡ anh em, cùng nhau nâng cốc chào mừng món mì Quảng của xứ mình được bình chọn là văn hóa phi vật thể quốc gia”. Lê Ngôn cầm tay tôi lắc lắc: “Tui nhắc ông trên các cửa hàng điện máy ở Tánh Linh đều có hàng chữ treo trên cao bề thế: Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang. Giờ ông thay câu này lên bài viết giùm tui là: Ở đâu có người Quảng Nam, ở đó có mì Quảng nha ông!”.

KÝ SỰ: TRẦN ĐẠI

Related articles
Tạo điều kiện cho đồng bào Chăm Bàlamôn đón Tết Katê vui tươi, an toàn, tiết kiệm
BTO-Đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại Bình Thuận sẽ đón Tết Katê năm 2024 từ ngày 2/10 (nhằm ngày 30/8 âm lịch).

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Về Tánh Linh gặp bạn bè “mì Quảng”