Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới. Bài 2

14/09/2022, 05:24

Bài 2: Tiềm năng và triển vọng của Bình Thuận

Chú trọng nguồn lực tự nhiên

Quả thực, với vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên có thể coi là một trong những nguồn lực quan trọng và điểm mạnh của tỉnh Bình Thuận so với các địa phương khác trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung nói chung và tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ nói riêng. Bình Thuận là 1 trong 28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ kể cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quan trọng hơn, tỉnh còn nằm trên tuyến hành lang kinh tế Bắc – Nam, là tuyến hành lang kết nối các tuyến hành lang kinh tế phía Bắc với hành lang kinh tế phía Nam tham gia vào tuyến hành lang xuyên Á, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa tiểu vùng duyên hải Nam Trung bộ và vùng Đông Nam bộ (và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), với khoảng cách không quá xa đến trung tâm phát triển lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Bình Thuận là một tỉnh tiếp nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với biển Đông rộng lớn.

202209081004222.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan mô hình Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. Ảnh: Đ.Hòa

Bình Thuận có điều kiện tự nhiên và các nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú có khả năng huy động, khai thác, sử dụng vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới. Với bờ biển dài 192 km, ngoài khơi có đảo Phú Quý với diện tích 16 km2 nằm cách Phan Thiết 56 hải lý, điều kiện khí hậu thuận lợi, ít mưa bão sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Thuận phát triển các ngành kinh tế từ biển như khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Trong đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng tầm cỡ quốc gia và quốc tế; phát triển cảng biển gắn với kết hợp hình thành các khu công nghiệp quy mô lớn hơn. Không gian và nguồn lợi từ biển đã và đang được các ngành kinh tế của trung ương, tỉnh quan tâm khai thác, phát triển và từng bước phát huy hiệu quả. Trong tương lai, vùng ven biển sẽ trở thành vùng động lực thúc đẩy việc phát triển các đô thị, khu du lịch; khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ven biển; các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất liền và điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG và hệ thống cảng biển, tuyến đường ven biển. Theo quy hoạch và định hướng thì các ngành ưu tiên phát triển ở khu vực này là du lịch, công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và dịch vụ logistics. Đối với du lịch, Bình Thuận xác định thế mạnh về biển và cảnh quan thiên nhiên để xây dựng các khu du lịch đẳng cấp với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chữa bệnh, thể thao biển, MICE. Không xa nữa du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Kết nối hạ tầng liên vùng

Bình Thuận có hệ thống hạ tầng giao thông với đa dạng loại hình vận tải như các tuyến đường bộ QL1, QL28, QL55 và hệ thống đường tỉnh đã và đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp; đường sắt Bắc - Nam hiện có và các cảng biển Vĩnh Tân, Phan Thiết đi vào hoạt động từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ hạ tầng của doanh nghiệp và nhân dân. Các công trình năng lượng quốc gia được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, cùng với các công trình hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp năng lượng xanh, sạch tạo cho Bình Thuận có mạng lưới hạ tầng tương đối đồng bộ.

Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng quốc gia đã được quy hoạch và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đi qua; cảng biển Sơn Mỹ và cảng hàng không Phan Thiết; đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông đi lại dễ dàng, thuận lợi với các vùng và cả nước, nhất là các vùng kinh tế năng động; kết nối phát triển kinh tế thuận lợi với các quốc gia, thị trường trong khu vực ASEAN và quốc tế. Cùng với hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối được hoàn thiện, làm gia tăng nhanh hơn hiệu ứng lan tỏa phát triển, nhất là các hoạt động công nghiệp, dịch vụ như: giáo dục đào tạo, y tế, du lịch, logistics, tỉnh sẽ tiếp tục học tập, kế thừa, đổi mới sáng tạo từ các trung tâm kinh tế lớn như vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cùng với thị trường hàng hóa, dịch vụ rộng lớn, cơ cấu “dân số vàng” là cơ hội cho Bình Thuận thu hút đầu tư trong thời gian đến.

202209081004225.jpeg
Hình thành các khu du lịch hiện đại ven biển. Ảnh: Đ.Hòa

Được biết, các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước được xác định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đang được xây dựng) là cơ hội cho Bình Thuận hoạch định phương án, quản lý phát triển và định hướng cho các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội từ những chủ trương, chính sách mang lại. Tỉnh Bình Thuận hiện đang tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công. Quan tâm tháo gỡ điểm nghẽn do yếu tố con người, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Quy mô và chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua đang trở thành một trong những nguồn tài lực quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

Trong bối cảnh phát triển mới, cùng với cơ hội mở rộng thị trường do liên kết, hợp tác phát triển, việc quản lý, khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên hợp lý hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho Bình Thuận nhiều triển vọng phát triển các ngành: Khai thác, nuôi trồng và công nghiệp chế biến thủy, hải sản; nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai khoáng (chế biến sâu titan, dịch vụ dầu khí...). Theo đó, phát triển công nghiệp điện, trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia; dịch vụ cảng biển gắn với hình thành các đô thị, các khu công nghiệp và cung cấp dịch vụ logistics; phát triển mô hình các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ; phát triển các đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế trong thời gian đến.

Có thể nói “đường lớn đã mở” cho Bình Thuận. Trong tương lai gần, mảnh đất từng mệnh danh “khô, khó, khổ” sẽ chắc chắn phát triển nhanh, mạnh, bền vững và đi lên, khi biến những khó khăn thành lợi thế như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra.

NHƯ NGUYỄN; ẢNH: ĐÌNH HÒA

Related articles
Cơ cấu lại nền kinh tế: Tạo bước đột phá trong phát triển các ngành chủ lực
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, Bình Thuận hướng đến tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận trở thành một cực phát triển mới. Bài 2