Bệnh viện đa khoa An Phước: Cải tiến kỹ thuật vận chuyển mẫu bằng khí nén tự động

19/08/2024, 05:10

Bệnh viện đa khoa An Phước đưa hệ thống chuyển mẫu xét nghiệm bằng khí nén vào vận hành, mang lại nhiều lợi ích cho bệnh viện và bệnh nhân. Đây là mô hình vận chuyển mẫu xét nghiệm đầu tiên của tỉnh.

le-huu-loc.jpg
Ông Lê Hữu Lộc - Trưởng Phòng Kỹ thuật của Bệnh viện An Phước cạnh hệ thống chuyển mẫu bằng khí nén.

Chuyển mẫu trong vòng 55 giây

Hàng ngày kiểm tra hoạt động từng khoa phòng, nhận thấy việc nhận, chuyển mẫu về phòng xét nghiệm và trả kết quả cho người bệnh chiếm nhiều thời gian; bác sĩ chuyên khoa I Phan Ngọc Hùng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa An Phước, đưa ra ý kiến làm sao thiết kế hệ thống vận chuyển bằng ròng rọc hay băng tải để vận chuyển mẫu từ nơi lấy mẫu đến phòng xét nghiệm sao cho giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm bớt người chuyển mẫu. Từ ý kiến này Phòng Kỹ thuật của Bệnh viện An Phước tìm hiểu, thiết kế sơ đồ cho ra hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm bằng khí nén.

chuyen-mau-ap.jpg
Nhân viên y tế của Bệnh viện đa khoa An Phước đặt mẫu xét nghiệm vào hệ thống chuyển mẫu tại khoa phòng.

Cụ thể, tháng 10/2022, ông Lê Hữu Lộc - Trưởng Phòng Kỹ thuật, bắt tay vào thiết kế. Đến tháng 3/2023, hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm xét nghiệm bằng khí nén hoàn thành và đưa vào vận hành. Hệ thống kết nối 4 trạm gồm Cấp cứu – Xét nghiệm – Tầng 4 – Tầng 2 với phòng máy Trung tâm Xét nghiệm đảm bảo quá trình nhận – trả kết quả xét nghiệm cho người bệnh, đáp ứng hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện.

Tại từng khoa phòng, điều dưỡng cho mẫu máu vào hộp vận chuyển và nhấn nút theo địa chỉ thì máy tự vận hành chuyển đến Phòng Xét nghiệm. Khi có kết quả, Phòng Xét nghiệm nhấn nút chuyển trả kết quả đến từng khoa, phòng. So với trước đây chưa có hệ thống trên, mỗi khoa, phòng phải bố trí tối thiểu 1 nhân sự phụ trách về cận lâm sàng hoặc điều dưỡng chăm sóc làm kiêm nhiệm chuyển mẫu thủ công về Phòng Xét nghiệm và nhận trả kết quả cho bệnh nhân.

Thời gian cho việc chuyển mẫu về Khoa Xét nghiệm bằng hệ thống khí nén tự động trung bình 37 giây với khoảng cách ngắn, 55 giây với khoảng cách xa. Theo đó, thời gian tiết kiệm được tính trung bình trong 1 tháng ở Khoa Cấp cứu 49 giờ, ở các khoa khác dao động 14 - 30 giờ, tùy thuộc khoảng cách xa hay gần với phòng máy Trung tâm Xét nghiệm. Trước đó, thời gian chuyển mẫu xét nghiệm thủ công mất khoảng 25 - 30 phút cho một lần, cho đến khi hết mẫu trong ngày. Điều này làm cho bệnh nhân chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm cũng sẽ lâu hơn. Tuy nhiên, hệ thống vận chuyển mẫu xét nghiệm đưa vào vận hành, thì mẫu được vận chuyển nhanh. Kết quả xét nghiệm cũng được trả nhanh hơn rất nhiều so với trước khi chưa triển khai. Đó là chia sẻ của ông Lê Hữu Lộc.

van-hanh-mau.jpg
Hệ thống chuyển mẫu xét nghiệm đang vận hành tại Bệnh viện đa khoa An Phước

Ứng dụng, nhân rộng mô hình

Tại mỗi trạm chuyển - nhận trả kết quả đều có hộp đèn cảnh báo chế độ hoạt động của hệ thống đang ở thì nào. Chẳng hạn, đèn vàng chớp tắt liên tục kèm chuông báo hiệu quá thời gian từ khi đặt mẫu vào trạm, nhưng không gởi đi hoặc mẫu đã đến trạm nhận nhưng chưa lấy ra; đèn xanh lá sáng, đèn đỏ chớp tắt kèm chuông báo hiệu mẫu gởi bị kẹt trên hệ thống. Giả sử thời gian trung bình mẫu di chuyển giữa 2 trạm là 40 giây, nếu quá 90 giây mà trạm nhận chưa thấy mẫu đến thì hệ thống sẽ cảnh báo; đèn đỏ sáng liên tục kèm chuông kéo dài báo hiệu trường hợp có từ 2 trạm trở lên có mẫu vào cùng lúc. Tất cả các đèn cùng sáng là hệ thống đang xử lý kẹt mẫu. Tất cả các cửa trạm sẽ bị khóa khi hệ thống đang vận chuyển mẫu nhằm tránh phá vỡ áp suất trên hệ thống. Cửa trạm sẽ tự mở khi hệ thống kết thúc chu trình vận chuyển.

van-hanh-mau-2.jpg
Chuẩn bị đưa mẫu xét nghiệm vào hệ thống chuyển mẫu tự động tại khoa phòng

Với phần mềm điều khiển lập trình trên PLC, ông Lê Hữu Lộc tự viết chương trình điều khiển theo thực tế hệ thống mà bệnh viện không phải thuê kỹ sư lập trình bên ngoài viết hộ. Hệ thống được sử dụng vật liệu có sẵn trên thị trường, nhân lực nội bộ của bệnh viện tự thiết kế và lắp đặt, với chi phí gần 187 triệu đồng, thấp gấp 5 lần so với báo giá. Điều này giúp Bệnh viện An Phước tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí bảo dưỡng hệ thống. Hơn thế nữa, thông qua đánh giá độ tương thích của hệ thống vận chuyển mẫu tự động và vận chuyển mẫu thông thường, kết quả xét nghiệm các chỉ số vận chuyển mẫu bằng hệ thống khí nén không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm; đảm bảo an toàn.

Bác sĩ Hùng cho biết: Mô hình chuyển mẫu xét nghiệm bằng khí nén tại Bệnh viện An Phước là sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đáp ứng các yếu tố mới - sáng tạo - hiệu quả - an toàn - khả năng áp dụng. Đó là giảm thời gian, công sức vận chuyển mẫu của nhân viên, rút ngắn thời gian nhận - trả kết quả xét nghiệm, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tiết kiệm nhân lực, chi phí cho bệnh viện. Đặc biệt, mô hình vận chuyển mẫu xét nghiệm bằng khí nén có thể nhân rộng, ứng dụng vào các cơ sở khám bệnh khác. Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh. Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, hệ thống chuyển mẫu này được sử dụng ổn định phục vụ công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện An Phước.

TRANG MINH

Related articles
10 mô hình điểm hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số
Thực hiện Chủ đề năm 2024 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập được 10 mô hình điểm “Tổ hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số”, với 100 thành viên.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh viện đa khoa An Phước: Cải tiến kỹ thuật vận chuyển mẫu bằng khí nén tự động