Phòng trừ sâu bệnh gây hại thanh long theo hướng sinh học

18/08/2022, 05:13

Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt và nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật (KDTV) nông sản xuất khẩu, trong đó có thanh long Bình Thuận. Do đó, việc sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng sinh học đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cây trồng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Rào cản về hàng rào kỹ thuật

Đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của nông sản Việt Nam, đặc biệt là thanh long. Tuy nhiên, yêu cầu KDTV nhập khẩu vào nước này sẽ ngày càng khắt khe hơn và xuất khẩu theo hình thức biên mậu sẽ bị hạn chế dần. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 9 loại trái tươi của Việt Nam, trong đó, có thanh long với yêu cầu cơ bản như cấp giấy chứng nhận KDTV và không nhiễm đối tượng KDTV.

z3644222044123_106479aaf02715654650dfdafd51073c.jpg
Cán bộ kỹ thuật tại vườn thực hiện mô hình

Đáng chú ý, trong số các loài sinh vật gây hại trên thanh long, rệp sáp giả (rệp sáp bột) là những đối tượng mà bên Trung Quốc đưa ra yêu cầu kiểm soát, cùng những yêu cầu khác như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, mẫu mã.... Chính vì vậy, sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cây trồng, trong đó biện pháp phòng trừ sinh học đặc biệt quan trọng để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu thanh long không những sang thị trường Trung Quốc mà còn các thị trường khó tính khác. Đồng thời, hướng đến mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm sử dụng thuốc hóa học, tăng chất lượng, giữ năng suất, vì môi trường và sức khỏe cộng đồng.

rep-sap.jpg
Rệp sáp giả gây hại trên thanh long.

Xuất phát từ thực tế đó, Viện Bảo vệ thực vật đã nghiên cứu rệp sáp giả hại thanh long và đề xuất biện pháp phòng trừ theo hướng sinh học. Từ tháng 1 - 8/2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình phòng trừ rệp sáp giả với diện tích 1,5 ha thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc.

Hiệu quả của biện pháp sinh học

Ông Lê Hữu Nhiệm - cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Mô hình phòng trừ rệp sáp giả được thực hiện với diện tích 1,5 ha gồm 0,5 ha vườn kiến thiết cơ bản và 1 ha vườn kinh doanh tại thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc. Một trong những biện pháp thủ công được đề cập tới, gồm cắt bỏ sát cuống trái khi tỉa trái, trái bị hư, chồi không hữu hiệu, những bộ phận bị rệp sáp hại nặng đem tiêu hủy. Về biện pháp sinh học, thực hiện trồng xen một số loại hoa có màu sắc sặc sỡ như hoa sao nhái, dừa cạn... để hấp dẫn và là nơi cư trú cho các loài thiên địch. Song song, dùng các loại chế phẩm sinh học và các thuốc có nguồn gốc sinh học, thả bọ rùa bắt mồi, ong ký sinh rệp sáp giả. Ngoài ra, nông dân có thể sử dụng biện pháp hóa học khi cây bị nhiễm rệp nặng, là sử dụng các thuốc trừ rệp sáp giả trong danh mục thuốc BVTV do Cục BVTV ban hành và theo nguyên tắc 4 đúng.

Theo ông Trương Văn Hồng, hộ trồng thanh long thực hiện mô hình tại xã Hàm Hiệp - Hàm Thuận Bắc nhận xét: Quá trình thực hiện mô hình cho thấy quy trình đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với hộ sản xuất thanh long. Việc thử nghiệm quy trình thu được kết quả tốt, kiểm soát được rệp sáp giả thanh long, giảm được số lần phun thuốc, vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng. Kết quả mô hình đảm bảo năng suất, chất lượng thanh long và giảm được 1 lần phun thuốc/vụ. Viện Bảo vệ thực vật cũng tổ chức lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật phát hiện và các biện pháp phòng trừ rệp sáp giả hại thanh long.

Cũng theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, kết quả mô hình đã kiểm soát tốt rệp sáp giả hại thanh long, hiệu quả phòng trừ cao trên 80%. Giảm được 1 lần phun thuốc hóa học/1vụ, vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Ngành nông nghiệp Bình Thuận nói chung và người trồng thanh long nói riêng đang hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng trong sản xuất thanh long thời gian tới.

K. HẰNG

Related articles
Phát triển chăn nuôi chuỗi khép kín, an toàn sinh học
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, từ đầu năm đến nay, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến về tổ chức sản xuất, đặc biệt là phát triển chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học.

(0) Comments
Focus
Do not miss
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng trừ sâu bệnh gây hại thanh long theo hướng sinh học