Phú Quý: Nuôi hải sản lồng bè kết hợp du lịch

22/05/2022, 09:50

Ai một lần đến đảo Phú Quý, chắc khó lòng bỏ qua “tour” thưởng thức hải sản tươi sống tại lồng bè mà ít nơi nào có được. Ngoài những hải đặc sản phong phú, quý hiếm, đảo “giàu - sang” này còn là nơi duy nhất trong tỉnh có các công trình nuôi hải sản bằng hồ chắn ven biển rất độc đáo, nơi được khách du lịch đặt cho cái tên mỹ miều “đấu trường La Mã” phiên bản Việt.

Là đảo nhỏ, cách đất liền khoảng 120km, xung quanh có nhiều vùng lạch, eo vịnh kín gió, đặc biệt là khu vực Lạch Dù (xã Tam Thanh) là nơi hội tụ đủ các điều kiện để phát triển nuôi thủy sản trên biển. Vì thế, từ năm 1992, nghề nuôi thủy sản ở Phú Quý đã dần hình thành và phát triển. Chỉ từ vài bè với đối tượng nuôi chủ lực là cá mú, cá bớp… đến nay, toàn huyện có 70 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè với tổng diện tích nuôi hơn 10.000 m2 và đối tượng nuôi rất đa dạng như tôm hùm, cua huỳnh đế, mú cọp, cá chẽm, ốc vú nàng… Nuôi thủy sản ở Phú Quý được đánh giá là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từ đó giúp nhiều người giàu lên chính đáng. Từ lúc có tàu cao tốc, rút ngắn thời gian giữa đất liền và huyện đảo chỉ còn 2,5 giờ thay vì 6 giờ như trước đây, du lịch nơi đảo ngọc có chiều hướng phát triển tích cực.

f1b4acf53bb1fbefa2a0.jpg
Lồng bè nơi đây nuôi rất nhiều hải đặc sản độc đáo

Có dịp quay lại đảo trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy sự chuyển mình của đảo nhỏ, bởi tiềm năng du lịch nơi đây được nhiều người đánh giá sẽ khởi sắc. Chúng tôi được người bạn địa phương chiêu đãi buổi trưa trên lồng bè với nhiều hải sản độc đáo. Ghé bè anh Võ Sinh, một trong những người sở hữu nhiều lồng bè nhất khu vực và có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi hải sản lồng bè. Giới thiệu chúng tôi xem đủ loại đặc sản của Phú Quý từ cua mặt trăng, huỳnh đế, cua đỏ, tôm hùm bông baby với vô số loại ốc có tên gọi và hình thù lạ mắt như ốc bàn tay, ốc bàn chân, ốc vú nàng, ốc giác sắt, ốc hoàng hậu, nhum… Anh Sinh cho biết: “Ngoài phục vụ du khách, sản phẩm nuôi chủ yếu xuất khẩu tươi sống sang Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 năm dịch nên thị trường này thu hẹp dần. Hiện tôi chỉ bán thị trường trong nước như TP. HCM, Khánh Hòa, Bình Dương… nhưng giá không ổn định. Trong khi đó, giá giống với giá thức ăn ngày càng tăng, nên hiệu quả kinh tế giảm, người dân cũng giảm dần diện tích nuôi”. Không riêng gì bè anh Sinh, những bè lân cận như Hải Thiện, bè anh Trung, anh Liên, anh Chín… đều nườm nượp khách từ đất liền ghé tham quan. Vào những ngày cuối tuần hay dịp lễ, khu lồng bè Lạch Dù dường như quá tải khi 1 ngày đón cả trăm lượt khách đến trải nghiệm.

