Lồng bè nhựa từ vật liệu HDPE chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhưng từ lâu, đã được các nước tiên tiến áp dụng trong nuôi biển. Phú Quý là 1 trong những địa phương có diện tích nuôi lồng bè nhiều nhất tỉnh. Nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Quý đã hình thành và phát triển từ năm 1992. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 70 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè với tổng diện tích nuôi hơn 10.000 m2. Nuôi thủy sản lồng bè ở Phú Quý được đánh giá là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Sản phẩm nuôi ở Phú Quý chủ yếu là mú, bớp, tôm hùm xuất khẩu tươi sống sang các nước như Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nuôi trồng hải sản trên lồng bè gỗ thường gặp nhiều rủi ro do thiên tai. Còn nhớ cơn bão số 9 năm 2006 đã gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi hải sản trên biển khoảng 10 tỷ đồng. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết, nên gây ra tình trạng cá chết hàng loạt, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế người nuôi.
Đứng trước những thiệt hại quá lớn về người và tài sản sau những cơn bão, nhiều hộ nuôi trồng hải sản trên cả nước đã tìm kiếm những mô hình nuôi trên biển chống bão. Tại những tỉnh như Khánh Hòa, Phú Yên, đã có những chủ đầu tư tìm đến các mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vật liệu nhựa HDPE đặc chủng. Thay vì các loại lồng gỗ, phao nhựa truyền thống, dễ bị cuốn trôi khi bão lớn, ngành nông nghiệp các tỉnh lân cận đưa ra định hướng ứng dụng công nghệ với vật liệu làm lồng nuôi biển bằng nhựa HDPE theo kỹ thuật tiên tiến của Na Uy.
Tại Hội thảo “Phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Bình Thuận” gần đây, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Super Trường Phát cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới đang ứng dụng lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, tuổi thọ lên đến 50 năm. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ninh, Khánh Hòa cũng đã áp dụng lồng nuôi vật liệu HDPE rất hiệu quả. Bình Thuận cũng nên tiên phong thử nghiệm mô hình này. Hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam, lồng nhựa HDPE có hình dạng phổ biến là lồng vuông hoặc lồng tròn với các kích thước khác nhau. Mỗi loại lồng sẽ phù hợp với một số loại hải sản khác nhau. Được sản xuất từ nhựa HDPE đặc chủng, lồng HDPE tròn thường có đường kính từ 10m, 12m, 20m. Tương đương với đường kính này, sâu lưới của lồng sẽ là 5 - 6 m, 7 - 8 m, 8 - 10m. Thể tích của lồng nhựa HDPE cũng tương ứng từ 500 - 3.000 m3. Bên cạnh đó, lồng vuông thường có kích thước là 5 x 5 m, 7 x 7 m… với thể tích lồng từ 125 m3. Việc chuyển đổi từ lồng bè nuôi bằng vật liệu gỗ truyền thống sang vật liệu HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững là rất cần thiết, nhất là sau cơn bão số 9 (năm 2021) đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với người nuôi tôm hùm, cá biển ở các địa phương nuôi trồng thủy sản lồng bè trên biển.
Biết rằng, việc chuyển đổi là bước đi phù hợp để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, nhưng trị giá đầu tư cho mỗi lồng nuôi bằng vật liệu HDPE gấp 4 - 5 lần so với gỗ truyền thống, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn là khó khăn của hầu hết người nuôi nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, là tỉnh có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, UBND tỉnh cần có những chính sách tín dụng ưu tiên cho bà con để mạnh dạn thay thế vật liệu nuôi trồng thủy sản. Công ty cổ phần Nhựa Super Trường Phát cũng cần có chính sách trả góp nếu ngư dân có ý định chuyển đổi mô hình. Hiện ngành chức năng và một số doanh nghiệp tiên phong trong nước đang đưa ra các phương án giúp giảm giá thành lồng và hỗ trợ bà con trong phương thức thanh toán. Với mục tiêu hàng đầu là giúp cho ngư dân có thể tiếp cận và đưa lồng nhựa HDPE vào sử dụng nuôi trồng hải sản một cách bền vững.