Cơ cấu lại nền kinh tế: Tạo bước đột phá trong phát triển các ngành chủ lực

06/09/2022, 05:44

Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, Bình Thuận hướng đến tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng…

Để triển khai đem lại hiệu quả, địa phương đã đề ra một số giải pháp, trong đó có cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế. Cụ thể ở lĩnh vực nông nghiệp, ngành chức năng của tỉnh sẽ tăng cường biện pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra còn tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Đề xuất các chương trình nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) để gắn sản xuất với chế biến, phân phối và tiêu thụ. Đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, có khả năng tổ chức liên kết sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung.

anh-2.-boc-xep-may-bien-the-2-.jpg
Tới đây, địa phương cũng tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế (Ảnh minh họa từ Internet).

Với công nghiệp thì tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp năng lượng (ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG) trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của Bình Thuận. Cùng với đó xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, mặt biển... trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Bên cạnh đó cũng tập trung thúc đẩy tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình, dự án sản xuất điện đã có chủ trương đầu tư. Ở lĩnh vực này, địa phương còn đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với những sản phẩm lợi thế của tỉnh (hải sản, nước mắm, thanh long, cao su, gỗ gia dụng xuất khẩu...), có quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại và tạo giá trị gia tăng cao.

Tới năm 2025, lĩnh vực này cũng tính đến phát triển một số ngành: Công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng; sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt - may, da - giày. Thêm vào đó là ngành sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử; vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và công nghiệp môi trường; công nghiệp cơ khí, đóng, sửa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ; sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp điện, nước, xử lý rác thải, nước thải... nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững.

Đối với ngành dịch vụ, địa phương chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại cũng như phát triển công trình thương mại kinh doanh hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng… Giai đoạn này, ngành chức năng của tỉnh sẽ phối hợp đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics tích hợp Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan khác. Từ đó kêu gọi nhà đầu tư thành lập Trung tâm logistics phục vụ nhu cầu lưu thông và phân phối hàng hóa, hướng tới trở thành một đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Ở lĩnh vực dịch vụ, các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại du lịch. Tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh, xây dựng và kêu gọi đầu tư phát triển đa dạng loại hình vui chơi giải trí, nhất là các loại hình vui chơi giải trí về đêm… Tới đây, Bình Thuận cũng tập trung phát huy vai trò của Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh). Thông qua đó góp phần phát triển hệ thống dịch vụ logistics, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển lẫn đường hàng không và phát triển dịch vụ cảng biển gắn kết với các khu công nghiệp ở địa phương…

Đ.QUỐC

Related articles
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để Bình Thuận phát triển
Tại buổi làm việc mới đây, Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm xem xét, chỉ đạo giải quyết một số khó khăn, vướng mắc, đề xuất của tỉnh. Đây đều là những đề xuất chính đáng, thiết thực, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng giải quyết đối với từng đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, giao trách nhiệm từng bộ, ngành phối hợp với Bình Thuận để giải quyết phù hợp, đúng quy trình, quy định; những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ cấu lại nền kinh tế: Tạo bước đột phá trong phát triển các ngành chủ lực