842feabd7df9bda7e4e8.jpg
Dịp lễ, cuối tuần, bè nào cũng nhộn nhịp du khách ghé tham quan

Dịch vụ này được rất nhiều du khách đất liền thích thú khi ra đảo vì có thể vừa lặn biển ngắm san hô, vừa thưởng thức gió biển mát rượi và dùng hải đặc hải tươi ngon được chế biến tại chỗ. Tuy nhiên, để loại hình du lịch này hoạt động bài bản, an toàn, vào năm 2019, UBND huyện Phú Quý đã yêu cầu các chủ cơ sở lồng bè phải ký cam kết, trang bị đầy đủ phương tiện cứu nạn cứu hộ, áo phao cho khách. Các phương tiện đưa đón khách ra bè phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định và người điều khiển phương tiện ca nô, thuyền máy có tốc độ cao phải được đào tạo và cấp chứng chỉ. Đặc biệt, các bè phải lắp hố vệ sinh tự hoại, cuối ngày phải gom rác lên bờ… tránh tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường biển. Đến thời điểm này, khoảng 10 lồng bè kết hợp dịch vụ du lịch cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện và trở thành điểm đến không thể thiếu trong lịch trình tham quan đảo của du khách.

img_3627.jpg
Nhiều loại cá nuôi tại bè vừa phục vụ du khách vừa xuất bán

Còn 1 điểm độc đáo khác mà du khách, đặc biệt là giới trẻ không thể bỏ qua là các hồ chắn nuôi hải sản nằm ở xã Long Hải. Toàn huyện có 11 hồ chắn được xây bằng đá và xi măng ở ngay bờ biển, nhờ thủy triều lên xuống lấy nước vào và xả nước ra để nuôi hải sản. Những hồ chắn biển này được xây liền nhau nhìn từ trên cao tạo thành quần thể khá đẹp mắt và được dân mạng đặt cho cái tên mỹ miều “đấu trường La Mã” Việt Nam. Một thời gian dài, các ao chắn này bị bỏ hoang, mặc cho nắng, gió và nước biển bào mòn, bám rong rêu, tạo nên nét đẹp xưa cũ, độc đáo và rất ấn tượng. Khoảng 2 - 3 năm gần đây, du khách đến Phú Quý, tham quan di tích mộ thầy Sài Nại đều ghé qua check - in nơi đây vì khung cảnh tuyệt mỹ. Tuy nhiên đầu năm 2022, các chủ đầm bắt đầu nuôi hải sản trở lại nên đã rào chắn khu vực này. Những bức tường, hay nơi có các “ô cửa sổ sống ảo” được ngư dân xây lại thành các chòi kiên cố để chứa máy bơm nước và dụng cụ khác. Hiện tại khách du lịch muốn tham quan nơi này, chỉ chụp được bên ngoài. Nếu có quen ngư dân nào đang nuôi hải sản nơi đây, thì cũng có thể xin vào tha hồ “săn ảnh” – dân địa phương cho biết.

z3262257190759_c07df1a79074b1b2cdb722845f9f88c1.jpg
Là nơi duy nhất trong tỉnh có những hồ chắn biển độc đáo
f45185b60f7fc021996e.jpg
"Đấu trường La Mã" phiên bản Việt của giới trẻ sau khi check - in

Theo UBND huyện Phú Quý, huyện đang khảo sát eo vịnh Mỏm Đá để phát triển mô hình ao chắn sóng, vừa nuôi trồng hải sản vừa phục vụ du lịch. Huyện sẽ quy hoạch và có thiết kế, cũng như định hướng kỹ thuật ao chắn, vừa thẩm mỹ, an toàn, vừa là điểm đến tham quan vô cùng độc đáo nơi đảo ngọc.

MINH VÂN

Related articles
Du lịch lồng bè ở Lạch Dù
BT- Mùa này, dù đã qua thời điểm “tháng 3 bà già đi biển”, nhưng mặt nước vẫn một màu trong xanh, phẳng lặng tựa gương soi. Du khách sẽ khó lòng cưỡng lại khi bước lên những lồng bè nuôi hải sản tại Khu Lạch Dù, xã Tam Thanh (Phú Quý)…

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phú Quý: Nuôi hải sản lồng bè kết hợp du lịch