Phản biện xã hội: Mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội

10/10/2022, 05:28

Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay đã luôn coi trọng ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chính sách của mình. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề này càng được Đảng và Nhà nước chú trọng và quan tâm lớn.

Và phản biện xã hội, mà lâu nay được thể hiện dưới hình thức nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội đóng góp, phê bình, kiến nghị với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quốc kế dân sinh, chính là một trong những biện pháp cần thiết để mở rộng dân chủ và tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.

z3785138230577_34e5c0b23cadfb70fb76d11377caea50.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bố Thị Xuân Linh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ tại UBND huyện Đức Linh.

Sự cần thiết

Phản biện xã hội là phản biện đối với hoạt động tổ chức và thực thi quyền lực chính trị, ở đó, quan hệ giữa các chủ thể - phản biện và được phản biện nằm trong mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau: một bên là những thiết chế đại diện có trách nhiệm đưa ra các quyết định lãnh đạo, quản lý chung đối với xã hội, bên kia là các cá nhân công dân và các tổ chức của dân có mối liên hệ về quyền dân chủ, về quyền công dân và sự quan tâm đến lợi ích chung đã đứng ra nêu lên nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến về những vấn đề do các thiết chế thực thi quyền lực công đưa ra với mong muốn quyết định đó trở nên phù hợp hơn, khả thi hơn và đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Hoạt động phản biện xã hội với nội dung này đã luôn hiện hữu trong các chế độ Nhà nước từ trước đến nay. Từ ngàn xưa, đó là chế độ “chiêu hiền, đãi sĩ” để tranh thủ ý kiến người hiền tài, là chế độ can gián vua chúa. Trong chế độ tư bản đó là hoạt động đảng phái đối lập, lobby, mít tinh, biểu tình. Còn trong chế độ ta, biểu hiện rõ rệt nhất là nguyên tắc đấu tranh phê và tự phê bình trong Đảng, sự xem xét, đánh giá hoạt động trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Sự phê bình không phải đơn giản chỉ là nhận xét cá nhân, phê phán cá nhân với nhau mà phải hiểu sâu xa là cả sự phản biện chủ trương, đường lối, chính sách. Ý nghĩa của phản biện xã hội trước hết là ở sự nhận xét, đánh giá, phê phán, góp ý với bộ máy công quyền về một dự kiến, một quan điểm chưa phù hợp để đặt vấn đề xem xét lại. Sau nữa, là đưa ra các giải pháp thích ứng hơn. Dưới góc độ này, phản biện còn là một sự hiến kế, là dịp để bộc lộ nhân tài. Đây là kênh quan trọng để phát hiện và sử dụng người tài cho đất nước. Bên cạnh đó, phản biện xã hội nói lên sự phản hồi của xã hội đối với các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội về thực chất là người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp của dân góp sức với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách, chuẩn bị các quyết định về chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Mục đích chính trị của phản biện xã hội là góp phần tạo ra và bảo đảm sự đồng thuận xã hội, sự đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phản biện xã hội là một hình thức, một biện pháp cụ thể thể hiện quyền của dân và ý thức trách nhiệm của dân đối với công việc chung của đất nước, thể hiện lòng tin của cơ quan lãnh đạo đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với dân, tin ở trình độ chính trị của dân, mức độ hiểu biết của dân về lãnh đạo và quản lý… tất cả những vấn đề trên đã khẳng định tầm quan trọng của phản biện xã hội trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

z3785139110080_659b4ee1c593a4ff49895cb9be176233.jpg
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hàm Thuận Bắc phản biện dự thảo kế hoạch thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Ảnh V.Trúc

Cần thực hiện tốt hơn

Tại Bình Thuận, bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh đối với công tác phản biện xã hội; hàng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã nghiên cứu, đề xuất nội dung phản biện xã hội để cấp ủy phê duyệt, cho chủ trương thực hiện, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác quản lý khoáng sản, môi trường; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi triển khai các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thực tiễn cho thấy chất lượng, hiệu quả công tác phản biện xã hội ngày càng được nâng lên, qua đó quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân được bảo đảm, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền; đồng thời, nâng cao vai trò, vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, Tỉnh ủy đã yêu cầu cấp ủy các cấp cần tăng cường chỉ đạo, làm tốt công tác định hướng nội dung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp theo định kỳ hàng năm; tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy tính chủ động của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình phối hợp, tham mưu cho cấp ủy định hướng nội dung giám sát, phản biện xã hội sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp phải bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện, đảm bảo yêu cầu đề ra; đồng thời cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên nắm thông tin về các chủ trương, chính sách dự kiến được ban hành và lựa chọn các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và nhân dân để đề xuất cấp ủy cho chủ trương tổ chức phản biện xã hội. Phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, các chuyên gia, các nhà khoa học, những người nắm chắc kiến thức, am hiểu sâu về các lĩnh vực có liên quan để tổ chức phản biện đạt hiệu quả cao.

BẢO TÍN

Related articles
Triển khai Thông báo số 16 về thực hiện một số mô hình thí điểm
Trong phiên họp ngày 15/9, sau khi nghe Ban Tổ chức Tỉnh ủy báo cáo Tờ trình số 929 về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và ý kiến của các thành viên dự họp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Thông báo số 16 của Bộ Chính trị “về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản biện xã hội: Mở rộng dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội