Các dự án luật sắp thông qua được cử tri quan tâm và kỳ vọng

11/10/2022, 05:43

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra từ ngày 20/10 - 19/11/2022. Đây là kỳ họp có khối lượng dự án luật được xem xét nhiều nhất so với các kỳ họp trước đó.

Nhiều dự án luật liên quan trực tiếp đến người dân

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

cu-tri-2.jpg

Tại các buổi tiếp xúc cử tri mới đây, cử tri ấn tượng với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bởi luật này có liên quan trực tiếp đến người dân. Ông Nguyễn Đức Tuần, cử tri xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, ông rất quan tâm đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, luật đã thể chế phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. “Tôi hy vọng, luật được ban hành sẽ có những quy định chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và ngày càng phát huy được quyền làm chủ của nhân dân”, ông Tuần chia sẻ.

Quan tâm đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều cử tri cho rằng, đây là một luật khó, có phạm vi rộng, hàm chứa các vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định. Chị Hoàng Anh Thơ, cử tri TP. Phan Thiết chia sẻ, thời gian vừa qua liên tiếp xảy những vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, không chỉ ở trong cả nước mà ngay trên địa bàn tỉnh. “Tôi cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành là rất cần thiết, sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực hiện hành, đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, người vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, chị Thơ nói.

Ngoài ra, nhiều cử tri cũng rất quan tâm đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các cử tri cho rằng, đây là dự án luật có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đất nước, tỉnh vừa trải qua đại dịch Covid-19. Vì vậy, hệ thống y tế phải chịu áp lực và khối lượng công việc rất lớn. Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân.

Đưa tiếng nói của cử tri Bình Thuận đến nghị trường

Cũng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ cho ý kiến 7 dự án quan trọng luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự và nhiều nội dung quan trọng khác. Theo đánh giá, trong 7 dự án luật được cho ý kiến lần đầu có dự án luật rất quan trọng là Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Theo đó, một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được cử tri kỳ vọng, mong chờ nhiều nhất đó là việc bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.

Ông Nguyễn Đức Tín, cử tri phường Mũi Né, TP. Phan Thiết cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Do đó, người dân rất mong mỏi các quy định mới về giá đất, thu hồi đất… sau khi thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian đến. Hầu hết, những đóng góp ý kiến của các cử tri thông qua các kỳ họp tiếp xúc, đều được các ĐBQH tỉnh lắng nghe, tiếp thu và tích cực đưa tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri Bình Thuận đến với nghị trường kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Được biết, trước đó tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, các ĐBQH cũng đã tiếp xúc cử tri ở 28 xã, phường, thị trấn (tại 22 điểm TXCT) và 2 buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, phối hợp tổ chức 1 buổi tiếp xúc cử tri kết hợp đối thoại nhân dân huyện Hàm Thuận Nam với hơn 1.600 cử tri tham dự. Qua đó, đã có 30 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, 64 kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh xem xét, giải quyết. Các kiến nghị đã được chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Đối với kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 3, đến nay Đoàn ĐBQH tỉnh đã nhận được văn bản trả lời 64/64 kiến nghị cử tri của các cơ quan chức năng trong tỉnh, 12/30 kiến nghị cử tri của các cơ quan Trung ương. Các nội dung trả lời của Trung ương và các ban, ngành của tỉnh đã được sao gửi đến các địa phương. Các kiến nghị còn lại vẫn đang trong thời gian xem xét, trả lời, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục theo dõi, tổng hợp trả lời cử tri trong thời gian tới.

Ngoài những nội dung quan trọng liên quan đến công tác lập pháp nói trên, thì tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV cũng sẽ xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

NGỌC DIỆP

Related articles
Phản biện xã hội: Mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội
Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đã luôn coi trọng ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của mình. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này càng được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm lớn.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các dự án luật sắp thông qua được cử tri quan tâm và kỳ vọng