Ở nơi đầu nguồn nước
Đang cuối tháng 5, thời điểm chưa kết mùa khô nhưng cũng chưa phải là mùa mưa, dù vậy nước bập bờ trên tuyến kênh 812- Châu Tá, từ điểm hòa vào dòng tuyến kênh chính Sông Quao (xã Hàm Trí, Hàm Thuận Bắc) kéo dài đến đầu tuyến, tiếp nhận nguồn nước từ Đập dâng 812 tại xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình dài hơn 30km. Chính tại đập dâng này, chúng tôi thấy sự phân chia nước về theo 2 ngả cho 2 huyện qua 2 tuyến kênh gồm tuyến 812- Châu Tá tiếp nước về hồ Sông Quao cho Hàm Thuận Bắc và tuyến kênh hoàn chỉnh Sông Lũy – Cà Giây. Đồng thời qua đó cũng hiểu thêm câu chuyện hơn 15 năm trước, lãnh đạo tỉnh và ngành thủy lợi tỉnh đã “ứng xử” với nguồn nước xả sau thủy điện Đại Ninh một cách khoa học, thể hiện tinh thần quý nước, tiết kiệm nước của người con vùng đất khát. Đó là không để nguồn nước xả ấy theo sông Lũy ra biển hết một cách lãng phí, trong khi hàng năm trên bờ vào mùa khô đều đối diện cảnh khó sản xuất, nhất là Bắc Bình, Tuy Phong, vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất, nhì cả nước, chưa khai thác hết tiềm năng đất đai vốn rộng mênh mông…


Điều đáng chú ý, cũng chính ở nơi đây ghi nhận cách làm theo kiểu con nhà nghèo, cứ gỡ lần lượt, tùy vào nguồn vốn và hoàn cảnh từng lúc mà các công trình xuất hiện. Như kênh tiếp nước hồ Cà Giây là công trình được xác định làm đón đầu đưa dòng nước xả của thủy điện Đại Ninh về hồ Cà Giây, trong kế hoạch củng cố và mở rộng diện tích sản xuất của Bắc Bình. Vài năm sau, tuyến kênh 812 –Châu Tá ra đời, cũng đưa nguồn nước trên qua hơn 30 km về huyện Hàm Thuận Bắc, đánh dấu tuyến kênh chuyển nước liên huyện đầu tiên ở tỉnh, mang lại hiệu quả vượt trội. Chưa hết, từ đây cũng xúc tác cho kiến nghị Trung ương xây dựng hồ Sông Lũy vào năm 2019 trên địa bàn xã Phan Lâm, không xa mấy so với Đập dâng Sông Lũy, đóng vai trò là kho nước dự trữ cho khu vực phía Bắc tỉnh. Từ sự dồi dào này, tuyến kênh chuyển nước từ hồ Cà Giây qua hơn 42 km dẫn ra Tuy Phong đã được thi công xong vào cuối năm ngoái, đã cơ bản hoàn thành việc nối mạng thủy lợi phía Bắc tỉnh.



50 công trình thủy lợi và 1.000 km kênh mương
Đến thời điểm này, Bắc Bình, nơi tiếp nhận đầu tiên nguồn nước của cao nguyên đã cơ bản thực hiện ước mơ xanh hóa, khiến nhiều vùng đất trở nên trù phú. Ở vùng từng khô hạn này, bây giờ có cả hệ thống mạng lưới đồ sộ của nối mạng thủy lợi trong phạm vi 1 huyện. Trên địa bàn Bắc Bình, hiện có 5 hồ chứa nước gồm Sông Lũy 99,9 triệu m³, Cà Giây 36,92 triệu m³, Năm Heo 0,7 triệu m³, Bo Bo 0,51 triệu m³ và 1 hồ chứa nước nhỏ là hồ Suối Dẻ; 2 hệ thống đập có chiều cao > 5m gồm đập Sông Lũy, đập Phan Rí - Phan Thiết cùng với 160 km kênh chính và các công trình đầu mối do Công ty TNHH MTV KTCTTL Bình Thuận quản lý, trong đó chiều dài các tuyến kênh đã kiên cố được khoảng 100,89 km, đạt 63,05%. Bên cạnh, hơn 828 km kênh cấp II, III và kênh nội đồng, có sự đóng góp xây dựng của nhân dân do xã quản lý theo phân cấp quản lý tại Quyết định số 11/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, trong đó chiều dài kiên cố được khoảng 115,11 km, đạt 13,9%.



Tính chung đến nay, Bắc Bình có hơn 50 công trình thủy lợi, chiếm gần 1/3 các công trình thủy lợi trong tỉnh và gần 1.000 km kênh mương các loại. Gia tài này có được nhờ trung ương, tỉnh đầu tư, cùng với hàng năm, UBND huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn tu bổ, xây dựng kênh mương, cống... Như trong giai đoạn 2019-2023, Bắc Bình đã phân khai thực hiện hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp với kinh phí hơn 50,4 tỷ đồng. Cụ thể, với nguồn vốn hỗ trợ đất lúa, huyện đã đầu tư hơn 43,1 tỷ đồng cho xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng, nông nghiệp, nông thôn. Còn với nguồn hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với kinh phí 7.252 triệu đồng, trong đó đầu tư cống lấy nước: 2 công trình với kinh phí 300 triệu đồng; thực hiện kiên cố kênh nội đồng: 10 công trình với kinh phí 6.952 triệu đồng.





Nhờ vậy, theo báo cáo của UBND huyện đánh giá, trong những năm qua, diện tích sản xuất nông nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ nguồn nước của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hàng năm đạt 65.000 ha. Trong đó, cây lúa 37.745 ha với bình quân sản xuất 12.000 ha – 13.500 ha/vụ, cây bắp 5.000 ha, cây tinh bột 5.700 ha, cây thực phẩm 6.360 ha, cây công nghiệp ngắn ngày 4.800 ha và cây lâu năm 6.500 ha. Qua đó, từng bước hình thành các nhóm cây trồng chủ lực, lợi thế gắn với vùng sản xuất tập trung, nâng dần chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đời sống của đại bộ phận nông dân từng bước được nâng lên đã góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn.